Thứ Hai, 12 tháng 4, 2021

Phát triển nông nghiệp nông nghiệp toàn diện, bền vững, hiện đại

VĂN VIỆT


Chiều ngày 12/4, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đổng Trần Văn Hiệp làm việc với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng về kết quả thực hiện nhiệm vụ của ngành năm 2020 và quý 1/2021.  Cùng đi có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Phạm S và Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Lạt Nguyễn Văn Sơn.

Ông Nguyễn Văn Sơn, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng báo cáo cho biết, năm 2020, trong bối cảnh thiên tai, dịch bệnh phức tạp, toàn ngành đã nỗ lực khắc phục khó khăn, tiếp tục khẳng định là trụ đỡ nền kinh tế của tỉnh với mức tăng trưởng 4,38%, đóng góp 78,6% trong tăng trưởng chung toàn tỉnh.

Diện tích nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh, nông nghiệp hữu cơ đạt trên 60.200 ha; trên 16.500ha cây trồng mới được chuyển đổi. Qua đó đã góp phần giảm trên 6.000ha đất canh tác kém hiệu quả và tăng giá trị sản xuất bình quân đạt 185,6 triệu đồng/ha. Tỷ lệ tổn thất sau thu hoạch hiện chỉ còn khoảng 10-15%, tăng khoảng 20% giá trị nông sản gắn thương hiệu “Đà Lạt - Kết tinh kỳ diệu từ đất lành”.  

Toàn tỉnh phát triển 165 chuỗi; có 16.621hộ tham gia liên kết, sản lượng nông sản tiêu thụ qua liên kết tăng 16%.

Trong quý I/2021, hầu hết diện tích cây trồng chủ lực đều tăng so với cùng kỳ. Đàn vật nuôi phát triển an toàn về dịch bệnh. Các công trình thủy lợi đảm bảo nhu cầu nước cho sản xuất và sinh hoạt. Giai đoạn 2 hồ chứa nước Đạ Lây đang trình Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt. Hồ chứa nước Đạ Sị đã hoàn thành trên 85% khối lượng công trình, dự kiến sẽ hoàn thành trước 30/6/2021. Hồ chứa nước Ta Hoét dự kiến sẽ khởi công vào tháng 12/2021...

Các nhiệm vụ trọng tâm 9 tháng cuối năm 2021 được ngành nông nghiệp và phát triển Lâm Đồng triển khai gồm: Tiếp tục xây dựng các xã, huyện đạt chuẩn nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu. Tăng cường công tác quản lý, ngăn chặn tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp; khôi phục và phát triển rừng và triển khai kế hoạch trồng 50 triệu cây xanh. Phát triển hạ tầng, nâng cao năng lực phòng chống và giảm nhẹ thiên tai; sử dụng hiệu quả, bền vững các nguồn tài nguyên thiên nhiên và môi trường.


Tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBD tỉnh Lâm Đồng Phạm S lưu ý lực lượng kiểm lâm tỉnh Lâm Đồng cần chủ động hơn nữa trong việc phối hợp, tăng cường tuần tra, kiểm tra rừng với lực kiểm lâm địa phương ở các địa bàn trọng điểm. Riêng với các dự án về quản lý, bảo vệ rừng còn triển khai chậm. Nhiệm vụ vụ trong thời gian tới, ngành nông nghiệp Lâm Đồng cần tập trung các giải pháp “3 phòng”: Phòng chống cháy rừng, phòng chiống thiên tai, phòng chống dịch bệnh cật nuôi, cây trồng. Và “5 bám”:  Bám rừng, bám đồng ruộng, bám công trình, bám nông dân, bám thị trường để tăng tỷ lệ nông sản xuất khẩu, nông sản tiêu thụ theo hợp đồng, đạt tỷ lệ tăng trưởng cao hơn nữa trong năm 2021.

Kết luận buổi làm việc, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Trần Văn Hiệp ghi nhận các kết quả hoạt động của ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn Lâm Đồng trong năm 2020 và quý 1/2021 về tỷ lệ tăng trưởng, phát triển hợp tác xã nông nghiệp, mở rộng chuỗi liên kết, tăng giá trị nông sản trên thị trường, đặc biệt từng bước siết chặt kỷ cương trong công tác quản lý, bảo vệ rừng trên địa bàn.

Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Trần Văn Hiệp chỉ đạo các giải pháp của ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn Lâm Đồng tiếp cận kịp thời kỹ thuật công nghệ tiên tiến trên thế giới để áp dụng vào sản xuất tập trung đối với các loại nông sản chủ lực của tỉnh Lâm Đồng. Đồng thời tiếp tục rà soát, triển khai đầu tư kiên cố các công trình thủy lợi; mở rộng liên kết sản xuất, tiêu thụ ổn định, bền vững. Tăng cường vai trò, trách nhiệm của lực lượng kiểm lâm, Ban Quản lý bảo vệ rừng, các đơn vị chủ trong công tác quan lý bảo vệ rừng.

Phương hướng trong thời gian tới, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Trần Văn Hiệp nhấn mạnh phải bám vào Nghị quyết của Tỉnh ủy Lâm Đồng, Nghị quyết Đảng bộ Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn Lâm Đồng vế phát triển nông nghiệp toàn diện, hiện đại và bền vững. Trong đó chú trọng nâng cao năng lực dự báo thị trường, nâng cao tỷ lệ xuất khẩu nông sản, phát triển thị trường mới. Tăng cường chuyển đổi giống, cây trồng, vật nuôi phù hợp, giá trị cao. Ưu tiên tiêu chí phát triển sản xuất, thu nhập, nâng cao đời sống người dân trong xây dựng nông thôn mới. Tăng cường cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh trên lĩnh vực nông nghiệp. Rà soát thủ tục hành chính, gỡ bỏ những thủ tục phiền hà Nhân dân, doanh nghiệp. Công chức, viên chức hành chính phải luôn có thái độ cởi mở, thân thiện phục vụ người dân, doanh nghiệp. Thực hiện các giải pháp kiểm tra, kiềm soát tài nguyên rừng, đặc biệt là áp dụng giải pháp công nghệ trong quản lý bảo vệ rừng. UBND tỉnh Lâm Đồng ưu tiên hỗ trợ kinh phí đầu tư thiết bị công nghệ phục vụ quản lý bảo vệ rừng. Tiếp tục sắp xếp bộ máy hành chính đảm bảo gọn nhẹ, chất lượng. Đặc biệt lãnh đạo Sở, Chi cục, Giám đốc các trung tâm trực thuộc phải thường xuyên đi cơ sở, giải quyết kịp thời những phát sinh từ thực tiễn. 

Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục chính trị, tư tưởng trong đội ngũ đảng viên tiếp tục tăng cường. Đặc biệt tập trung xây dựng mô hình thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Bỗ Chính trị về đẩy mạnh Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Từ đó tạo sức mạnh tổng hợp, sự đồng thuận thống nhất toàn Đảng bộ ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn trong mọi hoạt động, tiếp tục khẳng định nông nghiệp là trụ đỡ của nền kinh tế tỉnh Lâm Đồng.