Chủ Nhật, 23 tháng 1, 2022

Chuyển đổi cây trồng mới với những giải pháp mới

VĂN VIỆT

Năm 2022 ngành Nông nghiệp Lâm Đồng chuyển nhanh tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp; tiếp tục các giải pháp chuyển đổi cơ cấu cây trồng mới; thúc đẩy sản xuất, lưu thông, tiêu thụ và xuất khẩu nông sản, tránh đứt gãy chuỗi sản xuất trong điều kiện đảm bảo an toàn phòng, chống dịch bệnh Covid-19…

Đạt gần 127,3% kế hoạch chuyển đổi các loại cây trồng

Thống kê cả năm 2021, toàn tỉnh Lâm Đồng đã thực hiện tái cơ cấu, chuyển đổi gần 10.610 ha cây trồng các loại, đạt gần 127,3% so với kế hoạch. Trong đó tái canh, ghép cải tạo cà phê gần 6.426 ha, đạt 123,1% so với kế hoạch. Cụ thể trồng tái canh cà phê vối hơn 2.900 ha, trồng tái canh cà phê chè 50 ha, ghép cải tạo cà phê vối 3.475,8 ha. Tính lũy kế toàn giai đoạn 2013-2021, toàn tỉnh Lâm Đồng đã thực hiện tái canh và ghép cải tạo 79.556,7 ha cà phê.

Đáng kể ở 3 huyện Đạ Huoai, Đạ Tẻh và Cát Tiên trong năm 2021 đã tập trung chuyển đổi 127 ha cao su sang trồng cây ăn quả theo hướng thâm canh tăng năng suất và chất lượng sản phẩm; hơn 995,6 ha diện tích cây điều già cỗi sang trồng các loại cây sầu riêng, cam, mít...có giá trị kinh tế cao hơn, đạt 248,9% so với kế hoạch. Trước đó tính riêng huyện Đạ Huoai từ giai đoạn năm 2013- 2020 đã chuyển đổi hình thành các vùng chuyên canh sầu riêng đạt năng suất và chất lượng cao. Kết quả trong năm 2021, UBND tỉnh Lâm Đồng đã ban hành quyết định công nhân vùng sản xuất sầu riêng ứng dụng công nghệ cao xã Hà Lâm với quy mô 300 ha, tạo bước đột phá mới trong tái cơ cấu trồng trọt của toàn ngành Nông nghiệp Lâm Đồng.

Trong năm 2021 toàn tỉnh Lâm Đồng cũng đã chuyển đổi được 2.247 ha đất lúa hiệu quả thấp (đạt 122,19% so với kế hoạch) sang trồng các loại cây hiệu quả kinh tế cao hơn như: cây bắp 1.592,5 ha; dưa hấu 170 ha; các loại rau 299,7 ha; hoa  6 ha; đậu  53 ha; khoai lang 4 ha; dâu tằm 42ha; cây khác 79,8 ha, tập trung phần lớn tại các huyện Đơn Dương,  Đạ Tẻh, Cát Tiên…Cụ thể hiệu quả kinh tế chuyển đổi sang trồng rau, đậu các loại tại các huyện Đơn Dương, Đức Trọng, Lâm Hà mang lại hiệu quả kinh tế cao với doanh thu cao gấp 3-4 lần/năm so với trồng lúa; tại 3 huyện Đạ Huoai, Đạ Tẻh, Cát Tiên chuyển sang cây bắp, rau, dưa hấu đạt doanh thu cao gấp 2-3 lần/năm. Đặc biệt đối với chuyển đổi đất trồng lúa sang trồng cây lâu năm như cà phê, dâu tằm… đến giai đoạn kinh doanh ổn định với doanh thu tăng cao gấp 1,5-2 lần/năm.  

 Ngoài ra  trong năm 2021 đã chuyển đổi 813,7 ha diện tích chè hạt, chè cành già cỗi sang trồng chè chất lượng cao, tâp trung chủ yếu tại các địa bàn huyện Lâm Hà, huyện Bảo Lâm và thành phố Bảo Lộc, góp phần nâng diện tích chè chất lượng cao đạt 4.987 ha/11.287 ha diện tích chè toàn tỉnh Lâm Đồng…

Tăng diện tích và sản lượng cây trồng chuyển đổi

Kết quả chuyển đổi trong năm 2021 đã tăng đáng kể diện tích và sản lượng các loại cây trồng chủ lực trên toàn tỉnh Lâm Đồng so với năm 2020 như: Tổng sản lượng   cà phê gần 528.000 tấn, tăng 2,2%; cây dâu tằm 9.544 ha với sản lượng 239.243 tấn (tăng 3,4% về diện tích và 29,8% sản lượng); cây ăn quả 29.352 ha, sản lượng 235.941 tấn (tăng 20% diện tích và 30,2% sản lượng); cây mắc ca 6.904 ha, sản lượng 3.946 tấn (tăng 42,0% về diện tích và tăng 14,7% sản lượng)

“Tính chung toàn tỉnh Lâm Đồng đến cuối năm 2021 giảm 4.334 ha diện tích có giá trị sản xuất dưới 50 triệu đồng/ha so với 2020. Nâng giá trị sản xuất trên đơn vị diện tích đất canh tác đạt 201 triệu đồng/ha (tăng 05% so với năm 2020). Tuy nhiên, đến nay toàn tỉnh Lâm Đồng vẫn còn 49.497 ha canh tác cây trồng kém hiệu quả (chiếm 16,5% diện tích canh tác toàn tỉnh) cần phải kế hoạch chuyển đổi phù hợp để hình thành vùng sản xuất tập trung gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững…”, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Lâm Đồng nhận định.

Bởi vậy ngành Nông nghiệp Lâm Đồng tiếp tục rà soát, đánh giá diện tích canh tác cây trồng giá trị sản xuất dưới 50 triệu đồng/ha/năm đến từng thôn, bản của các xã, phường, thị trấn thuộc các huyện, thành phố. Trên cơ sở đó tiến hành phân loại theo cây trồng và điều kiện sản xuất của từng nông hộ để xây dựng phương án chuyển đổi canh tác gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm giai đoạn 2022-2025. Mục tiêu trước mắt trong năm 2022 chuyển đổi 4.277 ha cây trồng kém hiệu quả, góp phần đưa diện tích canh tác có giá trị dưới 50 triệu đồng/ha/năm xuống còn 45.220 ha, tương ứng tỷ lệ dưới 15,1% diện tích canh tác toàn tỉnh Lâm Đồng.

“ Tiếp tục phát triển các chủng loại cây ăn quả chất lượng cao thông qua trồng xen tại các vườn cây công nghiệp như cây cà phê, điều và trồng thử nghiệm một số giống ăn quả mới để cải tạo vườn tạp, nhân rộng trong sản xuất. 

Tăng cường áp dụng các biện pháp canh tác tổng hợp theo hướng hữu cơ để nâng cao chất lượng giá trị sản phẩm; tổ chức lại sản xuất theo hướng hình thành hợp tác xã, tổ hợp tác liên kết theo chuỗi và chú trọng khâu xử lý sau thu hoạch để tạo sản phẩm đồng nhất về chất lượng  để đẩy mạnh tiêu thụ trong nước và xuất khẩu….”, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Lâm Đồng nhấn mạnh các giải pháp trọng tâm chuyển đổi cây trồng năm 2022 và đến năm 2025.

tháng 1/2022