Thứ Năm, 28 tháng 5, 2020

Bước chuyển nông nghiệp toàn diện, bền vững ở Đà Lạt


VĂN VIỆT
Mục tiêu đến cuối năm 2020, ngành nông nghiệp thành phố Đà Lạt đạt giá trị thu nhập bình quân 400 triệu đồng/ha/năm. Đây là bước chuyển mới trong hành trình phát triển nông nghiệp toàn diện, bền vững theo Nghị quyết 05 của Tỉnh ủy Lâm Đồng.

Triển khai Nghị quyết 05 của Tỉnh ủy Lâm Đồng ban hành ngày 11/11/2016 về phát triển nông nghiệp toàn diện, bền vững và hiện đại giai đoạn năm 2016- 2020, định hướng đến năm 2025, Thành ủy Đà Lạt đã tổ chức học tập, quán triệt đến đội ngũ cán bộ, đảng viên thuộc các phòng, ban, đơn vị và các địa phương phường, xã trực thuộc. Tiếp sau đó, UBND thành phố Đà Lạt ban hành kế hoạch thực hiện, trong đó phân công cụ thể từng đơn vị, phòng, ban, phường, xã chủ trì, phối hợp tuyên truyền, tổ chức các lớp tập huấn, hội thảo, dạy nghề lao động nông thôn để vận động Nhân dân tham gia tích cực các chương trình phát triển nông nghiệp toàn diện, bền vững trên địa bàn. Qua đó xác định các vùng sinh thái trong thành phố Đà Lạt để phát triển các loại cây trồng đặc trưng phù hợp gồm: 1.900ha rau ở phường 7, 8, 9, 11, 12, xã Xuân Thọ; 480ha chè tại 2 xã Xuân Trường và Trạm Hành; gần 3.950ha cà phê 4 xã Tà Nung, Xuân Thọ, Xuân Trường và Trạm Hành.
Trên cơ sở quy hoạch vừa nêu, trong 5 năm qua, các cơ quan chuyên trách của thành phố Đà Lạt đã tổ chức chuyển giao cho nông dân thực hành nhiều giải pháp công nghệ mới vào sản xuất phù hợp với điều kiện đất đai trên từng khu vực, từng hộ gia đình, gắn sản xuất với sơ chế, chế biến nông sản, tổng kinh phí hơn 3,4 tỷ đồng. Kết quả đến nay, thành phố Đà Lạt đã nâng tổng diện tích canh tác áp dụng các quy trình công nghệ mới gồm: 5.740ha tưới tự động và bán tự động; 2.254ha nhà kính; 1.100ha sử dụng màng phủ nông nghiệp; 30ha thủy canh…Trong đó đã có 980ha sản xuất rau được cấp Chứng nhận sản xuất theo quy trình VietGAP. Hàng loạt giống rau, hoa, cà phê, chè, atiso, hồng ăn trái, bơ chất lượng cao… đã được ngành nông nghiệp thành phố Đà Lạt tiến hành khảo nghiệm, chuyển giao quy trình kỹ thuật canh tác công nghệ cao cho doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, nông hộ trên địa bàn.
 Riêng công nghệ in giống cây invitro, toàn thành phố Đà Lạt đang phát triển 43 cơ sở cung cấp cho hệ thống vườn ươm nhân giống hàng tỷ cây mỗi năm phục vụ nhu cầu sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở địa phương. Đặc biệt đã có hơn 10 doanh nghiệp, trang trại phát triển nông nghiệp thông minh như: Công ty TNHH Trang trại Langbiang; Công ty cổ phần Sinh học Rừng hoa Đà Lạt; Công ty cổ phần Chè Cầu Đất…Ước tính hơn 40ha diện tích sản xuất rau, hoa, cây đặc sản đã và đang được doanh nghiệp, nông hộ ứng dụng hiệu quả công nghệ cảm biến đo nhiệt độ, độ ẩm, cường độ ánh sáng; điều khiển thông qua hệ thống công nghệ thông tin…
Từng bước gắn sản xuất công nghệ cao với sơ chế, chế biến nông sản sau thu hoạch, đạt các tiêu chuẩn quốc gia và quốc tế, chính quyền thành phố Đà Lạt đã triển khai nhiều nguồn vốn hỗ trợ các doanh nghiệp, HTX, cơ sở đầu tư nâng cấp hệ thống dây chuyền máy móc như: máy rửa rau, củ, quả; đóng gói, in tự động; mô hình Trung tâm Sau Thu hoạch; mô hình chế biến hoa sấy khô; hoa tươi sử dụng lâu dài…Riêng sản phẩm cà phê trên địa bàn Đà Lạt có khoảng 20 doanh nghiệp tham gia chế biến đạt khoảng 15% sản lượng hàng năm; sản phẩm chè ô long thu hoạch đưa vào chế biến xuất khẩu chiếm 95% sản lượng…Chính quyền thành phố Đà Lạt đã cấp Chứng nhận sử dụng độc quyền nhãn hiệu “Đà Lạt- Kết tinh kỳ diệu từ đất lành” cho 359 tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh 4 sản phẩm rau, hoa, cà phê arabica và du lịch canh nông. Toàn thành phố Đà Lạt hiện đang phát triển gần 30 chuỗi liên kết sản xuất gắn với sơ chế, chế biến và thị trường tiêu thụ ổn định lâu dài, tăng giá nông sản lên từ 25- 30% so với giá thị trường...
“Chương trình nông nghiệp công nghệ cao ở Đà Lạt đã tạo chuyển biến rõ nét diện tích và chất lượng sản phẩm, cơ cấu cây trồng hợp lý, mô hình phong phú, đa dạng, phù hợp với tiềm năng, thế mạnh của địa phương… ”, đánh giá chung cho biết. Từ thành tựu phát triển sản xuất ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao này, Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân thành phố Đà Lạt đã vinh dự được Chủ tịch Nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhì.
Cụ thể các mục tiêu đạt được sau 5 năm phát triển nông nghiệp toàn diện, bền vững trên địa bàn thành phố Đà Lạt gồm: 42% sản lượng nông sản tiêu thụ qua hợp đồng; gần 63% diện tích ứng dụng công nghệ cao; xây dựng 3 vùng đạt tiêu chí ứng dụng công nghệ cao với diện tích canh tác hơn 250ha rau ở thôn Lộc Quý, xã Xuân Thọ; 150ha hoa khu vực Vạn Thành, phường 5; gần 160ha hoa ở Thái Phiên, phường 12; tổng giá trị sản xuất nông nghiệp công nghệ cao chiếm 85% tổng giá trị sản xuất ngành trồng trọt…
Để đạt mục tiêu thu nhập bình quân 400 triệu đồng/ha/năm, từ nay đến cuối năm 2020, thành phố Đà Lạt tiếp tục triển khai các giải pháp trong tâm như: Tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất; tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đầu tư thâm canh; tăng quy mô diện tích sản xuất theo các tiêu chuẩn chứng nhận VietGAP; GlobalGAP, hữu cơ, UTZ, 4C…/.
tháng 5/2020