Thứ Sáu, 16 tháng 9, 2022

Hướng đến cánh đồng trà ô long hữu cơ Long Đỉnh

VĂN VIỆT

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng, thương hiệu Trà Ô long Long Đỉnh, trụ sở chính ở xã Phúc Thọ, huyện Lâm Hà là một trong 16 đơn vị trong tỉnh Lâm Đồng đã và đang hội đủ hàng chục tiêu chí cấp Chứng nhận sản xuất theo quy trình hữu cơ trên tổng diện tích hơn 1.311 ha.

Trong đó Thương hiệu Trà ô long Long Đỉnh sản xuất và chế biến trên 5 ha diện tích nguyên liệu tại thôn Phúc Tân, xã Phúc Thọ, huyện Lâm Hà theo tiêu chuẩn Chứng nhận USDA của Bộ Nông nghiệp Mỹ với sự kiểm định nghiêm ngặt hàng năm về tỷ lệ các thành phần dinh dưỡng hữu cơ, bảo vệ đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường theo quy định.

Đáng ghi nhận, Trà Ô long Long Đỉnh luôn tuân thủ đầy đủ quy trình sản xuất hữu cơ USDA đạt năng suất thu hoạch trà búp tươi hàng năm từ 10- 12 tấn/ha/năm, thấp hơn từ 5- 6 tấn/ha/năm so với sản xuất VietGAP. Trong khi giải pháp sản xuất hữu cơ tăng hơn giải pháp VietGAP khá cao nguồn vốn đầu tư hàng năm về phân bón hữu cơ, các chế phẩm sinh học. Đến công đoạn chế biến đưa ra thị trường các dòng sản phẩm trà hữu cơ cũng với giá thành ngang bằng với sản phẩm trà VietGAP Thương hiệu Trà Ô long Long Đỉnh, kết quả bù lại ở lượng khách hàng tiêu thụ nhiều hơn và nhanh hơn, nhất là thị trường trong nước.

Đến nay, Thương hiệu Trà Ô long Long Đỉnh đã xây dựng và phát triển chuỗi liên kết với 45 hộ dân chuyển đổi sản xuất trà VietGAP sang sản xuất theo hướng hữu cơ USDA với tổng diện tích khoảng 50 ha trên địa bàn từ xã Phúc Thọ đến xã Hoài Đức của huyện Lâm Hà. Đặc biệt trong 4 tháng vừa qua, Thương hiệu Trà Ô long Long Đỉnh đầu tư xây dựng và đưa vào hoạt động Nhà máy tại Cầu Đất, Đà Lạt, đạt công suất chế biến khoảng 40 tấn trà tươi mỗi tháng. Qua đó xây dựng chuỗi liên kết mới 10 hộ dân sản xuất hơn 10 ha trà ô long theo quy trình hữu cơ USDA này.

Chủ nhân Hồ Tất Và chia sẻ rằng, vùng nguyên liệu trà ô long ở huyện Lâm Hà và thành phố Đà Lạt tiếp tục phát triển liên kết với Thương hiệu Trà Ô long Long Đỉnh theo từng giai đoạn chuyển đổi từ quy trình VietGAP sang quy trình đạt chuẩn hữu cơ USDA, hướng đến hình thành những cánh đồng trà hữu cơ tập trung hàng chục hecta trong 5 năm tới. Đó là giai đoạn cải tạo đất, giảm dần và đi đến chấm dứt sử dụng phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật đề thay thế phân bón hữu cơ, thuốc sinh học xua đuổi côn trùng, khôi phục môi trường sinh trưởng tự nhiên của cây trà…

THÁNG 9/2022