Thứ Hai, 20 tháng 1, 2020

Đổi mới mô hình tăng trưởng nông nghiệp


VĂN VIỆT
Một năm vượt qua thách thức, khó khăn về dịch hại trên cây trồng, dịch bệnh lây lan trên đàn vật nuôi, ngành nông nghiệp Lâm Đồng với giải pháp gắn tái cơ cấu ngành với đổi mới mô hình tăng trưởng trên nhiều lĩnh vực, mang lại những hiệu quả tích cực.

Tăng 3.237ha diện tích nông nghiệp công nghệ cao
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng, kết thúc năm kế hoạch 2019, toàn ngành nông nghiệp Lâm Đồng đã đạt và vượt các chỉ tiêu cơ bản đề ra. Cơ cấu nội bộ ngành với tỷ lệ 81% trồng trọt, 14% chăn nuôi và 5% dịch vụ. Giá trị sản xuất bình quân đạt 178 triệu đồng/ha năm 2019, tăng 5,2% so với năm 2018.
Trong đó ở lĩnh vực trồng trọt, toàn tỉnh Lâm Đồng đã phát triển nhiều chủng loại cây trồng sản xuất công nghệ cao, đạt tổng diện tích 57.714ha, tăng 3.237ha. Đồng thời tái canh cải tạo gần 8.200ha cà phê già cỗi, năng suất thấp, nâng tổng số diện tích cà phê tái canh toàn tỉnh đạt gần 37,7%. Đặc biệt diện tích cây trồng áp dụng các quy trình GlobalGAP, VietGAP, 4C tăng hơn 94ha cây ăn quả và gần 18.615 ha cà phê. Trong năm 2019, các loại bệnh bọ xít muỗi trên cây cà phê; virus trên cây hoa cúc, rau họ cà; sâu keo mùa thu trên cây bắp xuất hiện phạm vi diện rộng, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Lâm Đồng đã phối hợp với các địa phương thực hiện nhiều giải pháp phòng trừ hiệu quả, giảm thiệt hại đáng kể cho người sản xuất .
Đáng nói ở lĩnh vực chăn nuôi trong năm 2019 với tình trạng lây lan dịch tả lợn châu Phi, dẫn đến đã giảm tỷ lệ 5% sản lượng thịt so với năm 2018. Vượt qua khó khăn này với việc đổi mới mô hình tăng trưởng thông qua các giải pháp quy hoạch, khoa học công nghệ, huy động nguồn lực tại chỗ, ngành chăn nuôi Lâm Đồng đã tạo sự chuyển dịch rõ nét từ chăn nuôi nông hộ nhỏ lẻ sang chăn nuôi tập trung đạt giá trị kinh tế cao hơn, kết quả tỷ lệ đàn heo giống lai, giống ngoại trên 92%; đàn bò thịt cao sản trên 70%. Đến nay toàn tỉnh Lâm Đồng tiếp tục phát triển 4 vùng chăn nuôi VietGAHP với 50 Tổ Hợp tác gồm gần 720 nông hộ tham gia, quy mô hơn 67.880 con heo. Và ở Trang trại bò sữa Vinamilk Lâm Đồng cũng đã được cấp chứng nhận chăn nuôi theo quy trình organic đối với 1.500 con bò sữa.  
Bên cạnh đó với việc triển khai 11 chương trình, dự án trong năm 2019, Lâm Đồng đã chuyển giao khoa học kỹ thuật, nhân rộng hiệu quả gần 130 mô hình chuyển đổi giống vật nuôi, cây trồng tập trung theo hướng nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh, nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn.
Giá trị sản phẩm thu hoạch bình quân 185 triệu đồng/ha/năm
Trên cơ sở phát huy những kết quả đổi mới mô hình tăng trưởng vật nuôi, cây trồng trong năm 2019, ngành nông nghiệp Lâm Đồng thông qua kế hoạch trong năm 2020 đạt giá trị sản phẩm thu hoạch bình quân 185 triệu đồng/ha/năm. Cùng với đó, những chỉ tiêu khác phấn đấu đạt được như: tăng thêm 2.550ha diện tích sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên 3.450ha diện tích sản xuất kém hiệu quả; tái canh gần 6.770ha cà phê;  tăng 6% giá trị sản xuất ngành chăn nuôi, nhằm duy trì tỷ trọng 15- 15,5% trong cơ cấu nội bộ ngành nông nghiệp.
Nhằm đạt và vượt các chỉ tiêu tăng trưởng nêu trên trong năm 2020, một trong những nhóm giải pháp được ngành nông nghiệp Lâm Đồng tập trung triển khai là nâng cao hiệu quả hoạt động nghiên cứu ứng dụng, chuyển giao khoa học kỹ thuật vào sản xuất, trong đó hoàn thành các tiêu chí công nhận ít nhất 2 vùng nông nghiệp công nghệ cao, phát triển 300ha diện tích nông nghiệp chứng nhận hữu cơ, 400ha diện tích ứng dụng công nghệ IoT. Cụ thể đối với sản xuất rau, hoa tiếp tục hiện đại hóa mô hình phát triển theo hướng tiếp cận đa ngành, hình thành các vùng sản xuất nguyên liệu phục vụ cho Khu Công nghiệp Nông nghiệp Tân Phú, nhân rộng mô hình Trung tâm Sau thu hoạch. Đồng thời tiếp tục tái canh cây cà phê, thâm canh, xen canh cây ăn ăn quả, mắc ca trên cây chè, cà phê, hình thành nhà máy chế biến nông sản gắn với vùng nguyên liệu. Đặc biệt quan tâm đầu tư phát triển vùng lúa đặc sản tại các huyện phía Nam Lâm Đồng. Riêng ngành chăn nuôi với quy mô phát triển tập trung đàn heo hướng nạc, đàn bò sữa, bò thịt chất lượng cao, mở rộng diện tích nuôi cá nước lạnh, khôi phục đàn gia cầm…
“Ngành nông nghiệp Lâm Đồng trong năm 2020 tập trung áp dụng khoa học công nghệ tạo ra sản phẩm an toàn, chất lượng cao, nhằm nâng cao hơn nữa khả năng cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế… ”, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng nhấn mạnh./.
THÁNG 1/2020