Thứ Bảy, 8 tháng 1, 2022

Tái định cư các dự án thủy lợi, thủy điện- những kết quả ghi nhận

VĂN VIỆT

Trong những năm gần đây, thông qua các giải pháp giải tỏa, đền bù phù hợp, đảm bảo dân chủ, công khai, minh bạch đã tạo sự đồng thuận của người dân để bàn giao mặt bằng kịp thời cho các dự án thủy lợi, thủy điện xây dựng đưa vào hoạt động, góp phần phát triển kinh tế-xã hội ở địa phương.

Triển khai 3 dự án thủy lợi và 2 dự án thủy điện

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng, giai đoạn 2014-2021, trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng có 3 dự án thủy lợi và 2 dự án thủy điện thực hiện giải tỏa, đền bù và tái định cư cho người dân gồm địa bàn huyện Di Linh có 2 dự án đập nước Đạ Rsal, xã Sơn Điền và hồ chứa nước thôn 9, xã Hòa Trung; 1 dự án thủy điện Đồng Nai; huyện Cát Tiên có 1 dự án hồ chứa nước Đạ Sị, xã Tiên Hoàng; huyện Lạc Dương có 1 dự án xây dựng nhà máy thuỷ điện Đạ Dâng- Đạ Chomo, xã Lát.  

Kết quả thực hiện bồi thường, hỗ trợ tái định cư với tổng kinh phí được phê duyệt 214 tỷ đồng, trong đó kinh phí đã thực hiện hơn 201,6 tỷ đồng với tổng số 358 hộ. Cụ thể số dân đã di chuyển đến các khu, điểm tái định cư 55 hộ thuộc dự án thủy điện Đạ Dâng – Đạ Cho Mo, xã Lát, huyện Lạc Dương; tái định cư tự nguyện 86 hộ thuộc dự án công trình thủy lợi hồ Đạ Sị, xã Tiên Hoàng, huyện Cát Tiên. Tính chung tổng diện đất thu hồi để thực hiện các dự án thủy lợi, thủy điện là 32,6 ha trong đó hơn 31,8 ha đất nông nghiệp và hơn 0,8 ha đất phi nông nghiệp, đất nuôi trồng thủy sản. Tất cả có 50 hộ đã được giao đất ở tái định cư trên diện tích 16.500m2. Có 286 hộ tái định cư tự nguyện đã mua đất và xây dựng nhà ở. Đáng kể tại khu điểm tái định cư thuộc các dự án thủy lợi, thủy điện đã đầu tư xây dựng hoàn thành và đưa vào sử dụng với 7 công trình cơ sở hạ tầng theo quy hoạch như: Công trình đường giao thông cấp phối nội bộ dài gần 941m; trường mầm non; trường tiểu học; đường điện hạ thế 22kv, hệ thống nước sinh hoạt; nhà cộng đồng; sân bóng đá.

Tiểu biểu các công trình công cộng, cơ sở hạ tầng tại khu tái định cư Păng Tiêng, xã Lát, huyện Lạc Dương sau khi hoàn thành xây dựng đã được Công ty cổ phần Đầu tư và xây dựng điện Long Hội nghiệm thu và bàn giao 2 điểm trường cho Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Lạc Dương; bàn giao cho UBND huyện Lạc Dương công trình đường giao thông, nước sinh hoạt, đường điện hạ thế 22kv...

Ổn định đời sống người dân tái định cư

Đánh giá chung cho biết, hàng năm việc duy tu, bảo dưỡng các công trình phục vụ khu tái định cư đã được thực hiện thường xuyên; quá trình vận hành hoạt động, khai thác công trình luôn được đảm bảo… “Các hộ dân đến nơi ở mới đã tham gia và thực hiện tốt các phong trào thi đua, các cuộc vận động: “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, xoá đói giảm nghèo, phong trào đấu tranh phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội, bảo vệ môi trường… Các gia đình ký cam kết không vi phạm pháp luật gắn với việc thực hiện hương ước, quy ước ở cộng đồng dân cư, góp phần giữ vững an ninh - quốc phòng, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương. Các hộ dân sau nhận tiền bồi thường, hỗ trợ tái định cư đã mua đất ở, đất sản xuất, tập trung phát triển sản xuất, có thu nhập ổn định, được sử dụng điện sinh hoạt, nước hợp vệ sinh…”, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng nhận định.

Qua khảo sát đời sống của các hộ dân tái định cư các dự án thủy lợi, thủy điện trên địa bàn Lâm Đồng đến nay đạt thu nhập bình quân đầu người 41 triệu đồng; tỷ lệ hộ nghèo từ 18,7% năm 2014 giảm xuống còn 5,45% năm 2021; đạt 98% hộ dân được sử dụng nước hợp vệ sinh; 100% hộ dân sử dụng hệ thống điện; 100% nhà ở kiên cố, bán kiên cố; vệ sinh môi trường đạt chuẩn theo tiêu chí xây dựng nông thôn mới của xã…

Kế hoạch ổn định đời sống và sản xuất cho người dân sau tái định cư đến năm 2025, Ngành Nông nghiệp Lâm Đồng sẽ phối hợp thực hiện tại dự án thủy điện Đại Ninh, huyện Đức Trọng với dự toán tổng vốn đầu tư gần 120 tỷ đồng. trong đó  bao gồm vốn Ngân sách Trung ương khoảng 102 tỷ đồng, vốn lồng ghép từ ngân sách địa phương gần 18 tỷ đồng./.

tháng 12/2021