Thứ Hai, 12 tháng 4, 2021

Tăng độ che phủ rừng trên đất lâm nghiệp Lâm Hà

VĂN VIỆT

Trong 5 năm tới, huyện Lâm Hà triển khai mỗi năm trồng hơn 600ha diện tích cây lâm nghiệp, cây đa mục đích trên diện tích đất lâm nghiệp đang sản xuất nông nghiệp, nhằm góp phần đạt mục tiêu tăng độ che phủ rừng lên 27% trên địa bàn.

Thống kê tổng diện tích đất rừng hiện có trên địa bàn huyện Lâm Hà là 36.544ha, cơ cấu 26.022ha đất rừng sản xuất và 10.522ha đất rừng phòng hộ đầu nguồn. Cập nhật diễn biến rừng đến cuối năm 2019 cho biết, tổng diện tích đất sản xuất nông nghiệp trên đất lâm nghiệp ở huyện Lâm Hà khoảng 10.573ha, trong đó gồm 7.381ha đất rừng sản xuất và 3.192ha đất rừng phòng hộ, thuộc lâm phần Ban Quản lý rừng phòng hộ Lâm Hà. Đây là những diện tích đất hình thành do các nguyên nhân: Đất nông nghiệp được người dân sản xuất lâu đời nằm xen kẽ với đất có rừng, được đưa vào quy hoạch lâm nghiệp; đất lâm nghiệp được các Ban Quản lý rừng Lán Tranh, Nam Ban trước đây giao khoán để bảo vệ, phát triển rừng, nhưng người dân chuyển sang sản xuất nông nghiệp sai mục đích; các hộ dân xâm lấn đất rừng trái phép để sản xuất nông nghiêp.

Huyện Lâm Hà được đánh giá với điều kiện tự nhiên, khí hậu, thổ nhưỡng thuận lợi cho phát triển nông nghiệp, nhất là đối với cây công nghiệp dài ngày và các loại cây ăn quả có giá trị kinh tế cao. Vì vậy đã thu hút không nhỏ số lượng người lao động, dân di cư từ nhiều địa phương trong cả nước đến làm ăn sinh sống, đóng góp tích cực đến phát triển kinh tế- xã hội trên địa bàn.

“Mặt khác do dân số tăng nhanh, kéo theo nhu cầu đất ở, đất sản xuất ngày càng cao, dẫn đến tình trạng phá rừng, lấy đất sản xuất nông nghiệp, sử dụng đất không theo quy hoạch diễn ra phức tạp, gây khó khăn cho công tác quản lý, bảo vệ rừng, ảnh hưởng cả về kinh tế, chính trị, trật tự xã hội và môi trường…”, báo cáo của huyện Lâm Hà nhận định.  Theo đó qua rà soát, toàn huyện Lâm Hà có khoảng 11.083 hộ gia đình đang sản xuất nông nghiệp trên đất lâm nghiệp. Trong đó tính riêng số hộ đồng bào thiều số chiếm tỷ lệ 23,7% đang xuất nông nghiệp trên 2.908ha diện tích đất lâm nghiệp. Về chủng loại cây trồng với 10.045ha cây cà phê và 528ha cây trồng khác, chiếm tỷ lệ lần lượt 95% và 5% trên tổng diên tích đất lâm nghiệp đang sản xuất nông nghiệp.

Thực tế kiểm tra của các cơ quan chuyên trách ở huyện Lâm Hà cho thấy: Do sản xuất độc canh, không bố trí cây chắn gió, chống xói mòn đất, nên khả năng cây công nghiệp và các loại cây ăn trái giữ nước kém, giảm năng suất thu hoạch. Bên cạnh đó vì sản xuất tự phát, không theo quy hoạch, không được các đơn vị chuyên môn trong ngành nông nghiệp hướng dẫn kỹ thuật canh tác, thiếu các nguồn vốn vay đầu tư và không được thụ hưởng các chính sách hỗ trợ của nhà nước, nên hiệu quả kinh tế mang lại thấp.

 

Kết quả trong 5 năm qua, toàn huyện Lâm Hà đã tổ chức trồng rừng trên đất lâm nghiệp đang sản xuất nông nghiệp với diện tích 2.572ha/10.573ha, mới chiếm tỷ lệ 24%. Tỷ lệ này vẫn còn thấp so với yêu cầu tăng tỷ lệ che phủ rừng trên địa bàn. Một trong những nguyên nhân do chu kỳ khai thác, kinh doanh cây lâm nghiệp kéo dài, điều kiện kinh tế của người dân gặp nhiều khó khăn, chưa đáp ứng được khoản kinh phí mua cây giống trồng rừng. Trong khi đó phần lớn những diện tích cà phê ở đây đang khép tán thu hoạch ổn định, dẫn đến trồng cây lâm nghiệp hoặc cây đa mục đích xen canh sinh trưởng còn hạn chế. Về phía các đơn vị chuyên trách chưa xác định loài cây trồng lâm nghiệp chủ lực phù hợp, có gái trị kinh tế cao để áp dụng rộng rãi trên toàn địa bàn…

Mục tiêu khôi phục rừng đến năm 2025, huyện Lâm Hà phấn đấu trồng mới 3.500ha diện tích cây lâm nghiệp, cây đa mục đích trên diện tích đất lâm nghiệp đang sản xuất nông nghiệp. Đồng thời chuyển giao các biện pháp canh tác mới cây lâm nghiệp, cây đa mục đích cho người dân để góp phần đạt tỷ lệ che phủ rừng 27%, gắn sản xuất với chế biến và tiêu thụ sản phẩm cây công nghiệp, tăng giá trị thu nhập trên đơn vị sản xuất đạt mức khoảng 100 triệu đồng/ha/năm. Cụ thể huyện Lâm Hà nhân rộng các mô hình trồng rừng năng suất cao trên địa bàn dựa trên 3 yếu tố giống tốt, lập địa phù hợp, kỹ thuật chăm sóc. Trên cơ sở này, huyện Lâm Hà định hướng đến năm 2030, toàn bộ 10.573ha diện tích đất lâm nghiệp đang sản xuất nông nghiệp được khôi phục, tăng độ che phủ rừng lên hơn 29,5%, tạo tiền đề phát triển lâm nghiệp bền vững trên địa bàn.  

Tuy nhiên giải pháp trồng xen canh cây lâm nghiệp, cây đa mục đích ở huyện Lâm Hà được xác định triển khai trên diện tích sản xuất nông nghiệp trên đất lâm nghiệp ổn định từ năm 2016 trở về trước. Ngược lại những diện tích đất lâm nghiệp lấn chiếm từ năm 2016 về sau, huyện Lâm Hà kiên quyết giải tỏa, thu hồi để trồng mới rừng hoặc khoanh nuôi tái sinh, không để xảy ra tình trạng tái lấn chiếm...

THÁNG 4/2021