Thứ Năm, 22 tháng 9, 2022

Liên Hằng đi lên từ liên kết

VĂN VIỆT

Hơn 5 năm nâng cấp quy mô hộ gia đình sản xuất nhỏ lẻ sang quy mô hợp tác xã (HTX) sản xuất theo chuỗi liên kết giá trị, anh Tô Văn Liên (sinh năm 1972) ở Đa Phú, phường 7, Đà Lạt không chỉ được nhà nước công nhận nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết gúp nhau làm giàu, giảm nghèo bền vững ở địa phương mà còn trở thành Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Liên Hằng (gọi tắt HTX Liên Hằng), một trong những HTX đạt danh hiệu tiên tiến cấp tỉnh Lâm Đồng.

Vào giữa tháng 9/2022, phóng viên được Giám đốc Tô Văn Liên hướng dẫn vào vườn dâu tây nằm bên đường nhựa lớn thuộc khu vực Đa Phú, phường 7, Đà Lạt ghi nhận quy trình sản xuất nhà kính công nghệ cao ứng dụng trong hơn 5 năm qua. Theo đó toàn bộ khu vực 1 ha nhà kính với thiết kế hiện đại hệ thống bên trong tưới tự động nhỏ giọt trên từng luống dâu tây cách ly mặt đất hơn một mét. Phía trên mái nhà kính lắp đặt từng lớp lưới trắng, đen điều hòa nhiệt độ ánh sáng theo từng thời điểm sinh trưởng của các giống dâu tây Newzealand, Hàn Quốc, Nhật Bản. Nhờ canh tác theo tiêu chuẩn chất lượng an toàn VietGAP, nên dâu tây ở đây có tổ chức thu hái và ăn tươi tại vườn với hương vị tự nhiên “kết tinh từ đất lành” Đà Lạt. “Tháng 9 là thời điểm dâu tây trái vụ nên năng suất thu hoạch mỗi ngày khoảng 100 kg/ha, bằng 25- 30% sản lượng chính vụ. Hàng năm dâu tây Đà Lạt vào mùa chính vụ từ tháng 11 đến tháng 4, mùa trái vụ từ tháng 5 đến tháng 10”, Giám đốc Tô Văn Liên cho biết. Cụ thể mùa chính vụ đón khách tham quan trải nghiệm hái dâu trực tiếp thưởng thức và mua về làm quà đặc sản; mùa trái vụ, lao động của HTX Liên Hằng tập trung hái dâu vào buổi sáng hàng ngày, đưa vào sơ chế đóng gói và vận chuyển đến hệ thống siêu thị trong nước tiêu thụ. Tính chung tỷ lệ tiêu thụ dâu tây HTX Liên Hằng hàng năm chiếm 50% đối với du khách trải nghiệm và 50% đối với hệ thống siêu thị.  

Đáng nói, vườn dâu tây HTX Liên Hằng tiêu thụ ổn định trong hơn 5 năm qua là kết quả tái cơ cấu cây trồng đa dạng, giá trị kinh tế cao. Đồng thời đây cũng là mô hình tiên phong của hộ gia đình anh Tô Văn Liên cho các hộ nông dân quanh vùng đến tham khảo, chia sẻ kinh nghiệm trước khi tập hợp sản xuất liên kết theo mô hình HTX Liên Hằng ngày nay. Anh Tô Văn Liên thông tin  HTX Liên Hằng thành lập vào cuối năm 2017 với 10 hộ nông dân sản xuất các loại rau giá trị cao đạt tiêu chuẩn VietGAP ở các vùng nông nghiệp Đà Lạt. Những ngày đầu hoạt động, HTX nỗ lực cung ứng mỗi ngày 4 tấn rau cải thảo, bắp sú, lơ xanh, hành tây, khoai tây…đạt yêu cầu chất lượng đối với hệ thống siêu thị ở các tỉnh, thành miền Nam, giá thanh toán bên mua tăng hơn 10% so với giá thị trường bên ngoài. Sau kết quả tiêu thụ từ những chuyến hàng rau VietGAP liên kết đầu tiên này, HTX Liên Hằng chính thức ký hợp đồng các siêu thị từ các tỉnh, thành khu vực miền Nam đến miền Trung và miền Bắc tiêu thụ ổn định sản lượng tăng lên gấp 2,5- 3 lần. Với hộ thành viên liên kết, HTX Liên Hằng ký hợp đồng bao tiêu với 2 hình thức cố định đơn giá hàng năm và theo đơn giá thị trường từng thời điểm thu hoạch.

=Đến nay, HTX Liên Hằng đã mở rộng quy mô liên kết 30 hộ thành viên sản xuất 30 ha VietGAP theo chuỗi giá trị gia tăng, đạt tổng sản lượng thu hoạch, sơ chế và trực tiếp vận chuyển về các nơi phân phối trong nước mỗi ngày 10- 12 tấn rau các loại. Trong đó diện tích và sản lượng chiếm 50% thuộc vùng nông nghiệp Đà Lạt; 50% thuộc các vùng nông nghiệp huyện Lạc Dương và huyện Đơn Dương. Riêng Giám đốc HTX Tô Văn Liên đồng thời là chủ hộ thành viên đã mở rộng thêm 2 ha nhà kính sản xuất luân canh các loại rau theo nhu cầu của thị trường hiện tại như: lơ baby, dưa leo baby, cà chua baby, cà chua beef, cần tây, bó xôi, xà lách…Ước tính trong năm 2022 với hình thức sản xuất liên kết, bao tiêu ổn định 100% sản lượng đầu ra với HTX Liên Hằng, hộ thành viên đạt lợi nhuận từ 400- 500 triệu đồng/ha/năm.

“Tiếp tục phát triển đi lên với mục tiêu đến năm 2025, HTX Liên Hằng chúng tôi tăng lên 50 hộ thành viên liên kết với tổng diện tích rau sản xuất VietGAP ở Đà Lạt và các huyện phụ cận khoảng 100 ha. Trong đó mỗi hộ thành viên phải sản xuất quy mô ít nhất 1 ha rau công nghệ cao trở lên…”, Giám đốc HTX Liên Hằng Tô Văn Liên chia sẻ.

*tháng 9/2022