VĂN VIỆT
Cùng phóng viên khám
phá một vòng trang trại rau GlobalGAP giữa đồi núi khoáng đạt, chủ nhân Công ty
TNHH Đà Lạt GAP Lê Văn Cường cởi mở: “Sứ mệnh của thương hiệu Đà Lạt GAP chúng
tôi là cung cấp ngày càng nhiều sản phẩm rau sạch đạt tiêu chuẩn chất lượng
toàn cầu (GlobalGAP) cho khách hàng trong nước, đồng thời tập trung xuất khẩu
thông qua các đơn hàng với giá cạnh tranh ổn định… ”
Rau quốc tế tưới bằng
nước trời Đà Lạt
Một sáng hạ tuần tháng 11/2019, phóng viên từ trung tâm phố
Đà Lạt theo hướng cung đường tham quan đồi cỏ hồng rồi rẽ sang vùng đất Đạ Nghịt,
xã Lát, huyện Lạc Dương đi vào trang trại rau Đà Lạt GAP rộng đến 17ha. Lúc này
khoảng 8 giờ sáng, giữa không gian nhà kính nối tiếp nhà kính mát rượi, công
nhân đã thu hoạch gần xong rau GlobalGAP trong ngày với tổng sản lượng khoảng 2
tấn. “Chủng loại cây trồng ở Đà Lạt GAP khá đa dạng, có đến trên dưới 30 loại
rau, củ, quả GlobalGAP thu hoạch cuốn chiếu mỗi ngày. Ngày cao điểm, tất cả khu
nhà kính rau ở đây đạt năng suất khoảng 5 tấn. Thu hoạch đến đâu tập kết đến đó
về nhà xưởng của Công ty Đà Lạt GAP chúng tôi trên đường Nguyên Tử Lực, Đà Lạt để
sơ chế, đóng gói vận chuyển về nơi tiêu thụ ngay trong ngày..”, chủ nhân Lê Văn
Cường cho biết.
Như thời điểm hạ tuần tháng 11/2019 vừa nêu, trang trại Đà Lạt
GAP canh tác theo quy trình kỹ thuật thủy canh hồi lưu ổn định theo hợp đồng ở
khu vực nhà kính bên này với 5.000m2 diện tích rau xà lách đều đặn
“xuất vườn” trên dưới 500kg/ ngày (25.000 đồng/kg). Khu nhà kính kế bên cũng với
5.000m2 cải xanh Nhật thu liên tục hàng ngày hàng trăm ký (trên dưới
35.000 đồng/kg). Ở khu nhà kính bên đối diện trồng dâu tây Hàn Quốc theo phương
pháp bán thủy canh (trồng trên giá thể xơ dừa, tro, trấu…), lắp đặt trên giàn
cao hơn mặt đất từ 1,2m đến 1,5m, hái xuống 100kg/ngày (200.000 đồng/kg). Nếu kể
thêm mùa mưa trước đó trong năm 2019, con số thu này ít hơn một nửa- chỉ khoảng
50kg, bù lại giá bán ra thị trường tăng lên hơn gấp đôi. Rồi đi thêm nữa là khu
nhà kính 2ha chen chúc các chủng loại cây cà chua trồng trên luống, trên chậu
giá thể xơ dừa, tro, trấu… tương ứng với số tuổi cây xuống giống lần lượt hàng
tháng, được chăm sóc cắt cành tỉa tán, ngay hàng thẳng lối, lớp quả chín trĩu
cành, lớp đơm hoa kết nụ, lớp bung chồi mới….
Đó là các giống cà chua beef, cà
chua baby, cà chua socola, cà chua đen, cà chua cherry, cà chua picota…đua nhau
“chín cây”, giúp chủ nhân Lê Văn Cường với doanh thu quân bình đến 2.000kg mỗi
ngày.
Đặc biệt ở trang trại Đà Lạt GAP đều vận hành hệ thống tưới
nước kết hợp bón phân bằng nguồn nước trời mưa đối với tất cả các loại rau, củ,
quả đạt tiêu chuẩn chất lượng quốc tế khi trồng trên giá thể hoặc trồng bằng biện
pháp thủy canh trong nhà kính. Nước mưa được “dẫn” từ mái nhà kính đến hệ thống
đường ống phân phối đều xuống 7 chiếc hồ tích trữ, độ sâu khoảng hơn 1m, gồm
các diện tích mặt hồ 200m2, 300m2 và 500m2. “ Hàng
năm gần như toàn bộ lượng nước mưa đổ xuống từ mái nhà kính của trang trang trại
Đà Lạt GAP chúng tôi đều sử dụng để tưới cho cây rau bên trong nhà kính. Đây được
xem như một biện pháp canh tác thân thiện môi trường, góp phần phòng tránh hiện
tượng xói lở đất hoặc nước lũ dâng cục bộ trong mùa mưa. Ở các nước châu Âu hoặc
Nhật Bản, nông dân đã áp dụng giải pháp thu hồi nước mưa phục vụ sản xuất từ
khá lâu rồi… ”, chủ nhân trang trại rau
GlobalGAP Lê Văn Cường nói thêm.
Hơn 100 triệu đồng/năm
phân tích mẫu rau GlobalGAP
Đến nay, trang trại Đà Lạt GAP “sở hữu” 2 Chứng nhận
giá trị đầu tiên của Việt Nam là: Chứng nhận đạt tiêu chuẩn rau Global GAP (tổ
chức Control Union, Hà Lan cấp năm 2009) và Chứng nhận Doanh nghiệp ứng dụng
công nghệ cao vào nông nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cấp năm 2011). Để duy trì nghiêm ngặt quy trình,
tiêu chuẩn theo 2 Chứng nhận này, trang trại Đà Lạt GAP mỗi năm chi phí hơn 100
triệu đồng phân tích, đánh giá, xác định kịp thời các thông số kỹ thuật về nguồn
giống, liều lượng bón phân, tưới nước cân đối trong sản xuất, thân thiện môi
trường... Ngoài ra người lao động ở Đà Lạt GAP phải trang bị đầy đủ trang phục,
dụng cụ bảo hộ, điều kiện, môi trường làm việc an toàn, đảm bảo sức khỏe. Cụ
thể hơn, để thực hành quy trình khép kín từ khâu xuống giống, chăm sóc, thu
hoạch, sơ chế, đóng gói rau theo tiêu chuẩn GlobalGAP, trang trại Đà Lạt GAP phải
áp dụng đồng bộ hệ thống “quản lý tổng hợp, quản lý dịch hại tổng hợp, hệ thống
quản lý chất lượng, hệ thống phân tích mối nguy và kiểm soát điểm giới hạn của
cây trồng …”
Với việc đảm bảo các yêu cầu về tiêu chuẩn chất lượng,
thương hiệu rau toàn cầu Đà Lạt GAP đã khẳng định uy tín khi xuất khẩu sang
Nhật từ giai đoạn năm 2010- 2017 với sản lượng từ 600- 800 tấn/năm, chiếm khoảng
50% tổng sản lượng thu hoạch. Trong đó có hơn 100 tấn rau/năm liên kết sản xuất
giữa Công ty TNHH Đà Lạt GAP với nhiều hộ nông dân Đà Lạt. Tiếp theo trong một
năm vừa qua, rau chất lượng Global GAP ở Đà Lạt GAP xuất khẩu sang thị trường
Hàn Quốc hơn 100 tấn. So sánh với biện pháp sản xuất thông thường thì biện pháp
sản xuất theo quy trình GlobalGAP của Đà Lạt GAP tăng sản lượng từ 5- 6 lần đối
với cây cà chua bán thủy canh; nâng doanh thu cây xà lách thủy canh lên khoảng
4,5 tỷ đồng/ha/năm; giảm thời gian canh tác rau pó xôi từ 54 ngày xuống còn 35
ngày/vụ…
“Trang
trại Đà Lạt GAP chúng tôi hàng năm đón nhiều chuyên gia kỹ thuật nông nghiệp của
các nước thành viên Hiệp hội Nông Nghiệp Châu Âu đến trao đổi kinh nghiệm, tư
vấn trồng trọt…để nâng tầm đạt tiêu chuẩn Châu Âu một ngày không xa.Với tâm
huyết, đam mê nông nghiệp, thương hiệu Đà Lạt GAP tiếp tục đặt mục tiêu phát
triển, mở rộng quy mô, kỹ thuật trồng trọt, nâng cao năng suất thu hoạch để luôn
đứng vững vị trí hàng đầu về sản xuất rau, củ, quả theo tiêu chuẩn GlobalGAP
của tỉnh Lâm Đồng nói riêng, cả nước chung”, Giám đốc Công ty TNHH Đà Lạt GAP Lê
Văn Cường chia sẻ. /.
THÁNG 1/2020