Thứ Ba, 20 tháng 12, 2022

Rau hữu cơ giá trị cao ở Lạc Dương

VĂN VIỆT

Thương hiệu nông sản Hiếu Linh Đà Lạt vừa được cấp Chứng nhận hữu cơ theo tiêu chuẩn Việt Nam tại trang trại canh tác 1 ha thuộc địa bàn thị trấn Lạc Dương, huyện Lạc Dương, đã và đang thâm nhập thị trường mang giá trị cao về kinh tế, môi trường và chất lượng an toàn thực phẩm của sản phẩm thu hoạch hàng ngày.

Luân canh 15 giống rau hữu cơ

Thung lũng Khát vọng xanh sản xuất 1ha các loại rau hữu cơ của thương hiệu nông sản Hiếu Linh Đà Lạt nằm cách đường nhựa lớn vài trăm mét. Đường nhựa này nối thị trấn Lạc Dương với xã Đạ Sar trên cùng huyện Lạc Dương thuộc Quốc lộ 27 C đi thẳng xuống phố biển Nha Trang. Nhờ giao thông thuận lợi men theo những khu rừng thông xanh rợp mát, nên Thung lũng Khát vọng xanh những năm gần đây đã trở thành điểm đến không chỉ của nông dân địa phương mà còn có các chuyên gia nông nghiệp khảo sát, sinh viên, học sinh cũng như khách du lịch tham quan, học tập trải nghiệm. Đặc biệt từ ngày 29/10/2022 được cấp Chứng nhận sản xuất phù hợp theo tiêu chuẩn hữu cơ của Việt Nam đến nay, số lượng khách tìm đến Thung lũng Khát vọng xanh càng nhiều hơn.

Gặp các sinh viên trong tỉnh Lâm Đồng tại trang trại vào cuối tháng 11/2022, phóng viên ghi nhận nhu cầu khám phá và sẵn sàng khởi nghiệp về nông nghiệp hữu cơ của tuồi trẻ. “Đến đây trải nghiệm mới hay làm nông nghiệp hữu cơ cùng lúc đạt nhiều giá trị hữu ích về bảo vệ môi trường, bảo vệ sức khỏe cộng đồng và bảo vệ sức khỏe chính mình…”, một nữ sinh viên bày tỏ. Cùng nữ sinh viên bước ra khu vườn rau hữu cơ ngoài trời ngập đầy nắng vàng, phóng viên trông thấy những đàn bướm trắng tự do bay lượn hút mật hoa lá, chứng tỏ môi trường sản xuất của Thung lũng Khát vọng xanh đang dẩn dần trả về trạng thái tự nhiên, dẫn dụ các loài bướm nói riêng, các loài côn trùng có lợi nói chung tìm về sinh sôi nảy nở, làm chức năng đối kháng, ngăn chặn và tiêu diệt các loài côn trùng gây hại, bảo vệ cây trồng sinh trưởng đạt năng suất cao nhất qua từng mùa vụ.

Bà Lê Thị Thu Hậu, chủ nhân Thung lũng Khát vọng xanh của thương hiệu nông sản Hiếu Linh Đà Lạt cho biết, sau khi đạt Chứng nhận tiêu chuẩn hữu cơ Việt Nam, Thung lũng Khát vọng xanh tiếp tục duy trì sản xuất hữu cơ luân canh khoảng 15 giống rau các loại theo nhu cầu của thị trường. Quy trình canh tác ở đây tuần hoàn khép kín từ khâu ươm giống đến khâu chăm sóc và thu hoạch đưa vào sơ chế, chế biến, đóng gói tiêu thụ. Cụ thể nguồn giống gốc các loại rau chất lượng cao nhập khẩu từ châu Âu về trực tiếp gieo ươm, chăm sóc cây con trước khi đưa ra vườn trồng trên từng luống đất được bón lót phân hữu cơ sản xuất tại chỗ từ 2- 3 tấn/3 tháng. Nguyên liệu phân hữu cơ chiếm phần lớn là  “thực bì” thu gom từ khoảng 15 giống rau sau khi sơ chế, chế biến hàng ngày tại trang trại. Còn thuốc trừ sâu sinh học cho cây rau, trang trại phối trộn từ tỏi, ớt, hành, hạt neem.. hòa tan với nước sạch để bơm phun. Và nước tưới sạch cho rau được bơm lên từ giếng khoan sâu trong lòng đất.

Tiếp tục chuyển đổi VietGAP sang hữu cơ


Kết quả thu hoạch trung bình mỗi ngày các loại rau hữu cơ trên 1 ha Thung lũng Khát vọng xanh vào thời điểm cuối tháng 11 và đầu tháng 12/2022 như: 30 kg bồ công anh; 50- 60 kg các loại rau cải cầu vồng, cải xoăn, đậu Nhật, lơ xanh, xà lách, củ dền, cà rốt…Nếu so sánh với giải pháp sản xuất sử dụng phân bón hóa học và thuốc bảo vệ thực vật thì giải pháp sản xuất hữu cơ của Thung lũng Khát vọng xanh sản lượng chỉ bằng 50%; ngược lại giá trị sản phẩm thu hoạch tăng từ gấp đôi trở lên. Đặc biệt tại Thung lũng Khát vọng xanh bước đầu đưa vào sản xuất và chế biến trà gừng, trà bồ công anh hữu cơ được thị trường tiêu thụ khả quan. Tính toán sơ bộ thời điểm thị trường cuối năm 2022, trồng rau hữu cơ ngoài trời ở Thung lũng Khát vọng xanh có thể đạt lợi nhuận từ 250- 300 triệu đồng/ha/năm.

Nhìn lại thời gian từ năm 2017, bà Lê Thị Thu Hậu với tư cách Giám đốc Công ty TNHH Nông sản Hiếu Linh Đà Lạt vào lập trang trại sản xuất 1ha rau các loại tại thôn Đăng Lèn và Đăng Gia Rít B, thị trấn Lạc Dương, huyện Lạc Dương với quy trình VietGAP, đến năm 2019 mới chuyển sang hướng hữu cơ. 3 năm tiếp theo – năm 2022, môi trường đất, nước, không khí trên diện tích 1ha sản xuất rau mới thực sự ổn định, đáp ứng đầy đủ các tiêu chí Chứng nhận hữu cơ theo tiêu chuẩn Việt Nam, tổng sản lượng dự kiến 45,3 tấn/năm, khát vọng xanh của thương hiệu nông sản Hiếu Linh mới trở thành hiện thực.

 

Hiện tại Giám đốc Công ty TNHH Nông sản Hiếu Linh Lê Thị Thu Hậu tích cực phổ biến mô hình canh tác 1ha rau hữu cơ của Trang trại Khát vọng xanh cho các hộ liên kết sản xuất rau VietGAP ở vùng nông nghiệp thành phố Đà Lạt và huyện Lạc Dương. Hy vọng trong những năm tới, nhiều diện tích rau VietGAP liên kết với thương hiệu nông sản Hiếu Linh Đà Lạt sẽ lần lượt chuyển đổi quy trình canh tác đạt Chứng nhận hữu cơ như Trang trại Khát vọng xanh đã thực hành mang lại giá trị cao về kinh tế, môi trường, an toàn thực phẩm, bảo vệ sức khỏe người sản xuất nêu trên.    

THÁNG 12/2022