Thứ Năm, 22 tháng 4, 2021

Gia tăng thu nhập trên 300.000ha đất nông nghiệp

VĂN VIỆT

Ngành nông nghiệp Lâm Đồng với hàng loạt mục tiêu, nhiệm vụ tái cơ cấu cây trồng theo hướng toàn diện, bền vững, hiện đại, nhằm gia tăng hơn nữa thu nhập trên 300.000ha diện tích đất canh tác nông nghiệp trên địa bàn trong 5 năm tới.

Nhân rộng 40.000ha cây trồng chuyển đổi

Nhiệm vụ trọng tâm của ngành nông nghiệp Lâm Đồng trong giai đoạn 2021- 2025  tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với sinh thái từng tiểu vùng, từng địa bàn để đạt giá trị kinh cao, qua đó giảm đến mức thấp nhất những diện tích canh tác kém hiệu quả. Giải pháp ở đây tiếp tục rà soát, bổ sung vào danh mục khuyến khích hỗ trợ doanh nghiệp nghiên cứu, đầu tư sản xuất giống cây trồng; đồng thời xã hội hóa mua bản quyền giống nhập nội, xây dựng và nhân rộng mô hình điểm gắn sản xuất với mở rộng thị trường trong nước và xuất khẩu. Cụ thể tùy thuộc vào các dự án được phê duyệt, ngân sách nhà nước hỗ trợ doanh nghiệp, các đơn vị tổ chức nghiên cứu, sản xuất các giống cây trồng mới với định mức từ 50% đến 100%.

Và khi đi vào chuyển đổi cây trồng với tổng diện tích khoảng 2.000ha, ngân sách nhà nước hỗ trợ người sản xuất khoảng 50% chi phí mua cây giống. Với bước đi này, ngân sách nhà nước còn hỗ trợ xây dựng 150 mô hình điểm về chuyển đổi canh tác giống mới xen canh, chuyên canh, đặc biệt ưu tiên đầu tư tại các vùng khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn. Kết quả mô hình được chuyển giao toàn bộ quy trình kỹ thuật cho nông dân quanh vùng thông qua các cuộc hội thảo đầu bờ, hội nghị tổng kết, các cuộc tập huấn…“Các cơ sở được ngành nông nghiêp Lâm Đồng hỗ trợ hoàn thiện quy trình sản xuất cây giống, công bố tiêu chuẩn chất lượng; đồng thời kết hợp kiểm tra, quản lý hoạt động sản xuất kinh doanh, nhằm đảm bảo nguồn giống cây trồng đạt chất lượng để cung cấp người sản xuất chuyển đổi hiệu quả trên từng diện tích đất canh tác… ”, ngành nông nghiệp Lâm Đồng nhấn mạnh.


Theo đó với 150 mô hình điểm và 2.000ha chuyển đổi cây trồng từ năm đầu tiên sẽ phấn đấu đạt mục tiêu nhân rộng 40.000ha trong năm thứ năm, góp phần giảm diện tích cây trồng sản xuất kém hiệu quả xuống còn dưới 5% trên tổng diện tích đất canh tác 300.000ha.

Thu nhập 400 triệu/ha/năm diện tích công nghệ cao

Cùng với chuyển đổi cây trồng, ngành nông nghiệp Lâm Đồng cũng đã xác định các giải pháp chuyển đổi biện pháp canh tác hiện đại để gia tăng giá trị sản phẩm hàng năm. Theo đó những vùng công nghệ sản xuất chưa phát triển được ưu tiên xây dựng 20 mô hình chuyển giao công nghệ, máy móc, thiết bị; 15 mô hình ứng dụng IoT trong quản lý chuỗi sản xuất, tiêu thụ, giám sát dịch bệnh; 5 mô hình thử nghiệm công nghệ sản xuất mới. Để khuyến khích nhân rộng mô hình, ngân sách nhà nước đã thông qua mức hỗ trợ đến 300 triệu/mô hình. Trong đó hỗ trợ 100% kinh phí đầu tư xây dựng hệ thống giám sát dịch bệnh, 40% kinh phí thực hiện mô hình nông nghiệp công nghệ cao. Bên cạnh đó hàng năm, thông qua các hoạt động hợp tác quốc tế, ngành nông nghiệp Lâm Đồng lựa chọn tiếp cận công nghệ, kỹ thuật mới để hướng dẫn nông dân áp dụng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh, nông nghiệp hữu cơ. Đặc biệt qua tổng kết mô hình, ngành nông nghiệp Lâm Đồng xây dựng các tiêu chí, tiêu chuẩn về sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao, quy trình chuẩn về sản xuất nông nghiệp hiện đại. Vận hành đồng bộ giải pháp công nghệ mới vào sản xuất, Lâm Đồng đến năm 2025 đạt các mục tiêu: Trên 30% diện tích đất canh tác được chứng nhận an toàn, bền vững; 99% mẫu nông sản kiểm nghiệm đạt chất lượng an toàn; 60% nông sản tiêu thụ qua hợp đồng; 20% nông sản tươi và 40% nông sản chế biến được gắn tem truy xuất nguồn gốc.,.

Trong đó đáng quan tâm với chỉ tiêu 60% nông sản tiêu thụ qua hợp đồng cần đạt được đến năm 2025, ngành nông nghiệp Lâm Đồng triển khai cơ chế hỗ trợ đến 25 triệu đồng/đơn vị/lần tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại trong nước; 200 triệu đồng/đơn vị phát triển sản phẩm OCOP và đầu tư xây dựng chợ thương mại điện tử. Đặc biệt hỗ trợ xây dựng và chứng nhận đến 100 mã vùng cho các sản phẩm sầu riêng, rau, hoa phục vụ kiếm soát chất lượng, tháo gỡ các khó khăn về rào cản thương mại, đáp ứng các điều kiện xuất khẩu…

 Đến năm 2025, giá trị thu nhập bình quân cây trồng trên địa bàn Lâm Đồng đạt 220 triệu đồng/ha/năm. Riêng diện tích nông nghiệp công nghệ cao đạt giá trị trung bình 400 triệu đồng/ha/năm, trong đó nhiều diện tích cây trồng chuyển đổi, công nghệ mới có thể gia tăng thu nhập lên hơn 2 tỷ đồng/ha/năm.


Các mục tiêu này sẽ đạt sớm hơn kế hoạch khi các nhiệm vụ và giải pháp phát huy lợi thế, tiềm năng trên 300.000ha đất nông nghiệp được phối hợp tích cực, hiệu quả hơn.

tháng 4/2021