Thứ Bảy, 12 tháng 2, 2022

3 khâu đồng bộ cho nông sản Lâm Đồng

VĂN VIỆT

Đ đạt giá trị thu nhập bình quân 206 triệu đồng/ha/năm trong năm 2022, ngành Nông nghiệp Lâm Đồng chú trọng 3 khâu đng bộ từ chuyển đổi cơ cấu cây trồng đến sơ chế, chế biến và xây dựng chuỗi liên kết xúc tiến mở rộng thị trường tiêu thụ trong và ngoài nước.

Chuyển đổi hơn 10.405 ha diện tích cây trồng kém hiệu quả

Bước vào năm kế hoạch 2022, ngành Nông nghiệp Lâm Đồng xác định giải pháp trọng tâm tiếp tục triển khai chuyển đổi, nâng cao giá trị cây trồng trên diện tích đất canh tác. Mục tiêu phấn đấu đưa diện tích đất có giá trị dưới 50 triệu đồng/ha/năm xuống còn khoảng 45.220ha, tương ứng với tỷ lệ 15% diện tích đất  canh tác. Đồng nghĩa với việc phải hoàn thành chuyển đổi hơn 10.405 ha diện tích cây trồng kém hiệu quả trên địa bàn. Trong đó chuyển đổi 1.965 ha trồng lúa; 1.080 ha đất trồng điều; 6.333 ha tái canh, ghép cải tạo cà phê; 1.027 ha cây trồng khác.

Cơ cấu các loại cây trồng chủ lực mới chuyển đổi trên các diện tích đất kém hiệu quả được bố trí phù hợp theo từng vùng sinh thái và các điều kiện canh tác khác nhau. Như các diện tích lúa kém hiệu quả được chuyển sang trồng các loại cây tăng thu nhập cao hơn gồm rau, hoa, dâu tằm, bắp, cỏ dùng làm thức ăn chăn nuôi gia súc…Và để nâng tổng diện tích cây rau toàn tỉnh Lâm Đồng lên 74.000ha (sản lượng 2,7 triệu tấn), 9.150 ha hoa (sản lượng gần 3,5 tỷ cành) trong năm 2022,  ngàng Nông nghiệp Lâm Đồng tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật về sản xuất, thâm canh, tăng năng suất và giá trị các loại cây trồng chủ lực này. Đặc biệt tập trung tổ chức sản xuất lại hệ thống nhà kính, nhà lưới hài hòa với môi trường tự nhiên. Phấn đấu diện tích sản xuất nông nghiệp công nghệ cao đạt trên 64.800 ha, diện tích ứng dụng công nghệ thông minh đạt trên 450 ha; công nhận thêm ít nhất 2 vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao…

Theo đó với cây cà phê triển khai các giải pháp phục hồi và mở rộng diện tích sản xuất cà phê chè; nhân rộng các mô hình sản xuất cà phê cảnh quan bền vững. Cây chè tiếp tục áp dụng công nghệ cao để tăng năng suất bình quân toàn tỉnh lên 148 tạ/ha. Cây ăn quả phát triển trồng xen tại các vườn cây công nghiệp và trồng thử nghiệm một số giống trái vụ để cải tạo vườn tạp. Cây dâu tằm cải tạo giống, ứng dụng các biện pháp khoa học kỹ thuật đạt năng suất bình quân đạt 266 tạ/ha. Cây dược liệu phấn đấu diện tích gieo trồng trên đất nông nghiệp đạt trên 477 ha, sản lượng 12.500 tấn và hướng dẫn một số đơn vị  triển khai thí điểm mô hình trồng dược liệu dưới tán rừng…

Phát triển Trung tâm Sau thu hoạch gắn với các chuỗi liên kết

“Ở khâu sơ chế, chế biến nông sản, ngành Nông nghiệp Lâm Đồng tiếp tục thu hút các doanh nghiệp đầu tư chế biến các sản phẩm rau, củ, cà chua…Đồng thời nâng cao hiệu quả của hệ thống các chợ đầu mối thu mua, sơ chế nông sản. Trước mắt ưu tiên phát triển các Trung tâm Sau thu hoạch gắn với các chuỗi liên kết sản xuất, sơ chế, tiêu thụ rau, củ, quả tại các vùng xuất tập trung của tỉnh Lâm Đồng. Phấn đấu sản lượng nông sản sơ chế, chế biến trước khi trước khi tiêu thụ đạt 70% tổng sản lượng thu hoạch…”, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng cho biết.

Đáng kể ngành Nông nghiệp Lâm Đồng tiếp tục triển khai  Đề án liên kết sản xuất-  chế biến - tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp giai đoạn 2019-2023, phấn đấu năm 2022 hình thành mới ít nhất 20 chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ, nâng tổng số chuỗi toàn tỉnh Lâm Đồng đạt khoảng 202 chuỗi thu hút 20.000 hộ nông dân tham gia, quy mô trồng trọt đạt khoảng 32.000 ha, tổng sản lượng trên 450.000 tấn. Bên cạnh đó tiếp tục tháo gỡ những vướng mắc về thủ tục, pháp lý để triển khai hiệu quả các hoạt động hỗ trợ phát triển kinh tế HTX. Phấn đấu năm 2022 thành lập mới 20 HTX, 10 THT; số lượng HTX xếp loại hoạt động khá, tốt đạt ít nhất 45%. Ngoài ra ngành cũng thông qua các giải pháp thực hiện chương trình OCOP kết hợp đẩy mạnh phát triển nhãn hiệu, thương hiệu gắn với hoạt động quản lý chất lượng, truy xuất nguồn gốc sản phẩm, tăng nhanh tỷ lệ nông sản được dán nhãn thương hiệu, nhãn hiệu trước khi đưa ra thị trường, đặc biệt khai thác có hiệu quả thương hiệu Đà Lạt – Kết tinh kỳ diệu từ đất lành. Phấn đấu năm 2022 có thêm 24 sản phẩm OCOP cấp tỉnh và 2 sản phẩm OCOP cấp quốc gia. Ở khâu tiêu thụ, ngành Nông nghiệp Lâm Đồng tăng cường các giải pháp tháo gỡ rào cản, tạo môi trường thuận lợi hơn nữa để phát triển thị trường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu nông sản. Trong đó chủ động  liên hệ với các cơ quan Trung ương để tham gia đàm phán mở cửa thị trường xuất khẩu chính ngạch cho các sản phẩm hoa, rau, củ, quả tươi; hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận thông tin chính sách thị trường xuất khẩu; phối hợp với các tỉnh, thành trong nước để điều tiết, cung ứng nông sản phù hợp với nhu cầu từng khu vực thị trường, đồng thời xúc tiến các hoạt động quảng bá, giới thiệu sản phẩm nông sản hàng hóa có chất lượng, bảo đảm an toàn thực phẩm của Lâm Đồng thông qua các kênh thương mại điện tử, nền tảng số…

Triển khai đồng bộ 3 khâu đột phá nói trên trong năm 2022, toàn ngành Nông nghiệp Lâm Đồng phấn đấu tốc độ tăng GRDP 4,9-5,3%; tăng giá trị sản xuất ngành trồng trọt từ 4 - 4,5%. Cơ cấu nội bộ ngành trồng trọt chiếm 79%. Nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân nông thôn với GRDP bình quân đầu người đạt 71,5-73 triệu đồng, góp phần giảm 1% hộ nghèo, riêng hộ nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số giảm từ 2%…

THÁNG 2/2022