Thứ Bảy, 8 tháng 1, 2022

Sản xuất cà phê chè theo hướng hữu cơ có truy xuất nguồn gốc

VĂN VIỆT

 Kết thúc năm 2021, Trung tâm Khuyến nông Lâm Đồng triển khai mô hình sản xuất cà phê chè theo hướng hữu cơ có truy xuất nguồn gốc và liên kết theo chuỗi giá trị thuộc Dự án “Xây dựng mô hình sản xuất cà phê chè theo hướng hữu cơ có truy xuất nguồn gốc và liên kết theo chuỗi giá trị” tại xã Xuân Trường và xã Trạm Hành, thành phố Đà Lạt đạt những hiệu quả đáng kể về kinh tế, xã hội và góp phần bảo vệ bền vững môi trường trên địa bàn.

Theo đó từ tháng 6 đến tháng 12/2021, Trung tâm Khuyến nông Lâm Đồng phối hợp chính quyền địa phương, Hội nông dân 2 xã Xuân Trường, Trạm Hành, Đà Lạt chọn 10 nông hộ tham gia xây dựng quy mô 10 ha mô hình chăm sóc cà phê chè theo hướng hữu cơ có truy xuất nguồn gốc, đồng thời liên kết tiêu thụ ổn định sản phẩm thu hoạch đầu ra. Tổng kinh phí thực hiện 2 mô hình này hơn 371 triệu đồng, trong đó kinh phí nhà nước hỗ trợ gần 193 triệu đồng, nguồn vốn nông hộ đối ứng hơn 178 triệu đồng. Thông qua nguồn kinh phí nhà nước, Trung tâm Khuyến nông Lâm Đồng đã triển khai cung ứng kịp thời 2 đợt vật tự, các chủng loại phân bón hữu cơ vi sinh, lân nung chảy, vôi, thuốc bảo vệ thực vật với định mức phù hợp cho từng nông hộ tham gia mô hình sàn xuất cà phê chè theo hướng hữu cơ có truy xuất nguồn gốc vừa nêu.

Bước vào sản xuất, Trung tâm Khuyến nông Lâm Đồng phân công 2 cán bộ kỹ thuật là kỹ sư nông học Hán Quỳnh Châu của Trung tâm và kỹ sư khoa học cây trồng Lê Anh Thiện làm việc làm tại UBND xã Xuân Trường, Đà Lạt. Mỗi kỹ sư này trực tiếp chỉ đạo, hướng dẫn sản xuất cà phê hữu cơ mô hình hàng ngày trên diện tích 5 ha của 5 hộ ở 2 xã Xuân Trường và Trạm Hành.

Trong suốt thời gian triển khai, 2 cán bộ  kỹ thuât chỉ đạo mô hình tham gia các hoạt động chọn điểm, chọn hộ, hướng dẫn tổ chức thực hiện tất cả các hoạt động của 2 mô hình. Đồng thời thường xuyên bám sát địa bàn, giám sát các hoạt động của mô hình, theo dõi cập nhật, ghi chép các chỉ tiêu theo yêu cầu của dự án, tổng hợp số liệu, phân tích và xây dựng báo cáo thực hiện mô hình…”, Trung tâm Khuyến nông Lâm Đồng nhận định. Qua đó 2 cán bộ kỹ thuật đã tổ chức 1 lớp tập huấn kỹ thuật sản xuất cà phê chè hữu cơ, thu hút 15 nông hộ tham gia; đặc biệt đã tổ chức thành công hội nghị thành lập tổ liên kết sản xuất gắn tiêu với 40 nông hộ tham gia.

Kết quả năng suất trung bình của mô hình sản xuất cà phê chè theo hướng hữu cơ có truy xuất nguồn gốc và liên kết theo chuỗi giá trị tại xã Xuân Trường và xã Trạm Hành, Đà Lạt niên vụ 2021- 2022 đạt 2,325 tấn nhân khô/ha. Nhân với giá bán 90.000 đồng/kg thành tổng doanh thu 209.250.000đồng/ha/năm. Trừ chi phi đầu tư, công lao động…đạt lãi thuần 144.157.500 đồng/ha.

Trong khi đó, năng suất trung bình ở ngoài mô hình sản xuất cà phê chè theo hướng hữu cơ có truy xuất nguồn gốc và liên kết theo chuỗi giá trị đạt 2,220 tấn nhân khô/ha/năm, Nhân với giá bán 85.000 đồng/kg, đạt tổng doanh thu 188.700.000/ha… Trừ chi phi đầu tư, công lao động…,hạch toán đạt lãi thuần 124.128.000đồng/ha.

Như vậy so sánh năng suất cà phê chè theo hướng hữu cơ mô hình cao hơn năng suất ngoài mô hình 105 kg nhân khô/ha/năm. Giá cà phê nhân liên kết được Hợp tác xã Café Song Vũ và Hợp tác xã Dịch vụ Nông nghiệp tổng hợp Trường Gia Phát thu mua với giá cao hơn so với thị trường 5.000đ/kg nhân khô. Tính ra thu nhập vườn cà phê chè hữu cơ mô hình tăng 20.029.500đồng/ha/năm so với ngoài mô hình, tương ứng với giá trị kinh tế tăng lên 16,13%...

Cũng theo Trung tâm Khuyến nông Lâm Đồng, bên cạnh hiệu quả kinh tế, mô hình còn giúp cho cán bộ khuyến nông có cơ hội nắm bắt được quy trình công nghệ và cách tổ chức sản xuất cà phê theo hướng hữu cơ có truy xuất nguồn gốc và liên kết theo chuỗi giá trị có năng suất, chất lượng cao để chỉ đạo, tuyên truyền  rộng rãi cho nông dân tổ chức xây dựng, nhân rộng vùng sản xuất cà phê theo hướng hữu cơ có truy xuất nguồn gốc và liên kết theo chuỗi giá trị liên kết với nhà máy chế biến, từ đó góp phần tăng năng suất cây trồng và tăng thu nhập đáng kể trên đơn vị diện tích đất canh tác cà phê chè theo hướng hữu cơ ở 2 xã Xuân Trường, Trạm Hành nói riêng, cả vùng chuyên canh cà phê chè của Đà Lạt và các huyện phụ cận nói chung. /.

tháng 1/2022