Thứ Năm, 12 tháng 1, 2023

Từ QLBVR đến trồng 50 triệu cây xanh

VĂN VIỆT

Triển khai các giải pháp phối hợp trong quản lý bảo vệ rừng (QLBVR) và trồng 50 triệu cây xanh theo kế hoạch năm 2022, ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn Lâm Đồng đạt những kết quả quan trọng, làm cơ sở tiếp tục xây dựng các chỉ tiêu phấn đấu trong năm 2023.

Số cây xanh tăng, số vụ vi phạm giảm

Ghi nhận trước hết trong năm 2022, toàn ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn Lâm Đồng được cơ quan thẩm quyền tỉnh Lâm Đồng phê duyệt 4 phương án QLBVR tại Vườn Quốc gia Cát Tiên và 3 Công ty TNHH MTV lâm nghiệp Bảo Lâm, Di Linh, Đơn Dương. Hiện tại đã có 20 đơn vị chủ rừng nhà nước tiếp tục hoàn thành và trình phương án này đến cơ quan thẩm quyền phê duyệt. Riêng 2 Công ty TNHH MTV lâm nghiệp Bảo Lâm, Đạ Tẻh cũng đã được UBND tỉnh Lâm Đồng phê duyệt phương án sử dụng đất với ranh giới ổn định. Còn lại 6 Công ty TNHH MTV lâm nghiệp Đơn Dương, Lộc Bắc, Di Linh, Tam Hiệp, Đạ Huoai, Bảo Thuận đã và đang xây dựng, hoàn thiện phương án sử dụng đất.

Cùng với đó, ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn Lâm Đồng phối hợp với các ngành chức năng khác đã lập thủ tục giao đất, giao rừng cho Ban Chỉ huy quân sự thành phố Bảo Lộc (gần 1.958 ha) và Ban Chỉ huy quân sự huyện Cát Tiên (gần 1.141 ha). Cụ thể gồm các diện tích đất rừng phòng hộ đầu nguồn xung yếu, đất rừng sản xuất thuộc các xã Lộc Châu, Đại Lào, Đạm B’ri (Bảo Lộc), Đồng Nai Thượng, Tiên Hoàng (Cát Tiên).

Đặc biệt sau hơn 2 năm triển khai kế hoạch trồng 50 triệu cây xanh, toàn tỉnh Lâm Đồng đã trồng 14,1 triệu cây xanh các loại. Trong đó năm 2022 đã trồng 8.045.420 cây các loại, tăng gần 22,3% so với kế hoạch UBND tỉnh Lâm Đồng giao.

Gắn công tác quản lý với bảo vệ rừng trong năm 2022, ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn Lâm Đồng tổ chức lực lượng phối hợp tuần tra, phát hiện 266 vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp, thiệt hại 26,8 ha rừng. Qua đó xử lý hành chính 212 vụ, chuyển xử lý hình sự 23 vụ, tịch thụ 458,5m3 gỗ tròn, gỗ xẻ các loại, thu nộp ngân sách hơn 3,4 tỷ đồng.

“So sánh năm 2022 với năm 2021, giảm 224 vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp, 9,25 ha thiệt hại do phá rừng, 638,8 m3 lâm sản thiệt gại, tương ứng các tỷ lệ giảm lần lượt 46%, 26% và 32% ”, ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn Lâm Đồng so sánh.   

Đáng kể ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn Lâm Đồng đã được phê duyệt dự án trồng rừng sau giải tỏa gần 250 ha, tổng kinh phí hơn 20,2 tỷ đồng. Trong đó năm 2022 phân bổ gần 6,7 tỷ đồng chăm sóc rừng trồng chuyển tiếp trước năm 2021; gần 9,7 tỷ đồng trồng rừng. Riêng 33 hồ sơ với tổng diện tích hơn 481 ha trồng rừng trên đất trống, trên diện tích thay thế, sau khai thác trắng, sau giải tỏa được ngành tiếp nhận và thẩm định. Ngoài ra các địa phương trong tỉnh đã trồng cây lâm nghiệp, cây đa mục đích gần 480 ha diện tích đất quy hoạch lâm nghiệp đang sản xuất nông nghiệp ổn định. 

Đồng thời vận động và cưỡng chế tháo dỡ hơn 97 ha diện tích nhà kính lấn chiếm trái phép đất lâm nghiệp trên địa bàn. Trong đó giải tỏa đạt tỷ lệ 100% ở các huyện Đam Rông, Di Linh, Đơn Dương. Thành phố Đà Lạt đạt gần 99%, huyện Đức Trọng đạt hơn 79,6% và huyện Lạc Dương hơn 19,1%.

Triển khai đồng bộ các chỉ tiêu trồng rừng

Bên cạnh những kết quả nêu trên trong năm 2022, ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn Lâm Đồng nhìn nhận với nhiều khó khăn, tồn tại. Đó là công tác rà soát quỹ đất để trồng rừng, trồng cây phân tán vẫn còn chậm trễ, nhất là đối với các dự án trồng rừng trên diện tích đất quy hoạch lâm nghiệp. Mặt khác do phân bổ kinh phí chậm, một số địa phương không thể triển khai trồng cây xanh theo đúng tiến độ, kế hoạch đề ra. Đáng chú ý về tình hình vi phạm Luật Lâm nghiệp vẫn còn diễn biến phức tạp, nhất là những vụ vi phạm nổi cộm, gây thiệt hại lớn về tài nguyên rừng.    


Bởi vậy nhiệm vụ trong năm 2023, ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn Lâm Đồng tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền, vận động cộng đồng dân cư tham gia quản lý bảo vệ rừng gắn với tuần tra, truy quét, xử lý nghiêm những hành vi vi phạm Luật Lâm nghiệp. Bên cạnh đó, toàn ngành tập trung các nhóm giải pháp triển khai đồng bộ, hiệu quả từng chỉ tiêu trồng rừng sau giải tỏa, trồng khôi phục rừng trên diện tích đất quy hoạch lâm nghiệp đang sản xuất nông nghiệp; trồng rừng trên diện tích đất trống, kết hợp trồng cây xanh, cây phân tán theo kế hoạch 50 triệu cây xanh trên địa bàn THÁNG 1/2023