VĂN VIỆT
Ở khu vực vùng sâu, vùng xa Lâm Đồng thuộc xã Đạ Chais, huyện Lạc
Dương, vợ người Việt, chồng người châu Âu hàng ngày đã viết nên những trang mới
về giấc mơ sản xuất cà phê bền vững mang thương hiệu Chappi.
Từ ổn định 30ha cà phê nguyên liệu
Theo đường ĐT 723 từ Đà Lạt hơn 50km, phóng viên ghé vào bên trong
tấm bảng hiệu Chappi Moutains Coffee gặp một người đàn ông châu Âu niềm nở đón
chào. Như biết trước câu hỏi của phóng viên, người đàn ông ngoại quốc này đã
chủ động giới thiệu: “Tôi là Marc, đến từ Thụy Sĩ. Tôi cùng vợ là Nguyễn Lê
Thạch Thảo xây dựng HTX Cà phê Arabica Chappi Lạc Dương liên kết với đồng bào
dân tộc thiểu số địa phương phát triển sản xuất cà phê arabica theo hướng bền
vững, bảo vệ sinh thái môi trường rừng...
” Marc mời phóng viên ngồi bên chiếc bàn gỗ mỗi bên 2 chiếc ghế, vài phút sau
được đón nhận ly cà phê nóng từ người phụ nữ “8X” Nguyễn Lê Thạch Thảo pha chế
đem ra. Thưởng thức từng giọt cà phê Chappi đậm đà hương vị núi rừng Nam Tây
Nguyên, phóng viên được nữ Giám đốc Thạch Thảo chia sẻ khi bắt đầu vào cuộc trò
chuyện: “Mục
tiêu của Hợp tác xã Cà Phê Arabica Chappi chúng tôi là kiểm soát toàn bộ chuỗi
giá trị từ sản xuất tại các trang trại đến từng cốc cà phê được sử dụng để đảm
bảo chất lượng sản phẩm cao nhất có thể. Và chúng tôi đang mua cà phê từ nông
dân với giá cao hơn đáng kể so với giá thị trường, đồng thời hợp tác chặt chẽ
để giúp họ cải thiện sinh kế…”
Thời điểm
này, Hợp tác xã Cà Phê Arabica Chappi đã thành lập tròn 1 năm với 50 hộ thành
viên người đồng bào dân tộc thiểu số địa phương sản xuất cà phê arabica trên
tổng diện tích khoảng 30ha xung quanh khu vực Tu Póh, xã Đạ Chais, huyện Lạc
Dương. Tiền thân 2 năm trước đó hoạt động quy mô Tổ Hợp tác với 19 hộ thành
viên canh tác trên dưới 10ha cà phê arabica ở đây. Và ngược về hơn 10 năm trước
nữa, nữ chủ nhân Nguyễn Lê Thạch Thảo đã xây dựng thương hiệu Lam Ha Bio Coffee
rang xay cung cấp cho khách hàng trong và ngoài nước với nhiều hệ thống phân
phối khác nhau, trong đó đặc biệt lưu thông trên các trang bán hàng trực tuyến
uy tín hàng đầu trong nước như: Lazada, Shopee, Sendo…
Cơ duyên qua
các kênh bán online dòng sản phẩm Lam Ha Bio Coffee, người đàn ông làm việc từ
một ngân hàng Thụy Sĩ tên là Marc đã dần dần tìm hiểu, kết nối rồi đi đến thấu
hiểu công việc sản xuất, chế biến cà phê bền vững của nữ chủ nhân “8X” Nguyễn
Lê Thạch Thảo. Rồi khi cảm nhận được “tâm đầu ý hợp” hướng về cộng đồng chung
tay phát triển cà phê bền vững, cả hai đã trở thành vợ chồng. “Tôi đã quyết
định sang Việt Nam ở lại cùng với vợ xây dựng chuỗi giá trị liên kết sản xuất
cà phê hữu cơ đã hơn hai năm rưỡi. Đến nay với sản phẩm cà phê tươi mỗi tháng, chúng
tôi cung cấp 40 tấn ngoài mùa thu hoạch. Trong mùa thu hoạch (tháng 11 đến
tháng 3, tháng 4), chúng tôi có thể cung
cấp 120 tấn …”, Marc cho biết.
Đến giấc mơ 300ha cà phê bền vững Chappi
Kết quả vợ
chồng Marc- Thạch Thảo gặt hái những thành công đáng kể như: Thương hiệu Vàng
Châu Á- Thái Bình Dương đối với các dòng sản phẩm Lam Ha Bio Coffee năm 2017;
Cúp và Chứng nhận sản phẩm Chappi Moutains Coffee tỉnh Lâm Đồng là Thương hiệu
chất lượng cao Asean năm 2018… Hiện tại, HTX Chappi Moutains Coffee đã và đang
phối hợp 2 tổ chức phi chính phủ Hà Lan (SNV và IDH) hỗ trợ nông dân phân bón
hữu cơ, hướng dẫn kỹ thuật về canh tác cà phê bền vững, kỹ thuật thu hoạch, ủ
phân và quản lý nước sinh hoạt và nước tưới tiêu… Bên cạnh đó, thông qua các
hoạt động trồng rừng kết hợp sản xuất cà phê với sản xuất các sản phẩm nông
nghiệp khác, HTX góp phần đa dạng hóa sinh kế thu nhập của nông dân liên kết quanh
năm. “Đặc biệt HTX chúng tôi đang hướng dẫn nông dân về các hoạt động du lịch
sinh thái để giúp họ tạo ra cơ hội thu nhập thay thế, đồng thời nâng cao nhận
thức về tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường bền vững cho các thế hệ hôm
nay và ngày mai…”, Giám đốc Nguyễn Lê Thạch Thảo nói thêm.
Marc nhiệt tình đưa phóng viên trải nghiệm một
vòng quần thể 10 bungalow phân bổ giữa khu đồi cà phê trên cao của HTX Chappi
Moutains Coffee. Marc nói rằng, nhiều đoàn khách du lịch trong và ngoài nước
đến đây tham quan nghỉ dưỡng đều bày tỏ ngạc nhiên thú vị trước không gian núi
rừng tự nhiên tuyệt đẹp. Lưu trú ở đây, du khách còn được thực hành trồng trọt,
chăm sóc, thu hoạch và chế biến cà phê cùng với người nông dân. Và du khách được
vận hành dây chuyền máy móc rang xay, thưởng thức tại chỗ sản phẩm cà phê
Chappi Mountains dựa trên công thức truyền thống và quản lý chất lượng từ các
chuyên gia cà phê Nhật Bản…
Không là “du
khách ngoại lệ”, bức tranh hoang dã núi rừng bao bọc những triền đồi cà phê
arabica khu vực Tubóh, xã Đạ Chais, huyện Lạc Dương đã lôi cuốn bước chân phóng
viên, tạo ra hấp lực mới khi ghi lại hành trình hiện thực hóa giấc mơ 300ha cà
phê bền vững Chappi sản xuất liên kết của vợ chồng Marc- Thạch Thảo đi tiếp trong thời gian 5 năm tới…/.
.