Thứ Sáu, 18 tháng 2, 2022

Bài 1/Tự phát xâm canh đất lâm nghiệp - phát sinh nhiều hệ lụy

VĂN VIỆT

Với hiện trạng trồng cây nông nghiệp xâm canh trên đất lâm nghiệp trên diện tích hơn 52.000 ha, tương đương 14% diện tích đất quy hoạch sản xuất nông nghiệp toàn tỉnh Lâm Đồng ghi nhận đóng góp vào tạo sinh kế và thu nhập cho một bộ phận người dân, nhất là người dân sống gần rừng, thiếu đất sản xuất. Tuy nhiên do việc canh tác tự phát, chưa được thừa nhận nên đã phát sinh nhiều hệ lụy tác động tiêu cực đến môi trường, phá vỡ quy hoạch, ảnh hưởng đến công tác quản lý dân cư và bảo đảm trật tự an toàn trên địa bàn…

Chiếm 67,1% , 32,4%, 0,5% lần lượt đất rừng sản xuất, phòng hộ và đặc dụng

Theo nhận định chưa đầy đủ của ngành chức năng, trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng hiện có hơn 52.000 ha diện tích đất sản xuất nông nghiệp trên đất lâm nghiệp đã tồn tại từ 10 đến hơn 15 năm. Trong đó người dân canh tác chủ yếu các loại cây công nghiệp lâu năm mang tính tự phát với chất lượng cây giống thấp, thiếu thông tin thị trường, dẫn đến năng suất, hiệu quả chưa cao, tạo áp lực trực tiếp mở rộng diện tích canh tác trái phép để tạo sinh kế. Cụ thể các loại đất lâm nghiệp đang sản xuất nông nghiệp trên địa bàn Lâm Đồng chiếm 67,1% đất rừng sản xuất, 32,4% đất rừng phòng hộ và 0,5% đất rừng đặc dụng, dàn trải trên 12 huyện, thành. Theo đó hiện trạng ghi nhận với tỷ lệ diện tích sản xuất nông nghiệp trên đất lâm nghiệp chiếm từ 14,5% đến 23,5% địa bàn 4 huyện Di Linh, Đam Rông, Đức Trọng và Lâm Hà. Tỷ lệ này chiếm 0,1% đến 7,3% tại 6 huyện Lạc Dương, Đơn Dương, Bảo Lâm, Đạ Huoai, Đạ Tẻh và Cát Tiên. Địa bàn thành phố Bảo Lộc và thành phố Đà Lạt chiếm lần lượt 1,3% và 7,8%.   

Qua điều tra xác định diện tích sản xuất nông nghiệp trên đất lâm nghiệp toàn tỉnh Lâm Đồng với cây cà phê chiếm diện tích cao nhất khoảng 37.117 ha ở địa bàn các huyện Di Linh, Lâm Hà, Đam Rông, Đức Trọng. Việc hình thành diện tích lớn cà phê xâm canh do cơn sốt giá thời điểm khoảng mười năm vể trước. Hơn nữa điều kiện đất đai và thổ nhưỡng cho loài cây trồng công nghiệp này phát triển ở tỉnh Lâm Đồng chứng tỏ khá phù hợp (toàn tỉnh Lâm Đồng  diện tích cà phê  năm 2011 là 139.200 ha, đến năm 2019 tăng lên 174.391 ha). Diện tích đang sản xuất cà phê đều đang chăm sóc thu hoạch và chất lượng hiện hữu thấp. Cây cao su 110 ha tập trung tại 3 huyện phía Đạ Huoai, Đạ Tẻh, Cát Tiên và một phần huyện Bảo Lâm, canh tác theo mô hình tiểu điền. Cây hồ tiêu khoảng 482 ha ở các huyện Đức Trọng, Đơn Dương, Lâm Hà và Di Linh. Các loại cây khác với tổng diện tích 9.327 ha đang chăm sóc trên đất lâm nghiệp như cây chè ở huyện Bảo Lâm, Bảo Lộc và Lâm Hà; chanh dây ở Di Linh và Đức Trọng; dâu tằm ở Lâm Hà;  sầu riêng, điều và cam ở 3 huyện phía Nam Lâm Đồng; mắc ca ở các huyện Lâm Hà, Di Linh, Lạc Dương và Đam Rông; muồng đen ở các huyện Lâm Hà, Di Linh, Bảo Lâm, Đức Trọng;  hồng ăn trái ở huyện Lạc Dương và Đơn Dương; bời lời đỏ tại huyện Đạ Huoai; giỗi xanh thí điểm mô hình tại huyện Di Linh. Ngoài ra cây hoa màu hàng năm chủ yếu là đậu, bắp, rau hoa, dứa và dược liệu wasabi, đảng sâm đang được gây trồng và tập trung ở thành phố Đà Lạt, huyện Lạc Dương, huyện Đơn Dương...

Giá trị bằng  62,6 - 93,2% so với các vùng đất nông nghiệp

Đáng kể nhiều mô hình trồng xen cây lâm nghiệp sinh trưởng hiệu quả trên đất lâm nghiệp đang sản xuất nông nghiệp tỉnh Lâm Đồng như  mắc ca xen cà phê tại các huyện Đam Rông, Đức Trọng, Lâm Hà, Di Linh, Bảo Lâm, thành phố Bảo Lộc và thành phố Đà Lạt. “Viện Khoa học kỹ thuật Nông Lâm Nghiệp Tây Nguyên đã trồng thử nghiệm và khuyến cáo người dân trồng xen mắc ca trên vườn cà phê mật độ 185 cây/ha. Mật độ này theo các tiêu chí quy định tại Điều 5 – Luật Lâm nghiệp khi cây mắc ca sinh trưởng đến giai đoạn cho thu hoạch thì độ tàn che cho phép hình thành rừng. Đây là loài cây thân gỗ thể hiện sự lựa chọn phù hợp do được công nhận cây đa mục đích trồng trên đất nông nghiệp và lâm nghiệp. Đồng thời cây mắc ca có đủ cả 3 giá trị kinh tế, xã hội và môi trường, nhất là chức năng cây che bóng cho cây cà phê như cây muồng hoa vàng, muồng đen, keo dậu mà còn có thêm giá trị kinh tế thu từ hạt giá trị cao hàng năm…”, theo đánh giá của các cơ quan chuyên trách.

Cũng theo đánh giá của các cơ quan chuyên trách, việc trồng cây nông nghiệp trên đất lâm nghiệp với diện tích trên 52.000 ha tương đương 14% đất quy hoạch sản xuất nông nghiệp toàn tỉnh Lâm Đồng về mặt tích cực đã đóng góp quan trọng vào tạo sinh kế và thu nhập cho một bộ phận người dân, nhất là người dân sống gần rừng, thiếu đất sản xuất. Tuy nhiện do đất sản xuất nông nghiệp trên đất lâm nghiệp chưa được thừa nhận, không được cấp giấy Chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc ký hợp đồng giao khoán, các hộ sản xuất nông nghiệp trồng cà phê, hồ tiêu, cây ăn quả, cây nông nghiệp ngắn ngày tự phát, không theo quy hoạch, không được hướng dẫn kỹ thuật canh tác, không yên tâm đầu tư, không được vay vốn đầu tư, cũng như thụ hưởng các chính sách hỗ trợ sản xuất nên năng suất, hiệu quả thấp. Giá trị sản xuất của các mô hình sản xuất nông nghiệp trên đất lâm nghiệp chỉ bằng khoảng từ 62,6 - 93,2% so với các vùng đất nông nghiệp khác trên địa bàn.

Từ hiện trạng sản xuất nông nghiệp trên đất lâm nghiệp thuộc địa bàn 12 huyện, thành trong tỉnh Lâm Đồng nói trên, một lần nữa vấn đề đặt ra cấp thiết cần những nhóm giải pháp hài hòa giữa khôi phục và bảo vệ môi trường gắn với quyền lợi sinh kế của người dân và cộng đồng. Đây cũng là giải pháp kinh tế môi trường được Chính phủ quan tâm khi vận động người dân và cộng đồng đã và đang thực hiện Chương trình trồng 1 tỷ cây xanh trên toàn quốc…

tháng 2/2022

Bài 2/ Tạo sinh kế ổn định cho người dân- đâu là giải pháp