Thứ Năm, 5 tháng 9, 2019

Nền móng nông nghiệp công nghệ cao


VĂN VIỆT


Sau hơn nửa năm triển khai Đề án thí điểm xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, huyện Đơn Đương tiếp tục xây dựng nền móng nông nghiệp công nghệ cao, tạo điểm xuất phát mới để mở hướng phát triển nông nghiệp thông minh đến năm 2025.

Thống kê đến đầu tháng 9/2019, toàn huyện Đơn Dương có gần 11.600ha diện tích sản xuất rau, hoa, trong đó chiếm đến 88% diện tích ứng dụng công nghệ cao, tăng khoảng 300ha so với đầu năm 2019. Đây là kết quả chuyển đổi mới từ những diện tích hiệu quả kinh tế kém như: lúa một vụ, cà phê già cỗi, các cây trồng ngắn ngày khác…Cùng với đó, huyện Đơn Dương tập trung xây dựng, nâng cấp và duy tu, bảo dưỡng cơ sở hạ tầng giao thông, thủy lợi, kho chứa, điểm tập kết và tiêu thụ nông sản…, tạo thuận lợi đầu tư sản xuất, kết nối lưu thông sản phẩm giữa các vùng nông nghiệp công nghệ cao trên địa bàn.
Đặc biệt gắn sản xuất với nhu cầu thị trường, huyện Đơn Dương chú trọng vận động, khuyến khích nhân rộng mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị gia tăng giữa doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác với nông hộ, tiêu thụ theo hợp đồng 200.000 tấn rau/năm, bằng 25% tổng sản lượng. Toàn huyện Đơn Dương đang phát triển lên đến 600ha diện tích sản các loại rau đạt tiêu chuẩn VietGAP; có 2 hợp tác xã nông nghiệp đã được cấp Chứng nhận đăng ký thương hiệu “Đà Lạt- Kết tinh kỳ diệu từ đất lành”. Giá trị lợi nhuận bình quân sản xuất nông nghiệp công nghệ cao từ 250- 300 triệu đồng/ha/năm, cao hơn 30% giá trị sản xuất thông thường. Chưa kể ngày càng nhiều diện tích rau, hoa công nghệ cao đạt thu nhập hơn 1 tỷ đồng/ha/năm.
Hiện nay ứng dụng nông nghiệp thông minh trên thế giới tập trung vào 7 yếu tố chính là: ứng dụng cảm biến kết nối vạn vật; công nghệ đèn LED: canh tác thủy canh, khí canh; sử dụng năng lượng điện mặt trời; sử dụng người máy trong quy mô sản xuất lớn; thu thập dữ liệu bằng thiết bị bay không người lái; công nghệ quản trị tài chính trang trại.
 Đối chiếu vào thời điểm đầu tháng 9/2019, trền nền móng nông nghiệp công nghệ cao, huyện Đơn Dương bắt đầu triển khai các diện tích ứng dụng nông nghiệp thông minh với kết quả quan trọng gồm: 50 ha rau gắn cảm biến tưới tự động kết hợp với châm phân trên giá thể; 15ha ứng dụng internet kết nối vạn vật để kiểm soát độ ẩm, nhiệt độ, ánh sáng trong nhà kính; 5ha diện tích rau công nghệ thủy canh hồi lưu… Như vậy với mục tiêu đạt tối thiểu 4/7 yếu tố vừa nêu, nếu triển khai nhiều giải pháp đồng bộ hơn nữa, hy vọng Đơn Dương sẽ đạt và vượt các tiêu chí huyện nông thôn kiểu mẫu về nông nghiệp công nghệ cao theo hướng thông minh trước thời điểm dự kiến vào năm 2025…
THÁNG 9/2019