VĂN VIỆT
Sau hơn một năm triển khai hiệu quả các mô hình sản xuất chè nguyên liệu búp tươi đạt tiêu chuẩn VietGAP tại xã Đạm B’ri, thành phố Bảo Lộc, Trung tâm Nghiên cứu thực nghiệm nông lâm nghiệp Lâm Đồng tiếp tục tổ chức tập huấn, chuyển giao cho nông dân áp dụng nhân rộng trên địa bàn.
Chọn mô hình cây chè trong thời kỳ kinh doanh
Theo khảo sát của Trung tâm Nghiên cức thực nghiệm nông lâm nghiệp Lâm Đồng, diện tích và sản lượng chè tại Bảo Lộc trong vòng 10 năm qua theo chiều hướng giảm thấp. Nếu như năm 2010 vùng chuyên canh chè Bảo Lộc với tổng diện tích 8.208 ha, sản lượng 72.707 tấn thì mười năm sau đó liên tục giảm xuống còn 2.743 ha, sản lượng chỉ còn 31.230 tấn. Trong đó chiếm 63,5% tổng diện tích chè giống mới cao sản (Shan LĐ 97, TB14), chè chất lượng cao Oolong (Kim Tuyên, Thúy Ngọc, Tứ Quý)...Tổng sản lượng sơ chế, chế biến bình quân một năm khoảng 31.230 tấn chè thành phẩm bao gồm: 78% chè sơ chế; 12,9% chè ướp hương, còn lại 0,1% chè đen và chè Oolong xuất khẩu. Tổng giá trị sản xuất, chế biến chè hàng năm bình quân trên đia bàn Bảo Lộc đạt hơn 345,6 tỷ đồng, giá trị xuất khẩu khoảng 7- 8 triệu USD, tập trung thị trường các nước Đài Loan, Nhật Bản, Trung Quốc, Trung Đông và Châu Âu, góp phần giải quyết khoảng hơn 1.000 lao động địa phương.
Tuy nhiên cũng theo Trung tâm này, việc sản xuất, chế biến tiêu thụ các loại chè Bảo Lộc trong thời gian qua vẫn chưa tương xứng với tiềm năng do đạt giá trị thu nhập thấp, gặp nhiều khó khăn khi phát triển vào các thị trường lớn trên thế giới. Bởi vậy, để góp phần nâng cao giá trị chè Bảo Lộc hiện nay cần phải tiếp tục mở rộng sản xuất gằn với chế biến theo tiêu chuẩn an toàn và chất lượng cao. “Khâu sản xuất chè nguyên liệu búp tươi (nguyên liệu đầu vào) của quá trình sản xuất đảm bảo năng suất, chất lượng là yêu cầu cấp thiết để phát triển ngành chè Bảo Lộc bền vững…”, Trung tâm Nghiên cức thực nghiệm nông lâm nghiệp Lâm Đồng nhận định.
Với mục tiêu nhằm ứng dụng quy trình sản xuất chè nguyên liệu búp tươi tại Tây Nguyên nói chung, xây dựng mô hình đạt hiệu quả kinh tế cao theo tiêu chuẩn VietGAP và nhân rộng mô hình ra các vùng sản xuất chè tại thành phố Bảo Lộc nói riêng, trong một năm vừa qua, Trung tâm Nghiên cứu thực nghiệm nông lâm nghiệp Lâm Đồng lựa chọn xây dựng 3 mô hình sản xuất chè nguyên liệu búp tươi có năng suất trên 25 tấn/năm đạt tiêu chuẩn VietGAP trên tổng diện tích 15ha. Trong đó gồm 1 mô hình cho 1 hộ dân với tổng diện tích 1ha và 2 mô hình cho 2 doanh nghiệp, mỗi doanh nghiệp 7 ha. Địa điểm thực hiện tại thôn 10, thôn 14, xã Đạm B’ri, Bảo Lộc. Đây là các vườn chè giống cao sản TB14 và các giống chè Kim Tuyên, Ngọc Thúy…đang trong thời kỳ kinh doanh 5- 10 năm tuổi…
Đạt lợi nhuận cao hơn từ 26,58% - 37,65%
Đi vào triển khai mô hình, Trung tâm Nghiên cứu thực nghiệm nông lâm nghiệp Lâm Đồng tác động các biện pháp kỹ thuật chăm sóc, đặc biệt là chọn thời điểm bón phân với định lượng phù hợp. Kỹ sư của Trung tâm này, chị Nguyễn Thị Nguyệt Tú cho biết, đối với phân đạm và phân kali bón lấp theo tán chè, bón 2 lần/lứa hái, lần 1 sau khi thu hái 10 ngày, lần hai cách lần một từ 20-25 ngày. Đối với phân lân bón một lần cùng với phân hữu cơ vào đầu mùa mưa. Căn cứ định lượng phân nguyên chất để tính toán thay thế phân Urê bằng phân SA, phân Super lân bằng phân lân nung chảy và phân Kaliclorua bằng phân Kali sunphát hoặc có thể sử dụng các loại phân tổng hợp NPK…
Bên cạnh đó sử dụng phân chuồng hoai mục với định lượng 20 - 25 tấn/ha/năm. Cách bón cày rạch hàng sâu 30 cm, bón phối hợp phân chuồng và phân hữu cơ sinh học, bón xong lấp đất. Bón 2 lần/năm vào đầu mùa mưa (tháng 5-6) và cuối mùa mưa (tháng 10-11). Tùy theo điều kiện có thể bón thêm bánh dầu với lượng 2.000 - 2.500kg/ha/năm. Cách bón là ngâm bánh dầu từ 20-25 ngày, bón 2 lần sau mỗi lứa hái, thời điểm bón sau mỗi lần bón phân hóa học từ 3-5 ngày…Ngoài ra mô hình còn sử dụng các loại phân bón lá với liều lượng cân đối; tưới nước nhỏ giọt từ 1.000 - 1.200 m3/ha/lứa hái (một lứa hái trung bình từ 47 - 50 ngày); đốn chè bằng máy chuyên dùng sau mỗi lứa hái; diệt trừ cỏ dại từ 6-8 lần/năm; phòng trừ các loại sâu bệnh hại như bọ xít muỗi, rầy xanh, các loại bệnh thối búp, phồng lá chè….
“Chè mô hình thu hái bằng tay theo đợt sinh trưởng búp 47 - 50 ngày một lứa. Một năm trung bình thu hái từ 7 - 7,5 lứa. Hái toàn bộ búp chè có trên tán, hái 1 tôm 2-3 lá non, búp mù hái 2 lá non. Để búp chè không bị dập làm ảnh hưởng đến chất lượng, nên hái khi trời ráo sương với mỗi gùi đựng khoảng 3 - 4 kg (không nén chè trong gùi). Chè sau khi hái phải được bảo quản vào chỗ mát và vận chuyển ngay đến nhà máy…”, Nguyễn Thị Nguyệt Tú “trình bày” thêm.
Kết quả 3 mô hình với 15 ha chè búp tươi sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP tại Đạm B’ri, Bảo Lộc nói trên đạt năng suất trên 28 tấn búp tươi/ha/năm, cao hơn so với ngoài mô hình là 1,75 tấn búp tươi/ha/năm. Giá bán chè thành phẩm của các mô hình cũng cao hơn 8,57% - 13,18%. Bởi vậy so với ngoài mô hình, chi phí ở mô hình cao hơn từ 19,18% - 26,15%, nhưng lợi nhuận vẫn cao hơn từ 26,58% - 37,65%...
Trung tâm Nghiên cứu thực nghiệm nông lâm nghiệp Lâm Đồng đã tổ chức tập huấn, chuyển giao quy tình sản xuất chè búp tươi VietGAP cho 30 người thuộc đối tượng doanh nghiệp, hộ nông dân, khuyến nông viên tại xã Đạm B’ri và các vùng sản xuất chè khác thuộc địa bàn thành phố Bảo Lộc.
“ Bên cạnh nhân rộng mô hình sản xuất chè nguyên liệu búp tươi đạt tiêu chuẩn VietGAP cho các công ty, doanh nghiệp và các nông hộ sản xuất, kinh doanh chè trên địa bàn, chính quyền địa phương cần có cơ chế hỗ trợ hoạt động xúc tiến thương mại tạo thị trường ổn định cho các nông hộ, doanh nghiệp yên tâm sản xuất góp phần phát triển bền vững thương hiệu Trà B’lao của Bảo Lộc nói riêng, Lâm Đồng nói chung…”, Trung tâm Nghiên cứu thực nghiệm nông lâm nghiệp Lâm Đồng nhận định.
THANG 1/2022