VĂN VIỆT
Nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường trong nước và xuất khẩu, hạn chế thấp nhất tỷ lệ tổn thất trên đường vận chuyển, việc bảo quản an toàn cho rau sau thu hoạch bằng quy trình hiện đại đang trở thành vấn đề đáng quan tâm trên vùng nông nghiệp Lâm Đồng khi tham gia chuỗi giá trị toàn cầu.
Sau 5 năm đi vào hoạt động, Trung tâm Sau thu hoạch Phong Thúy trên diện tích 6.000m2 tọa lạc thị trấn Liên Nghĩa, huyện Đức Trọng dẫn đầu quy mô các doanh nghiệp bảo quản an toàn nông sản sau thu hoạch. Công suất sơ chế, phân loại, đóng gói nông sản sản an toàn sau thu hoạch của Trung tâm đạt trung bình 30 tấn rau, củ, quả các loại trong ngày bình thường và lên đến 50 tấn trong ngày thu hoạch cao điểm. Đây là sản lượng thu hoạch từ diện tích chuyên canh rau các loại 60ha của doanh nghiệp Phong Thúy và 80ha của 40 cơ sở, hộ gia đình trên nhiều vùng nông nghiệp của huyện Đức Trọng, Đơn Dương, Lâm Hà liên kết sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn VietGAP. Những dây chuyền máy móc bảo quản an toàn nông sản sau ở đây có thể kể đến máy rửa sạch củ cà rốt không gãy cuống (hình thái phân biệt củ cà rốt Lâm Đồng với củ cà rốt Trung Quốc); hệ thống băng chuyền bán tự động phân loại các loại củ, quả baby; hệ thống máy đóng gói sản phẩm; hệ thống kho mát lưu trữ nông sản; hơn 10 chiếc xe tải và xe đông lạnh vào ra vận chuyển nông sản đến thị trường tiêu thụ. Đặc biệt là hệ thống dây chuyền máy phân loại cà chua công nghệ hiện đại của Nhật Bản do tổ chức JICA đầu tư, doanh nghiệp Phong Thúy đối ứng lắp đặt, duy trì hoạt động công suất đến 3 tấn/giờ. Tính riêng trong 3 năm gần đây, ước tính trung bình mỗi năm, doanh nghiệp Phong Thúy tổ chức sản xuất, thu hoạch và sơ chế, phân loại khoảng 14.000ha rau, củ, quả các loại đạt tiêu chuẩn an toàn thực phẩm cung ứng ra thị trường các vùng miền trong nước.
Tương tự ở HTX Laba Banana Đạ K’Nàng, huyện Đam Rông đã đầu tư 15 tỷ đồng giá trị đất xây dựng và lắp đặt đưa vào hoạt động hệ thống dây chuyền phân loại, sơ chế, làm mát sản phẩm chuối Laba đạt tiêu chuẩn VietGAP để đóng gói đưa ra thị trường. Đến nay, hoạt động bảo quản an toàn sản phẩm chuối Laba sau thu hoạch của HTX này đạt công suất trên dưới 3 tấn/ngày, trong đó chiếm đến 70% xuất khẩu qua Nhật Bản. “Đến nay, HTX Laba Banana Đạ K’Nàng phát triển khoảng 235ha trồng chuối liên kết của 50 hộ gia đình ở địa bàn xã Đạ K’Nàng, trong đó có khoảng 50ha gắn chip cảm biến để điều khiển các chế độ chăm sóc phù hợp thời điểm sinh trưởng của cây chuối Laba theo tiêu chuẩn VietGAP. Đặc biệt HTX chúng tôi bắt đấu áp dung phun thuốc, bón phân sinh học trên cây chuối Laba bằng máy bay không người lái, nên sản phẩm chuối thu hoạch đạt chất lượng an toàn thực phẩm trước khi đưa vào sơ chế, bảo quản… ”
Trở lại với sản phẩm rau, củ, quả bảo quản an toàn sau thu hoạch, trang trại rau Đà Lạt GAP với tổng diện tích 32ha ở xã Đạ Nghịt, huyện Lạc Dương luôn tuân thủ từ khâu sản xuất theo quy trình GlobalGAP đã được cấp Chứng nhận bởi Công ty Union Control của Hà Lan. Khu vực sản xuất tập trung của trang trại đều cách biệt độc lập với các khu vực sản xuất khác nên rất thuận lợi trong việc kiểm soát, phòng trừ dịch bệnh theo các biện pháp sinh học. “Như sản xuất cà chua GlobalGAP đạt 24kg/m2 năng suất với chất lượng đáp ứng yêu cầu của khách hàng, trang trại chúng tôi đã kiểm soát nguồn nước tưới về độ EC và độ PH đúng theo yều cầu, sau đó cung cấp dinh dưỡng chính xác ở từng giai đoạn sinh trưởng. Môi trường thuận lới nhất cho cây cà chua phát triển là giữ ẩm độ không khí luôn dưới 80%. Đặc biệt cây cà chua trồng trên giá thể đặt trên nền bạt địa chất hoặc nylon có thu hồi nước thải, đã ngăn chặn nguồn bệnh và côn trùng gây hại phát sinh từ trong đất, từ đó giảm đến mức thấp nhất sử dụng thuốc bảo vệ thực vật để tạo ra sản phẩm an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng…”, chủ trang trại Lê Văn Cường phân tích.
Thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng, trong năm vừa qua, tổng diện tích sản xuất rau các loại trên địa bàn đạt 70.050ha, tăng 2,89% so với năm trước đó, tổng sản lượng đạt gần 2,6 triệu tấn. Trong đó sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh, nông nghiệp hữu cơ đạt tổng diện tích khoảng 60.200ha.
“Việc chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ “lượng sang chất”, nâng cao giá trị gia tăng, phát triển các mô hình trung tâm sau thu hoạch thông qua đầy mạnh sơ chế, chế biến, nên tỷ lệ tổn thất nông sản trên địa bàn Lâm Đồng sau thu hoạch hiện chỉ còn 10- 15%…”, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng nhận định. Và giải pháp của ngành nông nghiệp Lâm Đồng để tiếp tục giảm thấp nhất tỷ lệ tổn thất nông sản sau thu hoạch trong thời gian tới là tiếp tục thu hút đầu tưáp dụng đồng bộ công nghệ kỹ thuật mới đảm bảo an toàn thực phẩm từ khâu sản xuất đến khâu sơ chế, bảo quản và vận chuyển đến nợi tiêu thụ, cung ứng trực tiếp cho khách hàng./.
THÁNG 4/2021