Thứ Tư, 20 tháng 11, 2019

Thu hút đầu tư vào nông nghiệp - bước tiến mới


VĂN VIỆT
Với lợi thế về điều kiện thiên nhiên, lực lượng lao động kỹ thuật và kinh nghiệm thực tiễn phong phú, Lâm Đồng đã và đang phát huy những nhóm giải pháp chính sách ưu đãi thu hút đầu tư vào phát triển sản xuất nông nghiệp, tạo ra những bước tiến mới nâng cao giá trị nông sản gắn thương hiệu “Đà Lạt- Kết tinh kỳ diệu từ đất lành” trên địa bàn.

Thống kê toàn tỉnh Lâm Đồng hiện có hơn 300.000ha diện tích đất sản xuất nông nghiệp. Trong đó bao gồm diện tích canh tác các loại cây trồng đặc trưng chủ lực như: 174.000ha cà phê, 19.000ha rau, 12.000ha chè, 8.000ha hoa, 8.000ha dâu tằm… Qua thực hiện Nghị quyết 05, ngày 11/5/2015 của Tỉnh ủy Lâm Đồng về đẩy mạnh thu hút đầu tư vào sản xuất nông nghiệp, đến nay đã có tất cả 77 doanh nghiệp FDI và hơn 1.400 doanh nghiệp trong nước tham gia đầu tư sản xuất, kinh doanh trên lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản trên địa bàn. Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng cho biết, đã xuất hiện nhiều doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao xuất khẩu các loại nông sản đạt yêu cầu về tiêu chuẩn chất lượng, cạnh tranh hiệu quả tại thị trường lớn thuộc các nước Nhật, Nga, Australia, Singapore…, đạt doanh thu bình quân từ 1- 3 tỷ đồng/ha/năm. Điển hình như các Công ty Rừng hoa Đà Lạt, Hoa Mặt Trời, Langbiang Farm, Dalat Hasfarm, HTX Anh Đào Đà Lạt…Ngoài ra còn có nhiều doanh nghiệp đầu tư ở Lâm Đồng đã kết hợp sản xuất công nghệ cao với phát triển du lịch canh nông, góp phần tạo đa dạng sản phẩm du lịch hấp dẫn, mới lạ, nâng cao giá trị gia tăng trên diện tích đất nông nghiệp.
Để đạt những kết quả vừa nêu, ghi nhận trước hết ở nhóm giải pháp quy hoạch các khu nông nghiệp công nghệ cao, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp tích cực đầu tư mở rộng sản xuất, sơ chế, chế biến và bảo quản các loại nông sản giá trị cao. Đó là quy hoạch các diện tích như: 1.900ha với 7 dự án nông nghiệp công nghệ cao tại Đà Lạt; 323ha khu công nghiệp- nông nghiệp Tân Phú, huyện Đức Trọng; 221ha khu nông nghiệp công nghệ cao huyện Lạc Dương. Cụ thể hơn, Lâm Đồng đã ban hành 10 quy hoạch vùng nguyên liệu tập trung các loại cây trồng chủ lực như rau, chè, cà phê, mắc ca, dâu tằm, lúa lạnh…Đồng thời quy hoạch 19 vùng nông nghiệp công nghệ cao với tổng diện tích gần 4.000ha rau, hoa, cà phê, chè, sầu riêng…Tổng hợp số liệu đến giữa tháng 11/2019, toàn tỉnh Lâm Đồng đã phát triển hơn 56.400ha diện tích sản xuất nông nghiệp công nghệ cao và 57.000ha diện tích đất sản xuất theo quy trình an toàn, bền vững. Mô hình sản xuất tập thể ngày càng nhân rộng với gần 240 HTX, 950 trang trại. Riêng mô hình liên kết theo chuỗi giá trị sản phẩm từ khâu chọn giống, chăm sóc đến thu hoạch, sơ chế, chế biến và đưa ra thị trường tiêu thụ theo hợp đồng ổn định với gần 13.150 nông hộ.
Giải pháp tiếp theo, Lâm Đồng thường xuyên tổ chức các hoạt động xúc tiến đầu tư trong và ngoài tỉnh Lâm Đồng, qua đó tăng cường giới thiệu, quảng bá tiềm năng, thế mạnh của thổ nhưỡng, khí hậu cùng với chính sách ưu đãi, cơ chế thuận lợi để thu hút đầu tư vào sản xuất nông nghiệp; đẩy mạnh hoạt động hợp tác, liên doanh phát triển sản xuất nông nghiệp giữa các tỉnh, thành trong cả nước. 
Đáng kể thêm với giải pháp xây dựng thương hiệu các loại nông sản chủ lực, đặc biệt là thương hiệu “Đà Lạt- Kết tinh kỳ diệu từ đất lành” gồm 4 sản phẩm rau, hoa, cà phê Arabica và du lịch canh nông, Lâm Đồng đã giới thiệu hình ảnh của vùng đất kỳ diệu Đà Lạt- Lâm Đồng ngày càng sâu rộng trên thị trường trong nước và quốc tế, giúp các nhà doanh nghiệp tiếp cận đầy đủ thông tin trên lĩnh vực nông nghiệp để chọn lựa đầu tư hiệu quả theo năng lực, điều kiện của mình.
“Tuy nhiên bên cạnh những kết quả đạt được, việc thu hút đầu tư vào nông nghiệp trong thời gian qua còn gặp nhiều hạn chế và chưa tương xứng với tiềm năng và nhu cầu phát triển của ngành nông nghiệp trong nước nói chung, trong tỉnh Lâm Đồng nói riêng”, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng đánh giá.
Thực tế việc huy động các nguồn lực đầu tư cho nông nghiệp chủ yếu tập trung ở Đà Lạt và các vùng phụ cận, nên kết quả đạt tỷ lệ vẫn còn thấp - khoảng 11,3% tổng đầu tư toàn xã hội. Bởi vậy, một trong giải pháp trọng tâm trong thời gian tới “ngoài các hoạt động thu hút các doanh nghiệp trong và ngoài nước, Lâm Đồng khuyến khích các trang trại, nhóm hộ, hộ gia đình tại chỗ có đủ điều kiện, năng lực cần phát triển thành quy mô hoạt động doanh nghiệp, hợp tác xã, tích cực đầu tư sản xuất, sơ chế, chế biến nông sản theo chuỗi giá trị gia tăng gắn với nhu cầu của thị trường cạnh tranh…”/.
THÁNG 11/2019