Thứ Ba, 10 tháng 9, 2019

Không lơ là với dịch tả lợn Châu Phi


VĂN VIỆT  
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng, đến đầu tháng 9/2019, bệnh dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại, thậm chí diễn biến còn phức tạp, đòi hỏi công tác phòng chống cần thường xuyên và liên tục, không được phép chủ quan, lơ là…

Thống kê cho biết, tính đến cuối tháng 8/2019, bệnh dịch tả lợn Châu Phi đã xuất hiện lần lượt trên 70 xã, phường, thị trấn thuộc 8 huyện Đức Trọng, Lâm Hà, Đam Rông, Di Linh, Bảo Lâm, Đạ Huoai, Đạ Tẻh, Cát Tiên và thành phố Bảo Lộc. Hậu quả phải tiêu hủy gần 39.430 con lợn nhiễm bệnh, chiếm hơn 11% tổng đàn lợn toàn tỉnh Lâm Đồng.
Trong đó 4 huyện chiếm tỷ lệ đáng kể phải tiêu hủy so với tổng đàn lợn hiện có gồm: Cát Tiên (gần 33%), Đức Trọng (hơn 21%), Di Linh (gần 21%), Bảo Lâm (hơn 19%).
Nhìn chung các địa phương và đơn vị chuyên trách trong tỉnh Lâm Đồng đã tích cực triển khai các biện pháp phòng chống bệnh dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn như: khoanh vùng, thành lập chốt kiểm dịch, lấy mẫu xét nghiệm, vệ sinh tiêu độc khử trùng, tiêu hủy lợn bệnh, không để xảy ra tình trạng vứt lợn bệnh ra môi trường… Đồng thời đã lấy 2.015 mẫu xét nghiệm trên 105 trang trại trước khi xuất bán lợn ra thị trường.  Kết quả  ở 2 huyện Đơn Dương, Lạc Dương và thành phố Đà Lạt hiện chưa phát hiện lợn lây nhiễm bệnh dịch tả lợn Châu Phi từ các địa phương lân cận. Đặc biệt 2 xã trọng điểm là Phú Hội và Hiệp Thạnh, huyện Đức Trọng trong 30 ngày vừa qua không phát sinh thêm con lợn nào mắc bệnh.   
Tuy nhiên, bệnh dịch tả lợn Châu Phi hiện chưa có thuốc đặc trị và vắc xin phòng ngừa, nên nguy cơ lây lan từ các nơi có dịch luôn rất cao. Bởi vậy, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng tiếp tục chỉ đạo các đơn vị trực thuộc bám sát cơ sở, cập nhật thông tin, khảo sát, nhân rộng các giải pháp phòng chống dịch tả lợn Châu Phi như: tiêm phòng đầy đủ, chăm sóc lợn đúng quy trình an toàn sinh học, kịp thời tiêu hủy lợn mắc bệnh theo hướng dẫn của cơ quan thú y địa phương, quản lý chặt chẽ nguồn thức ăn chăn nuôi, kiểm soát giết mổ, tiêu thụ thịt lợn và sản phẩm từ lợn trên địa bàn…
Thiết nghĩ, những giải pháp tiếp tục phòng, chống dịch tả lợn Châu Phi vừa nêu trên địa bàn Lâm Đồng sẽ mang lại hiệu quả cao nhất khi mọi nơi, mọi lúc đều có sự hợp tác tích cực giữa người chăn nuôi và các cơ quan chuyên trách ở địa phương.
THÁNG 9/2019