Thứ Sáu, 8 tháng 5, 2020

Bơ 034 kết trái ven đô Đà Lạt


VĂN VIỆT
Sau nhiều năm chăm sóc cây ghép gốc bơ truyền thống với mắt ghép cây bơ gốc 034, nông dân Hoàng Văn Túc ở thôn 4, xã Tà Nung, Đà Lạt đã bước vào thu hoạch chính vụ đạt năng suất và chất lượng thơm ngon như cây giống gốc đầu dòng ở vùng sinh thái bản địa ở thị trấn Lộc Thắng, Bảo Lâm.

Một ngày cuối tháng 4/2020, phóng viên đến trang trại bơ ghép của nông dân Hoàng Văn Túc ( 55 tuổi, xã Tà Nung, thành phố Đà Lạt) đang vào thời điểm thu hoạch rộ giống 034, thu hái bao nhiêu tiêu thụ hết bấy nhiêu với tỷ lệ phần lớn khách hàng ngoài tỉnh Lâm Đồng đặt mua trên điện thoại, còn lại là tỷ lệ khách hàng địa phương đến trực tiếp phân loại thu hái chọn mua và vận chuyển về nhà. Một khách hàng địa phương Đà Lạt nhận định: “Đang vào mùa bơ 034 không chỉ giới thiệu trên mạng internet mà còn có bày bán khá nhiều trên quày hàng trái cây từ siêu thị, chợ lớn, chợ nhỏ đến các kệ hàng dựng tạm bên đường Quốc lộ 20, kích thước trái đa dạng, tương ứng với từng mức giá khác nhau. Khách hàng tha hồ lựa chọn mua theo lý do của riêng mình. Riêng tôi đến tận khu vườn của nhà nông Hoàng Văn Túc ở xã Tà Nung này để tận tay hái bơ 034 từ trên cây xuống, trả tiền mua với giá 50.000 đồng/kg… ” 
Đứng giữa vườn hàng chục cây bơ ghép bơ mắt chồi 034 với gốc cây bơ cổ thụ và gốc cây bơ trồng mới 4 năm tuổi, trái sum suê trĩu cành, chủ nhân Hoàng Văn Túc kể rằng ông đã lặn lội tìm đến đúng địa chỉ mua giống gốc ở thị trấn Lộc Thắng, huyện Bảo Lâm bắt đầu từ 4 năm trước. Đưa về vườn nhà với tổng diện tích xen canh với cà phê, rau, hoa gần 2ha tại xã Tà Nung, Đà Lạt, ông Túc ghép thành nhiều đợt lần lượt hoàn thành trên 25 cây bơ cổ thụ (trên dưới 30 năm tuổi). Mỗi cây bơ cổ thụ có chiều cao từ 18- 20m, đường kính gốc tương đương đường kính chiếc thùng phuy đựng nước. Tán lá rộng 7- 8m. Đây là giống bơ có nguồn gốc từ nước Pháp, nông dân Đà Lạt đã “thuần hóa” trở thành giống bơ địa phương, nhưng so với giống bơ 034 mới phát hiện về sau thì năng suất và giá trị kinh tế thấp hơn, nên hộ gia đình ông Túc đã quyết định ghép cải tạo với toàn bộ số mầm cây bơ 034 trong khu vườn của mình.    
 Đồng thời, ông Túc cũng đã chọn hàng trăm hạt giống bơ cổ thụ tốt nhất để gieo ươm, chăm sóc một năm sau thành gốc cây ghép mới với mầm chồi 034 cung cấp cho nông dân trồng xen canh với cà phê ở quanh vùng và địa bàn các huyện lân cận. Ông Túc thường ghép cây vào mỗi buổi sang hàng ngày, kết quả sau một tháng chăm sóc và theo dõi, tỷ lệ mắt ghép bơ 034 sinh trưởng đạt yêu cầu ở vùng đất Tà Nung, Đà Lạt từ 90- 95%.
Thời gian chăm sóc cây ghép đến khi thu trái bói là 3 năm, bước vào thu chính vụ là 4 năm. Trên cùng khu vườn của ông Túc, so sánh cây giống bơ 034 ghép với cây bơ cổ thụ có năng suất cao gấp 20 lần ghép với cây giống bơ thực sinh trồng mới. Như trong mùa chính vụ đầu tiên năm 2020 dự kiến thu hoạch liên tục từ giữa tháng 4 đến giữa tháng 7, mỗi cây cổ thụ ghép bơ 034 ước đạt năng suất từ 500- 600kg; trong khi cây ghép mới chỉ đạt từ 25- 30kg. So sánh với mùa thu bói năm 2019, năng suất bơ 034 mùa chính vụ năm 2020 tăng gấp đôi.
“Tuy nhiên nếu tính giá trị đơn vị 1ha trồng bơ 034 xen canh thì hàng năm phải cộng thêm khoản thu nhập từ cây cà phê nữa”, ông Túc nói. Theo đó, trong niên vụ cà phê năm 2019- 2020 vừa qua, sản lượng cà phê bình quân mỗi hecta của hộ gia đình ông Túc đạt khoảng 20 tấn tươi, tương ứng với doanh thu 150 triệu đồng. Cộng với mật độ trồng xen canh 150 cây bơ 034, hạch toán sơ bộ tổng doanh thu vụ chính đầu tiên khoảng 2 triệu đồng/cây, nhân thành doanh thu 300 triệu đồng. Cộng 2 khoản thu kép này thành 450 triệu đồng/ha/năm. Dự kiến từ năm thứ 5 trở đi, mỗi cây bơ ghép 034 sẽ phát tán cành và nhánh với đường kính khoảng hơn 4m, chiều cao trên dưới 5m, nên năng suất sẽ tăng nhanh mỗi năm tỷ lệ từ 30% trở lên.
Nông dân Hoàng Văn Túc đúc kết: “Vùng đất Tà Nung, Đà Lạt khá thích hợp với giống bơ 034 ghép với gốc cây bơ cổ thụ và cây bơ giống mới. Phần lớn cây bơ 034 ghép ở đây quanh năm tốt tươi, có khả năng đề kháng hiệu quả với các loại sâu bệnh. Cần tập trung tưới nước và bón phân chuồng cân đối, đều đặn hàng tuần, hàng tháng theo từng thời kỳ sinh trưởng của cây bơ 034. Kết quả sản phẩm bơ sáp 034 mang thương hiệu Bé Túc ở xã Tà Nung, Đà Lạt của chúng tôi đã và đang được thương lái địa phương tích cực thu mua, phân phối; khách hàng tiêu dung trong nước khá ưa chuộng, đánh giá cao về chất lượng. Hộ gia đình chúng luôn sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm sản xuất thương phẩm giống bơ 034 ghép đối với với nông dân Lâm Đồng nói chung, nông dân Đà Lạt nói riêng…”/.
tháng 5/2020