Thứ Ba, 1 tháng 2, 2022

Dặm dài giấc mộng trầm hương

VĂN VIỆT

Trải qua bao dặm dài trong nghề kỹ thuật viên lâm nghiệp, người đàn ông khi đến lúc “ngũ thập tri thiên mệnh” mới có cơ hội dừng chân lại giữa đèo Chuối, xã Liêng Srônh, huyện nghèo Đam Rông của tỉnh Lâm Đồng để tiếp tục nuôi dưỡng giấc mộng trầm hương trên những khu rừng nghèo kiệt, đất trống đồi trọc theo địa hình nghiêng về hướng Đông nơi này.

Phóng viên đến khu rừng ấp ủ giấc mộng trầm hương ở xã Liêng Srônh, huyện Đam Rông vào thời điểm cuối tháng 11/2021 khi người đàn ông chủ rừng đã sang trang “lục thập” hòa mình ngày đêm giữa điệp trùng cây lá phủ xanh. Ông là Hoàng Duy Thành, Giám đốc Công ty cổ phần Dó bầu hương Quảng Nam với văn phòng làm việc đơn sơ giữa cửa rừng bằng những hàng gạch xây và những phiến gỗ tạp tận dụng, tọa lạc nơi cửa rừng cách đoạn cua tay áo đèo Chuối của Quốc lộ 27 chỉ vài chục mét. Trên vách tường văn phòng phía trên cao vẫn đang treo trang trọng các Chứng nhận của cơ quan, đơn vị địa phương và Trung ương đối với thương hiệu của Công ty cổ phần Do bầu hương Quảng Nam hoạt động sản xuất, kinh doanh tại xã Liêng Srônh, huyện Đam Rông, tỉnh Lâm Đồng như:  “Biểu tượng thương hiệu hàng đầu Việt Nam năm 2013”, “Top 50 thương hiệu Trà dây Cao Nguyên danh tiếng Asean năm 2014 ”, “Trà dây Cao Nguyên đạt sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh năm 2015”.

Đáng nói trong hành trình hơn 11 năm đã qua, từ văn phòng làm việc nơi cửa rừng ở xã Liêng Srônh, huyện Đam Rông nói trên, Giám đốc Hoàng Duy Thành và cộng sự đã vượt qua muôn ngàn thử thách gian nan, có lúc phải sống chung với những điều kiện khắc nghiệt nhất để thich nghi, động viên nhau vững vàng tổ chức, điều hành trồng, chăm sóc sinh trưởng thành rừng 150.000 cây trầm hương trên tổng diện tích 170 ha vốn là những quả đồi thưa thớt cây tạp, đất đai cằn cỗi. “ Tính chi tiết hơn thì rừng trầm hương của công ty chúng tôi đang phủ xanh khoảng 100ha. Còn lại trên tổng diện tích khoảng 70 ha, công ty chăm sóc, tái sinh các loại cây rừng tự nhiên như xá xị, giỗi, kơ nia, thông, dẻ, nhãn… và trồng mới các loại cây lâm nghiệp gồm sao đen, huỳnh đàn, thiên ngân…Chưa kể cả ngàn cây sầu riêng, mít ghép xen canh với cây trầm hương và nhiều khu vực triền đồi, thung lũng đang phát triển đa tầng thực vật, trong đó phân bổ tập trung lên đến 20 ha nguyên liệu trà dây, rau rừng các loại cho thu hoạch quanh năm… ”, Giám đốc Hoàng Duy Thành nêu số liệu.

Còn nhớ năm 2014, phóng viên đến đây vừa lúc Công ty cổ phần Dó bầu Quảng Nam của ông Hoàng Duy Thành vừa chạm mức 100.000 cây trầm hương bám rễ xanh cây trên đất rừng Liêng Srônh, Đam Rông. Nhưng ít ai biết trước đó hơn 3 năm, công ty này phải liên tục trả giá từ hàng chục đến hàng trăm, hàng ngàn và “đụng trần” cả thảy gần trăm ngàn cây trầm hương cứ xuống giống trồng một vài tháng lại héo rũ chết hàng loạt từ đợt này đến đợt khác. Nguồn vốn hàng tỷ đồng rồi chục tỷ đồng huy động từ nhiều nguồn khác nhau đầu tư trồng mới trầm hương, nhưng thay vì đâm cành tỏa tán thì trầm hương cứ lũ lượt khô cành trụi lá, khiến đất rừng nghèo kiệt vẫn hoàn nguyên nghèo kiệt. 

Trăn trở với giấc mộng trầm hương, Giám đốc Hoàng Duy Thành và cộng sự bảo ban nhau quyết không bỏ cuộc, xốc lại tinh thần lạc quan cùng lời thơ ứng khẩu và xướng lên mỗi ngày giữa rừng “vững chí bền ta luôn bước tới. Đường ta đi thẳng tiến chân trời”, cuối cùng cũng đã tìm ra nguyên nhân cây trầm hương chết khô héo sau cả một năm dài tham khảo ý kiến đánh giá của các chuyên gia lâm nghiệp, các đồng nghiệp kỹ thuật viên lâm nghiệp rồi soi chiếu kết quả nghiên cứu, phân tích từ điều kiện thực tế và khí hậu, đất đai, môi trường và quy trình xuống giống trồng, chăm sóc của kỹ thuật viên - Giám đốc Hoàng Duy Thành nói riêng, các cộng sự trong Công ty cổ phần Dó bầu hương Quảng Nam nói chung. Cụ thể tình trạng cây trầm hương xuống giống trồng chưa lâu tại khu vực rừng nghèo kiệt Liêng Srônh, huyện Đam Rông, tỉnh Lâm Đồng đã chết hàng loạt trong quãng thời gian mầy tháng đầu xuống giống trồng là do “ lỗi hỗn hợp về quy cách đào hố trồng, mật độ trồng, thời điểm trồng, dinh dưỡng hữu cơ bón lót, lượng nước tưới, kỹ thuât chăm sóc hàng ngày…  ”, ông Lý Hữu Chiến, kỹ thuật viên của công ty này tiết lộ. Từ  bài học thiệt hại khá lớn này, Công ty cổ phần Do bầu hương Quảng Nam đã dần dần khắc phục và hoàn chỉnh quy trình trồng, chăm sóc tối ưu nhất cho cây trầm hương Liêng Srônh, Đam Rông qua từng năm sinh trưởng. Kết quả đến cuối tháng 11/2021, phóng viên trở lại đây thì rừng trầm hương Liêng Srônh, Đam Rông đã tạo thành không gian điệp trùng màu xanh với 150.000 cây “khỏe mạnh” nói trên.  

Phục hồi và tiếp tục nuôi dưỡng giấc mộng trầm hương tươi xanh trở lại, từ năm 2015 đến nay, kỹ thuât viên - Giám đốc Hoàng Duy Thành cùng cộng sự tiếp tục nghiên cứu thành công kỹ thuật cấy tạo trầm vi sinh đạt tổng số lượng hơn 10.000 cây. Đồng thời tiến hành trồng xen canh đồng loạt khoảng 1.000 cây sầu riêng ghép giống Mongthong và Ri6 và hàng trăm cây mít ghép giống chất lượng cao nguồn gốc của Thái Lan. Kết quả tính riêng sầu riêng thu hoạch năm 2020 đạt 90 tấn, năm 2021 phải tỉa bớt cành, tán, tạo không gian thông thoáng mới cho cây trầm hương đang thời kỳ tạo nam trầm, nên sản lượng sản lượng giảm xuống, nhưng vẫn đạt đến hơn 30 tấn. Nhờ canh tác sầu riêng theo quy trình chuẩn sạch hữu cơ, nên thương nhân đến cạnh tranh mua với giá từ 60- 80.000 đồng/kg, cao hơn 10% so với giá thị trường. Bên cạnh đó, Công ty cổ phần Dó bầu hương Quảng Nam của ông Hoàng Duy Thành còn nghiên cứu chế biến thành công đưa ra thị trường hàng năm hàng trăm ký trà trầm hương và hàng trăm ký trà dây đưa ra thị trường, đạt doanh thu thêm hàng trăm triệu đồng. Đặc biệt hàng năm, công ty của ông Hoàng Duy Thành còn tỉa thưa, chặt tái sinh khối lượng đáng kể các phần gốc, thân, cành trầm hương đưa vào xay thành bột nguyên liệu với giá cả chục triệu đồng mỗi ký để chế biến các loại nhang trầm hương cao cấp cho nhu cầu thị trường trong nước. Nhờ vậy công ty đã giải quyết việc làm ổn định cho hàng chục lao động của khu vực Tây Nguyên, trong đó chiếm phần lớn là người đồng bào dân tộc thiểu số…

Câu chuyện một ngày trong rừng trầm hương Liêng Srônh, huyện Đam Rông cảm giác qua thật nhanh, nhưng đêm xuống lại chầm chậm theo làn sương bảng lảng từ phía đồi xa. Ngồi quây quần với kỹ thuật viên và người lao động trong văn phòng của Công ty cổ phần Dó bầu hương Quảng Nam cùng đốt từng nan trầm hương cho làn khói thơm cuộn tròn lan tỏa, bay vòng lên cao, Giám đốc Hoàng Duy Thành biểu lộ niềm tin cho dặm dài giấc mộng mai này “vài tháng chiết xuất mỗi lít tinh dầu trầm hương với giá trị hàng chục ngàn USD; vài năm thu hoạch một búp kỳ nam giá trị hàng triệu USD…  ”/.

THÁNG 2/2022