Thứ Sáu, 17 tháng 1, 2020

Mô hình sản xuất - xây dựng để chuyển giao


VĂN VIỆT
Trung tâm Khuyến nông Lâm Đồng đã xây dựng hoàn thành và chuyển giao hơn 10 mô hình sản xuất, chăn nuôi theo hướng nâng cao giá trị gia tăng gắn với nhu cầu của thị trường. Mỗi mô hình ở đây đều tận dụng lợi thế của từng vùng sinh thái khác nhau trên địa bàn.

Chuyển đổi đa dạng vật nuôi, cây trồng
Trong năm 2019, Trung tâm Khuyến nông Lâm Đồng chọn 2 địa bàn xã Bảo Thuận, huyện Di Linh và xã Gia Lâm, huyện Lâm Hà xây dựng lần lượt 2 mô hình chuyển đổi nuôi gà Lạc Thủy và nuôi ghép cá chép, cà chài trong ao đất. Theo đó với quy mô 1.800 con gà Lạc Thủy/5 hộ, sau hơn 100 ngày thực hành theo quy trình kỹ thuật nuôi trên nền đệm lót sinh học, đàn gà sinh trưởng đạt bình quân trọng lượng gần 1,8kg/con. Trừ các chi phí đầu tư, người chăn nuôi thu lãi khoảng 55.000 đồng/con. Và mô hình thả nuôi tỷ lệ 70% cá chài và 30% cá chép trong ao đất, đến nay hơn 7 tháng chăm sóc, tỷ lệ cá sống đạt 82%. Dự kiến trong 5 tháng tới, trọng lượng thu hoạch mỗi con cá chép, cá chài từ 1kg trở lên. “Đây là đối tượng thủy sản mới, phù hợp với điều kiện môi trường thả nuôi tại địa phương, nhằm tăng thu nhập ổn định cho kinh tế hộ gia đình… ”, Trung tâm Khuyến nông Lâm Đồng đánh giá.
Bên cạnh vật nuôi chuyển đổi mới trên địa bàn huyện Lâm Hà, Trung tâm Khuyến nông Lâm Đồng đã và đang xây dựng mô hình các loại cây xen canh với cây cà phê gồm: 2ha diện tích  trồng cây đương quy và 5ha trồng cây bơ, sầu riêng với tổng số 12 nông hộ tham gia. Kết quả ban đầu cho thấy, tỷ lệ cây xen canh sinh trưởng khá tốt trên các diện tích cà phê ở đây từ 92% đến 95%. Riêng mô hình trồng cây sầu riêng trên đất trồng cây điều ở xã Hà Lâm, huyện Đa Hoai đạt tỷ lệ cây sống gần 100%. Đây là mô hình lần đầu tiên áp dụng hệ thống tưới tiết kiệm trên cây sầu riêng, quy mô 1ha/1 hộ đang tiếp tục theo dõi, dự báo với những kết quả khả quan.
Đáng kể mô hình trồng ớt chuông trên đất cà phê ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số xã Đạ K’Nàng, huyện Đam Rông đã đạt lợi nhuận bước đầu từ 11- 12 triệu đồng/tháng. Mô hình xây dựng trên diện tích 3.000m2 với 2 nông hộ tham gia thực hành các quy trình kỹ thuật mới và kinh nghiệp về canh tác ớt chuông trực tiếp trên đất – thay vì canh tác trên giá thể ở các vùng rau chuyên canh Đà Lạt, Đức Trọng. Hay mô hình trồng rau cải thảo xen canh atiso ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số huyện Lạc Dương được ghi nhận tăng thêm lợi nhuận khoảng 10 triệu đồng/1.000m2/năm. Cụ thể hạch toán trên diện tích 1.000m2 atiso trồng xen canh cải thảo đạt doanh thu khoảng 13 triệu đồng sau 75 ngày gieo trồng, chăm sóc. Cộng với doanh thu lá tươi atiso thành tiền đến 80 triệu đồng/9 tháng. Chia bình quân mỗi năm tăng lợi nhuận atiso từ trồng thuần sang trồng cải thảo xen canh từ 10- 12%.
Ngoài ra còn nhiều mô hình khác được Trung tâm Khuyến nông Lâm Đồng xây dựng có kết quả trong năm 2019 như: sản xuất khoai tây tại xã Xuân Thọ, Đà Lạt liên kết với nhà máy chế biến, tiêu thụ ở vùng Tây Nguyên, quy mô 5ha/5 hộ, đạt năng suất 25,6 tấn/ha, vượt 6,6 tấn/ha so với mục tiêu kế hoạch; gần 40 hộ trồng 30ha xen canh mắc ca với cà phê ở huyện Di Linh, đạt tỷ lệ sống 98% cây sinh trưởng khá tốt với chiều cao trung bình 120cm năm thứ nhất và 185cm năm thứ hai; 40ha/40 nông hộ sản xuất điều bền vững với các giải pháp tỉa cành, tạo tán, phòng bệnh thán thư hiệu quả trong giai đoạn cây ra hoa ở huyện Cát Tiên…
Nhiều hình thức chuyển giao, nhân rộng
Bên cạnh công tác xây dựng và triển khai các mô hình ứng dụng, Trung tâm Khuyến nông Lâm Đồng đã thực hiện công tác chuyển giao khoa học kỹ thuật trong sản xuất thông qua công tác đào tạo, tập huấn, thông tin tuyên truyền, giúp bà con nông dân định hướng sản xuất, nâng cao thu nhập cho hộ gia đình. Theo đó, trong năm 2019, Trung tâm tổ chức 18 lớp tập huấn, hội thảo, tư vấn cho khoảng 1.030 lượt nông dân áp dụng các giải pháp tưới tiết kiệm cho cây ăn trái, cây cà phê; trồng, chăm sóc và phòng trừ bệnh hại cho cây mắc ca, các loại cây dược liệu xen canh; áp dụng công nghệ cao trong sản xuất rau các loại; quy trình chăm sóc các loài vật nuôi mới…Đáng kể, Trung tâm còn phối hợp Dự án VnSAT Lâm Đồng xây dựng và chuyển giao hàng chục mô hình sản xuất cà phê bền vững cho nông dân các huyện Đam Rông, Lâm Hà, Đức Trọng, Di Linh, Bảo Lâm và thành phố Đà Lạt.
“Phương pháp tập huấn, chuyển giao, nhân rộng mô hình sản xuất cây trồng, vật nuôi được áp dụng linh hoạt, phù hợp với từng đối tượng tham dự. Trong đó tập huấn tại hiện trường theo hình thức cầm tay chỉ việc và chỉ việc cầm tay, giảm lý thuyết, tăng thời gian thực hành, giành thời gian cho nông dân trao đổi, chia sẻ kỹ thuật, kinh nghiệm sản xuất trên từng mô hình…  ”, Trung tâm Khuyến nông Lâm Đồng cho biết./.
 THÁNG 1/2020