Thứ Năm, 22 tháng 9, 2022

Để tăng thu nhập từ nghề truyền thống ở Lâm Đồng

VĂN VIỆT

Thông qua các giải pháp chính sách hỗ trợ kịp thời, ngành Nông nghiệp Lâm Đồng đã từng bước bảo tồn và phát triển hiệu quả làng nghề, nghề truyền thống với đa dạng sản phẩm cạnh tranh trên thị trường, góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất, tạo việc làm và tăng thu nhập cho người dân trên địa bàn.

Hỗ trợ mô hình làng nghề phát triển sản xuất

Thống kê với tổng kinh phí triển khai gần 5 tỷ đồng (3.5 tỷ đồng ngân sách nhà nước hỗ trợ, gần 1,5 tỷ đồng vốn đối ứng của người dân), Đề án Bảo tồn và Phát triển làng nghề tỉnh Lâm Đồng đoạn năm 2014 - 2016 và định hướng đến năm 2020 đã đào tạo, truyền nghề truyền thống được 8 lớp/130 lượt người; tập huấn 10 lớp/450 lượt người về kỹ thuật trồng dâu nuôi tằm, phòng trừ bệnh hại dâu tằm; xây dựng 12 phòng trưng bày cho 4 làng nghề; hỗ trợ 9 làng nghề tham gia 3 đợt hội chợ tại TP HCM. Qua đó đã bảo tồn, nhân rộng 1 nghề truyền thống và 1 làng nghề truyền thống, nâng tổng số từ 23 làng nghề (năm 2014) lên 30 làng nghề (năm 2018); hỗ trợ phát triển 12 làng nghề gắn với điểm du lịch và tuyến du lịch, tăng thu nhập cho hộ gia đình lên gấp 2 đến 4 lần so với sản xuất thuần nông, điển hình như hộ ông Ya Tuất làm nghề đúc nhẫn bạc ở xã Tu Tra, huyện Đơn Dương có thu nhập từ 10 – 15 triệu đồng/ tháng.

 Đề án còn hỗ trợ thực hiện 15 mô hình phát triển sản xuất cho các làng nghề gồm: 8 mô hình trồng dâu nuôi tằm tại xã Đạ Kho, xã Đạ Pal (huyện Đạ Tẻh), thị trấn Nam Ban (huyện Lâm Hà); 3 mô hình sản xuất rượu truyền thống ở thị trấn Lạc Dương (huyện Lạc Dương); 2 mô hình dệt thổ cẩm ở xã Đạ Đờn (huyện Lâm Hà); 1 mô hình đan lát ở thị trấn Cát Tiên( huyện Cát Tiên); 1 mô hình làm nấm mèo tại thị trấn Liên Nghĩa ( huyện Đức Trọng).

Đáng kể trong 2 năm 2018- 2019, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn với nguồn vốn ngân sách nhà nước hơn 1,3 tỷ đồng, vốn đối ứng của các hộ dân gần 1 tỷ đồng, ngành Nông nghiệp Lâm Đồng đã hỗ trợ đầu tư gồm: 660m2 nhà nuôi tằm cho 2 làng nghề ở thị trấn Nam Ban, huyện Lâm Hà; 3.600 kg bao bì bảo quản và sơ chế hoa cắt cành cho các làng nghề truyền thống trồng hoa trên địa bàn thành phố Đà Lạt; gần 13.840 bao bì bảo quản và sơ chế gạo thương hiệu nếp quýt tại Hợp tác xã Quyết Tâm, xã An Nhơn (huyện Đạ Tẻh)…

Tăng 2 đến 4 lần thu nhập so với sản xuất thuần nông

Kết quả tính đến năm 2022, toàn tỉnh Lâm Đồng có 18 làng nghề truyền thống và 12 làng nghề. Cụ thể gồm: Sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ (15 làng nghề); chế biến nguyên vật liệu phục vụ sản xuất nông nghiệp (7 làng nghề); sản xuất, kinh doanh sinh vật cảnh (6 làng nghề); chế biến, bảo quản nông, lâm, thủy sản (2 làng nghề). Hoạt động sản xuất, kinh doanh trong 30 làng nghề có 11 doanh nghiệp, 10 hợp tác xã và 4.960 hộ với gần 9.300 lao động. Trong đó có 5 làng nghề đăng ký Nhãn hiệu Hoa Đà Lạt và 1 làng nghề sản xuất nấm đăng ký nhãn hiệu tập thể. Phân bố trên địa bàn 8 huyện như: Lâm Hà (5 làng nghề); Đạ Tẻh (5 làng nghề); Cát Tiên (4 làng nghề); Lạc Dương (3 làng nghề); Đức Trọng (2 làng nghề);  Đạ Huoai (2 làng nghề); Bảo Lâm (1 làng nghề);  Đam Rông (1 làng nghề) và 2 thành phố Đà Lạt (6 làng nghề), Bảo Lộc (1 làng nghề).  Thu nhập bình quân mỗi lao động một tháng trong làng nghề hơn 5,2 triệu đồng. Trong đó làng nghề sản xuất, kinh doanh sinh vật cảnh đạt thu nhập bình quân cao nhất với 8,3 triệu đồng/người lao động/tháng; sản xuất, kinh doanh hàng thủ công mỹ nghệ đạt thu nhập bình quân thấp nhất với 3,8 triệu đồng/ người lao động/tháng.


Mục tiêu giai đoạn năm 2022-2025, toàn tỉnh Lâm Đồng bảo tồn 17 làng nghề, làng nghề truyền thống và 1 nghề truyền thống; phát triển mới 4 làng nghề, làng nghề truyền thống, nâng tổng số lên 35 làng nghề, đồng thời tăng thu nhập bình quân của lao động làng nghề gấp 2 đến 4 lần so với sản xuất thuần nông; phấn đấu có 5 sản phẩm của làng nghề xếp hạng OCOP 3 đến 4 sao. Đặc biệt ưu tiên bảo tồn và phát triển các làng nghề có nguy cơ thất truyền, làng nghề gắn với du lịch, giữ gìn bản sắc văn hóa các dân tộc Tây Nguyên, làng nghề phát triển các giống hoa quý hiếm và đặc sắc của thành phố Đà Lạt…


“Việc bảo tồn và phát triển làng nghề trên địa bàn Lâm Đồng giai đoạn năm 2022-  2025 tiếp tục gắn với phát huy lợi thế so sánh của mỗi vùng, mỗi địa phương, nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng yêu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu, góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập, xoá đói giảm nghèo, giảm dần khoảng cách thu nhập giữa thành thị và nông thôn…”, ngành Nông nghiệp Lâm Đồng định hướng.   

tháng 9/2022