VĂN VIỆT
Trong 5 năm qua, lĩnh vực
nông nghiệp công nghệ cao ở Lâm Đồng phát triển đa dạng quy trình kỹ thuật
“tương thích” với từng loại giống cây trồng chất lượng cao, mang lại hiệu quả
đáng kể và tiếp tục khẳng định vị thế dẫn đầu trong cả nước về quy mô, sản lượng
thu hoạch và giá trị thu nhập.
Tăng lợi nhuận hơn 40%
so với doanh thu
Thống kê toàn tỉnh Lâm Đồng đã quy hoạch 18 vùng sản xuất ứng
dụng công nghệ cao với tổng diện tích gần 4.000ha với các loại cây trồng chủ lực
như cà phê, vùng rau, hoa, chè, lúa và sầu riêng. Trong đó, UBND tỉnh Lâm Đồng
đã ban hành Quyết định công nhận 2 vùng nông nghiệp công nghệ cao đối với Làng
hoa Vạn Thành (180ha hoa hồng, cẩm chướng, đồng tiền…) và Làng hoa Thái Phiên (150ha
hoa cúc, lily…) thuộc địa bàn thành phố Đà Lạt. Ngoài ra trong một năm vừa qua,
Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Lâm Đồng (Sở Nông nghiệp và Phát triển
nông thôn Lâm Đồng) đã phối hợp với Phòng Kinh tế thành phố Đà Lạt, Phòng Nông
nghiệp và Phát triển nông thôn các huyện trong tỉnh đã tổ chức điều tra, khảo
sát, đánh giá, qua đó hướng dẫn các xã Xuân Thọ (Đà Lạt), Lạc Xuân (Đơn Dương),
Hà Lâm (Đạ Huoai) hoàn tất hồ sơ chuyển lên Sở Nông nghiệp và Phát triển nông
thôn Lâm Đồng thẩm định trình lên UBND tỉnh Lâm Đồng công nhận vùng sản xuất
nông nghiệp công nghệ cao.
Tính đến nay, 8 doanh nghiệp ở Lâm Đồng đã được Bộ Nông nghiệp và Phát
triển nông thôn cấp Chứng nhận doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao
(Công ty cổ phần Công nghệ sinh học Rừng hoa Đà Lạt, Công ty Dalat Hasfarm,
Công ty TNHH Dịch vụ thương mại Trường Hoàng, Công ty TNHH Đà Lạt G.A.P,
Công ty TNHH Hoa Mặt Trời, Công ty TNHH Trang trại Langbiang, Công ty TNHH Sản
xuất Thương mại Phong Thúy và Công ty TNHH Trà Long Đỉnh) với tổng diện tích
canh tác gần 280ha rau, hoa, chè cao cấp. Trong đó Công ty Dalat Hasfarm 100% vốn nước
ngoài đầu tư sản xuất 111 ha hoa công nghệ cao, tỷ lệ xuất khẩu chiếm 60%, tỷ lệ
40% còn lại tiêu thụ nội địa…
Bước sang năm 2020, theo thẩm quyền mới được giao, UBND tỉnh Lâm Đồng tiếp
tục xem xét, quyết định công nhận 3 doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao trên
địa bàn thành phố Đà Lạt, huyện Lạc Dương và huyện Đức Trọng. Thứ nhất, Công ty
TNHH Sinh học sạch (thương hiệu Biofresh, đường Võ Trường Toản, Đà Lạt) sản xuất
2ha dâu tây, phúc bồn tử trong nhà kính gắn với chế biến, sản lượng thu hoạch 80
tấn/năm. Thị trường tiêu thụ trong nước với hệ thống siêu thị, nhà hàng, khách
sạn cao cấp. Thị trường xuất khẩu sang các nước châu Âu, Singapore, Nhật Bản...Thứ
hai, Công ty TNHH Huỳnh Trung Quân (xã Hiệp Thạnh, huyện Đức Trọng) với 2ha
trang trại công ty và 3,2ha liên kết với nông dân sản xuất, nhân giống và chế biến phúc bồn tử.
Hàng năm cây phúc bồn tử đạt tổng sản lượng thu hoạch 60 tấn quả tươi, 20.000
cây giống; chế biến 4.000 lít nước mật, nước cốt…thành phẩm. Thứ ba, Công ty
TNHH Du lịch canh nông Kiến Huy (xã Đạ Sar, huyện Lạc Dương), quy mô 10ha rau
VietGAP, sản lượng từ 600- 680 tấn/năm.
“Hiệu quả của ứng dụng công nghệ cao
trong sản xuất cây trồng trong năm vừa
qua ở Lâm Đồng như: Tỷ trọng đạt trên 35% giá trị sản xuất toàn ngành
nông nghiệp; tăng lợi nhuận trên 40% so với doanh thu. Trong
đó giá trị sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đạt 400 triệu đồng/ha/năm;
nhiều mô hình áp dụng đồng bộ các giải pháp công nghệ IoT với doanh thu đạt
trên 3 tỷ đồng/ha/năm”, Chi
cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Lâm Đồng thông tin.
Cụ thể giải pháp đa dạng công nghệ trong trồng trọt hiệu quả cao ở Lâm Đồng
với hơn 4.200ha nhà kính, nhà lưới sản xuất 57,2% cây hoa; 38,3% cây rau và
4,5% các loại cây trồng khác. Và gần 215ha hoa, rau, chè được gắn hệ thống cảm biến tự động đo nhiệt độ, độ ẩm,
CO2, quản lý dinh dưỡng thông minh... Ngoài ra hàng năm với hơn 50
cơ sở nuôi cấy mô đã sản xuất hơn 46 triệu cây giống gốc, cung cấp cho 200 vườn
ươm để sản xuất hơn 2 tỷ cây giống thương phẩm, phục vụ nhu cầu sản xuất trên địa
bàn. Riêng ở Công ty Huyền thoại Toàn Cầu đã nhập khẩu tuyến trùng về nhân nuôi
và sử dụng trừ ruồi nhuế gây hại cây hoa tiểu quỳnh trên 1,5 ha...
60.226ha nông nghiệp công nghệ cao vào cuối năm 2020
Cũng theo Chi cục Trồng trọt và Bảo
vệ thực vật Lâm Đồng, kế hoạch từ nay đến cuối năm 2020, toàn tỉnh Lâm Đồng
phát triển quy mô 60.226ha nông nghiệp công nghệ cao, thu nhập bình quân hơn
440 triệu đồng/ha/năm, tăng lần lượt so với cuối năm 2019 gần 2.500ha và 40 triệu
đồng/ha/năm. Mỗi huyện, thành triển khai ít nhất 1 mô hình ứng dụng công nghệ
cao theo hướng thông minh..
Để tiếp tục khẳng định vị thế dẫn đầu
cả nước về nông nghiệp công nghệ cao trong năm 2020 nói riêng và những năm tiếp
theo nói chung, ngành nông nghiệp Lâm Đồng xác định tăng cường hơn nữa công tác quản lý
nhà nước, thực hiện cơ chế, chính sách trong hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào các
khu, vùng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh. Tập trung
các nguồn lực xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu, ưu tiên đầu tư nâng cấp những
công trình phục vụ sản xuất. Lồng ghép triển khai hiệu quả chính
sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản
phẩm nông nghiệp theo Nghị định
số 98/NĐ-CP ngày 05/7/2018 của Chính phủ; khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn
theo Nghị định số 57/2018/NĐ-CP ngày 02/02/2018 của Chính phủ; đào tạo nghề cho
lao động nông thôn theo Quyết định số
2125/QĐ-UBND ngày 02/10/2017 của UBND tỉnh Lâm Đồng gắn với Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp
và Chương trình xây dựng nông thôn mới tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2017- 2020.../.
THANG 5/2020