Thứ Sáu, 15 tháng 11, 2019

Một năm "kéo giảm" dịch hại cây trồng


VĂN VIỆT
Sau một năm tăng cường công tác điều tra, phát hiện, dự tính, dự báo thường xuyên, các cơ quan bảo vệ thực vật tỉnh Lâm Đồng đã khuyến cáo, hướng dẫn nông dân thực hành nhiều biện pháp chủ động phòng, chống và “kéo giảm” đáng kể tỷ lệ các loại dịch hại gây ra đối với từng diện tích cây trồng trên địa bàn.

Thống kê đến cuối năm 2019, toàn tỉnh Lâm Đồng đã gieo trồng trên tổng diện tích gần 384.000ha. Trong đó cây lâu năm hơn 256.000ha, cây hàng năm gần 128.000ha. Tính riêng diện tích 2 cây trồng chủ lực rau, hoa với diện tích lần lượt 67.400ha và 6.800ha. Tốc độ tăng trưởng ngành trồng trọt ước tính tăng hơn 5,2% so với năm 2019. Theo đánh giá chung của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Lâm Đồng: Đến nay hầu hết các loại cây trồng ở Lâm Đồng đều sản xuất tập trung hàng năm, nên dịch hại có điều kiện môi trường phát sinh trên trên diện rộng. Đặc biệt so với năm 2018 thì năm 2019 lượng mưa trung bình thấp hơn 14,3mm, trong khi nhiệt độ trung bình tăng 0,30C. Đây là hiện tượng ảnh hưởng của biến đổi khí hậu khiến dịch hại trên các loại cây trồng diễn biến ngày càng phức tạp. Cụ thể gần đây đã phát hiện đối tượng sâu keo mùa thu nhiễm bệnh trên 132ha cây bắp ở các huyện Đơn Dương, Đức Trọng, Di Linh, mức độ nhiễm bệnh nặng khoảng 60ha, mật độ từ 4- 11 con/m2. Hoặc như diện tích cà phê chè ở Lâm Đồng trong năm 2019 bị nhiễm bọ xít muỗi gần 2.290ha (chiếm 16,7% tổng diện tích), tăng đến 73ha so với năm 2018. Trong đó diện tích cà phê chè nhiễm nặng bọ xít muỗi gần 620ha, dự báo năng suất thu hoạch năm nay có thể giảm từ 10- 20% so với cùng kỳ năm ngoái…
Để kịp thời ngăn chặn bùng phát và “kéo giảm” các loại dịch hại cây trồng trong năm 2019, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng đã ban hành 15 văn bản chỉ đạo các đơn vị trực thuộc cùng phối hợp với chính quyền địa phương hướng dẫn nông dân về các biện pháp phòng trừ các loại dịch hại cây trồng như: virus hại cà chua, hoa cúc; sâu vẽ bùa hại cà chua; bọ xít muỗi, thánh thư gây hại cây điều, cây cà phê; sâu keo mùa thu hại bắp…Riêng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Lâm Đồng đã thực hiện nhiệm vụ tăng cường tập huấn, thông tin, tuyên truyền các biện pháp phòng trừ các loại bệnh gây hại hoa cúc, cà chua, bọ xít muỗi hại cà phê chè, bắp… thông qua gần 35 lớp tập huấn cho hơn 1.300 lượt nông dân, kết hợp biên soạn, in ấn, cấp phát 2.000 tờ rơi hướng dẫn kỹ thuật quản lý sâu bệnh. Bên cạnh đó còn tổ chức 2 hội nghị về sản xuất cây giống họ cà sạch bệnh và hiện đại hóa sản xuất giống rau với 150 nông dân vùng nông nghiệp Đơn Dương tham dự. Ngoài ra, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Lâm Đồng còn xây dựng 2 mô hình (2.000m2/mô hình) phòng trừ tổng hợp bệnh virus trên cây hoa cúc tại thành phố Đà Lạt và trên cây cà chua tại huyện Đơn Dương. Đồng thời hỗ trợ xây dựng 3 vườn ươm giống hoa cúc (300m2/vườn) và 2 vườn ươm giống cà chua (1.000- 4.000m2/vườn) đạt tiêu chuẩn cây giống khỏe mạnh, sạch virus.
Đáng kể thêm, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Lâm Đồng đã mở rộng hợp tác với các tổ chức, đơn vị trong và ngoài nước nghiên cứu phòng trừ dịch hại trên cây trồng như: nhân cấy đỉnh sinh trưởng trên cây hoa cúc (tổ chức JICA); giải pháp phòng trừ tổng hợp bệnh virus lây nhiễm rau họ cà và hoa cúc (Trung tâm Nghiên cứu rau thế giới tại Đài Loan, Trường Đại học Đà Lạt, Trường Đại học Nông lâm TPHCM, Học viện Nông nghiệp Việt Nam, Viện Khoa học Kỹ thuật miền Nam, Trung tâm Nông nghiệp Đà Lạt…)
Từ những giải pháp tích cực nêu trên, trong năm 2019, nhiều loại dịch hại trên cây trồng ở Lâm Đồng đã được “kéo giảm” rõ rệt so với năm 2018. Như bệnh virus trên cây cà chua giảm 127,5ha; bệnh virus gây hại hoa cúc giảm 115ha; bệnh bọ xít muỗi, thán thư gây hại cây điều giảm 3.326ha… Để nâng cao hiệu quả công tác phòng chống, “kéo giảm” dịch hại trong thời gian tới,  theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Lâm Đồng: “Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần sớm chỉ đạo các Viện, Trường nghiên cứu các đề tài cấp quốc gia về virus gây hại cây rau họ cà, hoa cúc ở Đà Lạt và các vùng phụ cận. Riêng Cục Trồng trọt hàng năm tổ chức 1- 2 lớp tập huấn nâng cao nghiệp vụ thanh tra chuyên ngành trồng trọt và bảo vệ thực vật cấp huyện tại tỉnh Lâm Đồng…”
THÁNG 11/2019