Thứ Ba, 22 tháng 2, 2022

Bài 2/ Tạo sinh kế ổn định cho người dân- Đâu là giải pháp ?

VĂN VIỆT

Trong giai đoạn 2022 - 2025, tiếp tục triển khai Đề án số 1836/QĐ-UBND ngày 25/8/2020 của UBND tỉnh Lâm Đồng, toàn tỉnh Lâm Đồng thực hiện các chính sách hỗ trợ nông thôn, vận động người dân hoàn thành trồng xen 20.000 ha cây lâm nghiệp, cây xanh đa mục đích theo hình thức nông lâm kết hợp nhằm tạo sinh kế ổn định cho khoảng 19.000 hộ, tương ứng tỷ lệ 50% số hộ đang sản xuất nông nghiệp ổn định trên đất lâm nghiệp trên địa bàn.

Tiếp tục lồng ghép với Chương trình trồng 50 triệu cây xanh

Qua phân tích hiện trạng sản xuất nông nghiệp ổn định trên 52.000 ha đất lâm nghiệp của tỉnh Lâm Đồng từ hơn mười năm trở về trước, các cơ quan chuyên trách xác định nguyên nhân khách quan bởi sự hấp dẫn của tiềm năng khí hậu, đất đai tỉnh Lâm Đồng phát triển phù hợp với các loài cây công, nông nghiệp có giá trị kinh tế, đặc biệt có thời gian giá cả các sản phẩm thu hoạch tăng lên mạnh mẽ, dẫn đến tình trạng phá rừng trái pháp luật lấy đất canh tác những loài cây này, trong khi hiện trạng nhiều hộ gia đình đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ thiếu đất sản xuất và đất ở, đời sống gặp nhiều khó khăn vẫn còn nhiều. 

Về nguyên nhân chủ quan còn yếu kém trong quản lý đất đai và tài nguyên rừng. Các đơn vị nhà nước, tổ chức, cá nhân được giao quản lý, bảo vệ rừng và đất rừng đã không thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ của mình. Tình trạng dân di cư tự do  phá rừng lấy đất sản xuất, đất ở, hình thành các điểm dân cư đã tồn tại chưa được giải quyết. Trong khi đó do nguồn lực hạn chế, nên chưa đáp ứng được nhu cầu bố trí ổn định dân di cư tự do, hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số thiếu đất ở, đất sản xuất, phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp để ổn định và nâng cao đời sống. Chính sách giải tỏa, thu hồi đất sản xuất nông nghiệp trên đất lâm nghiệp khó áp dụng đối với những nơi người dân đã sản xuất, sinh sống lâu năm và đã hình thành khu dân cư, vùng sản xuất cây công nghiệp dài ngày quy mô lớn…

Giải pháp phối hợp của các ngành chức năng tỉnh Lâm Đồng trong những năm qua đã tăng cường chỉ đạo rà soát, điều chỉnh quy hoạch ba loại rừng theo hướng phân định rõ quy hoạch đất lâm nghiệp, đất nông nghiệp. Đồng thời thực hiện chủ trương không chuyển đổi mục đích diện tích đất canh tác nông nghiệp trên đất lâm nghiệp sang mục đích khác mà triển khai khôi phục, phát triển rừng thông qua trồng xen cây lâm nghiệp, cây xanh. Cụ thể tiếp tục lồng ghép trong thực hiện Đề án Tăng cường công tác quản lý bảo vệ rừng, ngăn chặn tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp; khôi phục và phát triển rừng tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2020-2025, định hướng đến năm 2030 ban hành theo Quyết định 1836/QĐ-UBND ngày 25/8/2020 của UBND tỉnh Lâm Đồng và Chương trình trồng 50 triệu cây xanh theo Kế hoạch 2209/KH-UBND tỉnh Lâm Đồng ngày 12/4/2021.

18 chuỗi sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm cây trồng đa mục đích

Ở cấp huyện, nhiều đề án trồng xen các loại cây sao đen, muồng đen, mắc ca… thí điểm trên diện tích 1.223 ha đất lâm nghiệp sản xuất nông nghiệp lâu năm tại  Ban Quản lý rừng phòng hộ Nam Ban và Ban Quản lý rừng phòng hộ Lán Tranh, Lâm Hà; tương tự các huyện Đức Trọng, Di Linh cũng triển khai đề án trồng xen cây lâm nghiệp này. Ngoài ra các Dự án đã hỗ trợ các loại cây giống lâm nghiệp, cây xanh cho người dân trồng xen trên đất lâm nghiệp đang sản xuất nông nghiệp như: Dự án UN-REDD Giai đoạn II đã hỗ trợ 23.647 cây trồng khoảng 127 ha tại địa bàn huyện Di Linh và Lâm Hà; Dự án Café - REDD hỗ trợ huyện Lạc Dương  142.954 cây giống trồng 1.143 ha… 


Bên cạnh mục tiêu phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu trồng xen 20.000 ha cây lâm nghiệp, cây xanh đa mục đích theo Đề án số 1836/QĐ-UBND ngày 25/8/2020 của UBND tỉnh Đồng như đã nói ở trên, ngành chức năng tỉnh Lâm Đồng trong giai đoạn 2022 - 2025 với những nhóm giải pháp nâng cao ý thức về lối sống xanh bảo vệ môi trường của người dân đang sản xuất nông nghiệp trên đất lâm nghiệp, vận động người dân đóng góp vào chương trình trồng 50 triệu cây xanh của tỉnh Lâm Đồng với khoảng 3,7 triệu cây để góp phần duy trì độ che phủ rừng chung toàn tỉnh 55% trở lên.

Thông qua các hoạt động hỗ trợ sinh kế và lồng ghép các chính sách, các chương trình dự án liên quan đến phát triển nông thôn, các sở ngành, chính quyền địa phương tăng cường phối hợp kiểm tra, xử lý, không để phát sinh thêm tình trạng xâm lấn rừng; 100% người dân đang canh tác ổn định trên diện tích đất rừng phòng hộ, rừng sản xuất cam kết không phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp. Phấn đấu giải quyết đất ở khu vực tái định cư cho các hộ an tâm sản xuất theo quy định. 

Đặc biệt cần đa dạng hóa các loài cây trồng lâm nghiệp và cây trồng đa mục đích trên đất lâm nghiệp đang sản xuất nông nghiệp, đồng thời triển khai chính sách hỗ trợ người dân canh tác theo mô hình nông lâm kết hợp có sản phẩm được kết nối chuỗi cung ứng gía trị sản phẩm; tạo cơ hội liên kết công tư, liên kết hợp tác sản xuất để bảo đảm thu nhập bình quân đầu người ở đây bằng mức trung bình của địa phương nơi cư trú.

“Giải pháp  liên kết công tư với vai trò hộ gia đình là thành viên cung ứng sản phẩm trong chuỗi giá trị đồng bộ từ sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm với sự tham gia của doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác...Các doanh nghiệp, Hợp tác xã, Tổ hợp tác là đơn vị lập dự án liên kết chuỗi và ký hợp đồng bao tiêu hỗ trợ điều kiện sản xuất cho hộ dân theo hình thức thúc đẩy doanh nghiệp lớn kết nối với doanh nghiệp vừa và nhỏ địa phương…”, ngành chức năng cho biết thêm.

Theo đó các sản phẩm liên kết dự kiến triển khai trong giai đoạn 2022-2025   18 chuỗi giá trị với 4 loại ngành hàng sản phẩm nông nghiệp ổn định trên đất lâm nghiệp gồm: 3 chuỗi sầu riêng, bơ; 5 chuỗi điều, mắc ca; 3 chuỗi cà phê; 7 chuỗi dược liệu giỗi ăn hạt, tam thất, đương quy, sâm Ngọc Linh…

tháng 2/2022