Thứ Ba, 9 tháng 7, 2019

Để phát triển bền vững ngành dâu tằm tơ


VĂN VIỆT
Lâm Đồng vừa thông qua kế hoạch phát triển bền vững ngành dâu tằm tơ trong 5 năm tới, trong đó tập trung đánh giá, phân tích thực trạng, xác định các nhóm giải pháp tương ứng để hoàn thành các mục tiêu đề ra.

Thống kê hiện nay, toàn tỉnh Lâm Đồng đang phát triển khoảng 6.800ha diện tích đất sản xuất cây dâu tằm, chiếm gần 70% diện tích cây dâu tằm cả nước. Hàng năm đạt sản lượng thu hoạch gần 124.700 tấn lá dâu, 9.000 tấn kén và chế biến gần 1.200 tấn tơ. Công nghệ chế biến tơ lụa Lâm Đồng ngày càng được đầu tư nâng cấp lắp đặt với 50 dãy ươm tơ tự động, đạt 80% sản phẩm tơ cấp cao và 20% tơ thủ công. Công nghiệp dệt lụa, công nghiệp dệt may từ lụa tơ tằm đạt lần lượt mỗi năm lần lượt 5 triệu mét và 200.000 sản phẩm. Ước có hơn 14.000 nông hộ trồng dâu nuôi tằm, cung cấp ổn định cho khoảng 150 cơ sở thu mua kén tằm, 22 cơ sở ươm tơ dệt lụa. “Nghề trồng dâu nuôi tằm của tỉnh Lâm Đồng đã khôi phục và có chiều hướng phát triển nhanh về diện tích, sản lượng kén tằm, tơ lụa. 
Chất lượng kén tằm được nâng lên, cơ bản đáp ứng yêu cầu ươm tơ chất lượng cao phục vụ nhu cầu tiêu dùng nội địa và xuất khẩu. Hiệu quả sản xuất ngành dâu tằm Lâm Đồng mang lại cho người dân tăng thêm thu nhập so với sản xuất một số cây trồng, vật nuôi khác, bởi nguồn vốn đầu tư ban đầu thấp, vòng quay nguồn vốn nhanh và tận dụng được nguồn lao động nhàn rỗi… ”, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng đánh giá.
Cũng theo Sở Nông nghiệp Phát triển nông thôn Lâm Đồng, ngành dâu tằm tơ Lâm Đồng đang phát triển quy mô hàng đầu của cả nước, góp phần lớn trong việc thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, tăng thu nhập cho người lao động, ổn định cuộc sống cho người dân địa phương. Tuy nhiên đối diện phía trước vẫn nhiều khó khăn và vướng mắc. Đó là công tác quản lý nhà nước về sản xuất, kinh doanh trứng giống tằm trên địa bàn Lâm Đồng chưa thực sự phát huy. Phần lớn trứng giống tằm nhập từ Trung Quốc theo đường tiểu ngạch thiếu kiểm soát chất lượng; trong khi đó việc đầu tư nghiên cứu sản xuất trứng tằm giống trong nước nói chung, trong tỉnh Lâm Đồng nói riêng vẫn chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra về chất lượng và hiệu quả. Tình trạng bệnh hại trên cây dâu, con tằm còn xảy ra nhiều nơi, gây tổn thất lớn cho năng suất lá dâu và sản lượng kén tằm. Sản phẩm dâu tằm tơ chủ yếu tiêu thụ tự phát, thiếu những mô hình liên kết quy mô lớn gắn sản xuất với tiêu thụ. Nguồn vốn hạ tầng cơ sở  ngành dâu tằm tơ Lâm Đồng còn hạn hẹp, phần lớn huy động từ các nguồn lực xã hội hóa, dẫn đến thiếu đồng bộ để đầu tư tạo ra những bước đột phá mới.
Để khắc phục những khó khăn, hạn chế nêu trên, Lâm Đồng xác định 5 nhóm giải pháp phát triển bền vững ngành dâu tằm tơ trong 5 năm tới gồm: tăng cường nghiên cứu sản xuất, chủ động nguồn giống trứng tằm, chuyên môn hóa các cơ sở nuôi tằm con, ưu tiên chuyển đổi những giống cây dâu được công nhận tại Việt Nam như S7- CB, TBL-03, VA- 201, TBL-05; mở rộng liên kết, phát triển vùng nguyên liệu gắn với nhà máy ươm tơ, dệt lụa,  phát triển làng nghề trồng dâu nuôi tằm gắn với du lịch để quảng bá sản phẩm; thu hút các thành phần kinh tế có năng lực để đầu tư các vùng nguyên liệu dâu tằm ổn định; hỗ trợ chuyển đổi diện tích đất lúa 1 vụ, đất trồng cây công nghiệp dài ngày kém hiệu quả sang trồng cây dâu tằm; khuyến khích hỗ trợ các đơn vị xúc tiến thương mại, quảng bá thương hiệu trong và ngoài nước.
Triển khai đồng bộ 5 nhóm giải pháp vừa nêu, ngành dâu tằm tơ Lâm Đồng phấn đấu đạt được các mục tiêu cụ thể đến năm 2023 là: ổn định 8.500ha diện tích dâu lai, 2.000ha dâu ứng dụng công nghệ cao, tổng sản lượng 210.000 tấn lá dâu. Cung cấp đầy đủ nguồn giống tằm chất lượng cao, trong đó chiếm ít nhất 30% nguồn giống sản xuất trong nước. Sản lượng tơ tằm 1.900 tấn, kén tằm 14.500 tấn.
Hình thành ban đầu 3 mô hình liên kết liên huyện sản xuất theo chuỗi giá trị sản phẩm gắn với thị trường tiêu thụ ở Đức Trọng- Lâm Hà- Đam Rông, Di Linh- Bảo Lâm- thành phố Bảo Lộc và Đạ Huoai- Đạ Tẻh- Cát Tiên.  
 Những vùng nguyên liệu dâu tằm trồng mới trên diện tích kém hiệu quả chuyển đổi từ các loại cây điều, lúa 1 vụ, mía ở 4 huyện Đam Rông, Đạ Huoai, Đạ Tẻh, Cát Tiên, cây công nghiệp dài ngày ở 4 huyện Đức Trọng, Lâm Hà, Di Linh, Bảo Lâm và thành phố Bảo Lộc.   
Hy vọng những giải pháp phát triển bền vững ngành dâu tằm tơ 5 năm tới đạt và vượt các chỉ tiêu nêu trên, làm điểm xuất phát mới để xây dựng Lâm Đồng sớm trở thành trung tâm sản xuất dâu tằm tơ cả nước. /.
THÁNG 7/2019