Thứ Hai, 4 tháng 11, 2019

Để 50% nông sản tiêu thụ theo hợp đồng


VĂN VIỆT
Lâm Đồng vừa thông qua mục tiêu đến năm 2023 tiêu thụ theo hợp đồng 50% sản lượng nông sản thông qua 200 chuỗi liên kết trên địa bàn. Để hiện thực hóa mục tiêu này cần tổ chức triển khai đồng bộ  giữa các cơ quan chuyên trách với doanh nghiệp, hợp tác xã và nông hộ trên địa bàn.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng, tính riêng 125 chuỗi đang duy trì và mở rộng hoạt động từ đầu 2019 đến nay đã liên kết 75 doanh nghiệp, 82 hợp tác xã, tổ hợp tác, cơ sở sản xuất, kinh doanh và 13.140 hộ nông dân gắn sản xuất với sơ chế, chế biến và tiêu thụ lâu dài. Tiêu biểu số chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ các loại nông sản chiếm tỷ lệ tương ứng trên tổng sản lượng thu hoạch như: dược liệu (5 chuỗi, 34,8%); chè (20 chuỗi, hơn 17,2%); cà phê (10 chuỗi, gần 10,2%); rau (65 chuỗi, 8,2%); hoa (7 chuỗi, gần 1,8%)…Đáng kể có 68 chuỗi được các tổ chức trong nước và quốc tế chứng nhận về chất lượng sản phẩm từ sản xuất, sơ chế, chế biến, đóng gói và tiêu thụ sản phẩm.  Như vậy tính trung bình các loại nông sản chủ lực sản xuất, tiêu thụ theo chuỗi liên kết ở đây mới chiếm từ 15- 20% trên tổng sản lượng thu hoạch.
Tuy nhiên theo nhận định chung thì thị trường tiêu thụ nông sản Lâm Đồng còn bấp bênh, chưa hình thành các chuỗi liên kết theo từng vùng sản xuất tập trung, phần lớn còn sản xuất tự phát, chạy theo thị trường, cạnh tranh khó khăn trên thị trường xuất khẩu.
Để khắc phục tình trạng sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, nâng cao tỷ lệ sản phẩm sản xuất theo chuỗi giá trị, đảm bảo quy mô, chất lượng hàng hóa đạt hiệu quả kinh tế bền vững, mục tiêu đến năm 2023 của toàn tỉnh Lâm Đồng “ có 200 chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản. Trong đó mỗi xã đều có tối thiểu một mô hình liên kết cho sản phẩm chủ lực. Tổng diện tích tham gia chuỗi 50.000ha, chiếm 18% diện tích đất canh tác. Tham gia chuỗi liên kết gồm 32.000 hộ, khoảng 150 doanh nghiệp và 50 hợp tác xã, tổ hợp tác. Sản lượng tiêu thụ qua chuỗi đạt tỷ lệ 30% nông sản chủ lực toàn tỉnh… ” Và cũng với mục tiêu đó, toàn bộ 100% sản phẩm của chuỗi liên kết được sơ chế, chế biến, kiểm soát nguồn gốc và chất lượng. Đặc biệt sản phẩm rau các loại được sơ chế, chế biến bằng công nghệ hiện đại với tỷ lệ lần lượt 80% và 20%. Từ đó tăng tỷ lệ nông sản tiêu thụ thông qua hợp đồng lên 50% tổng sản lượng toàn tỉnh Lâm Đồng, góp phần nâng giá trị sản xuất nông nghiệp bình quân lên 220 triệu đồng/ha/năm.  
Cụ thể đến năm 2023, toàn tỉnh Lâm Đồng hình thành và nâng cấp 30 chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ các loại rau đạt chứng nhận GlobalGAP, VietGAP, hữu cơ…, tương ứng diện tích 3.700ha với 2.500 nông hộ tham gia tại các vùng nông nghiệp trọng điểm ở Đà Lạt, Lạc Dương, Đam Rông, Lâm Hà, Đức Trọng, Đơn Dương. Tương tự với hoa Đà Lạt và các vùng phụ cận phát triển 15 chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ trên diện tích 400ha với 500 hộ tham gia, tiêu thụ theo hợp đồng chiếm 20- 25% sản lượng hoa toàn tỉnh Lâm Đồng. Hoặc với cây chè đạt 29 chuỗi liên kết, 600 hộ tham gia, diện tích 2.100ha. Cây cà phê với 25 chuỗi liên kết, 9.030 hộ tham gia, 12.500ha diện tích sản xuất. Trong đó 70% diện tích canh tác theo các tiêu chuẩn an toàn chất lượng theo tiêu chuẩn trong nước, quốc tế. Ngoài ra còn có cây ăn quả, cây lấy hạt sản xuất trên diện tích 1.300ha theo 15 chuỗi liên kết, tiêu thụ 25% tổng sản lượng; 1.500ha diện tích cây lúa sản xuất theo 7 chuỗi liên kết 1.000 hộ tham gia, đạt tỷ lệ tiêu thụ ổn định 15% sản lượng toàn tỉnh…
Việc tổ chức thực hiện 200 chuỗi liên kết hoạt động hiệu quả vào năm 2023 ở Lâm Đồng, trước hết là công tác phối hợp tuyên truyền các chính sách hỗ trợ của nhà nước đến các tầng lớp nhân dân, qua đó vận động doanh nghiệp, nông dân tham gia thành viên trong từng khâu liên kết. Tiếp theo cần huy động nhiều nguồn vốn đầu tư trực tiếp, lồng ghép, nguồn vốn đối ứng của doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại, hộ gia đình…Tăng cường công tác khuyến nông, chuyển giao rộng rãi quy trình sản xuất, chế biến theo các tiêu chuẩn GAP, UTZ, HACCP… Chú trọng quảng bá giới thiệu sản phẩm, cải tiến phương thức bán hàng qua sàn đấu giá nông sản, chợ online…
   
Đặc biệt với nhóm giải pháp quản lý nhà nước, theo một văn bản mới đây của UBND tỉnh Lâm Đồng xác định “ban hành danh mục sản phẩm nông nghiệp chủ lực cấp tỉnh để thu hút doanh nghiệp đầu tư liên kết sản xuất, thu mua, chế biến, bảo quản và tiêu thụ sản phẩm, đặc biệt là xuất khẩu. Thực hiện nghiêm công tác quản lý nhà nước về vật tư nông nghiệp, vệ sinh an toàn thực phẩm, tăng cường kiểm tra, kiểm soát, truy xuất nguồn gốc, chất lượng nông sản”…
THÁNG 11/2019