Thứ Hai, 6 tháng 5, 2019

Đưa rau vào hợp tác xã


VĂN VIỆT
Nhiều nông hộ ở xã N'Thol Hạ, Đức Trọng đã cùng nhau thỏa thuận, phân công sản xuất các loại rau theo mô hình hợp tác xã kiểu mới, bước đầu mang lại những giá trị kinh tế gia tăng đáng kể.

Luân canh theo quy trình VietGAP
Buổi trưa cuối tháng 4/2019, phóng viên đến thôn Sê Đăng, xã N’Thol Hạ, huyện Đức Trọng tiếp cận với vườn rau VietGAP sản xuất liên kết theo mô hình hợp tác xã. Vườn rộng gần 15.000m2, phóng viên đến chờ đầu vườn còn chủ nhân đang thu hoạch ở cuối vườn nên gọi nhau mười mấy phút sau mới gặp mặt. Sau cái bắt tay nhiệt tình tiếp phóng viên, chủ vườn Vũ Hữu Thể (46 tuổi) cho biết đang thu hoạch hàng trăm ký dưa leo sạch, tập kết ở đầu vườn  để chất lên xe tải vận chuyển đến nơi tiêu thụ. Đây là vườn dưa leo đã xuống giống theo hình thức cuốn chiếu 2 tháng một lứa nên thu hoạch đều đặn mỗi ngày. Thời vụ chăm sóc dưa leo theo quy trình VietGAP ở đây kéo dài trên dưới 60 ngày, sau đó bước vào thời gian thu hoạch liên tục trong một tháng. “ Cũng như các lứa rau khác, lứa dưa leo này, nông hộ chúng tôi thu hoạch và phân loại ban đầu, sau đó tập trung về hợp tác xã phân loại thêm một lần nữa và đóng gói trước khi chuyển đi phân phối hệ thống siêu thị và các khu chợ nông sản trong nước. Tùy theo hình dạng, kích thước, màu sắc mỗi sản phẩm, mỗi ký dưa leo của nông hộ chúng tôi đưa vào hợp tác xã để bán ra với giá mỗi ký từ 3- 5.000 đồng thời điểm tháng 4/2019”, anh Vũ Hữu Thể, chủ khu vườn này nói.
Cũng theo lời anh Vũ Hữu Thể, tổng diện tích gần 15.000m2 dưa leo trồng ngoài trời ở thôn Sẽ Đăng, xã N’Thol Hạ nói trên được nông hộ của anh luân canh sau một năm trồng cây xà lách mỡ. Và trước đó nữa là trồng chuyên canh hoa lay ơn cắt cành và thu hoạch củ giống thương phẩm. Trong đó thời gian chính thức trồng rau theo mô hình hợp tác xã kiểu mới được tiến hành trong hai năm qua, phần lớn sản phẩm đầu ra ổn định, lợi nhuận đảm bảo giá trị gia tăng hàng năm. “ Khác với hình thức sản xuất cá thể, sản xuất theo mô hình kinh tế tập thể phải thực hiện theo kế hoạch của hợp tác xã về thời vụ, chủng loại sản phẩm, quy trình chăm sóc theo tiêu chuẩn VietGAP… ”, chủ vườn Vũ Hữu Thể cho biết. Điều này phản ánh đúng thực tế tiếp cận của phóng viên tại khu vườn. Đó là cây dưa leo được trồng, chăm sóc sinh trưởng trên màng phủ nông nghiệp để ngăn chặn côn trùng xâm hại; vận hành hệ thống tưới nước tự động phun mưa trên khắp khu vườn; làm sạch cỏ trên từng luống dưa leo bằng cuốc, xẻng; tuyệt đối không sử dụng thuốc hóa học diệt cỏ; thu hái dưa leo chọn lựa từng quả bằng tay và có thể ăn tươi tại chỗ vì cam kết đảm bảo an toàn thực phẩm…
Rau sơ chế, tiêu thụ một đầu mối
“Nông hộ Vũ Hữu Thể là 1 trong 15 nông hộ thành viên của Hợp tác xã Sản xuất rau an toàn Hội Toàn chúng tôi, tập trung phần lớn khu vực sản xuất nông nghiệp của thôn Sê Đăng, xã N Thol Hạ, huyện Đức Trọng… ”, Giám đốc Hợp tác xã Trương Văn Hội giới thiệu với phóng viên ngay giữa đồng rau hợp tác. Thống kê sau 2 năm thành lập, Hợp tác xã Hội Toàn đã tập hợp 15 nông hộ sản xuất trên 17ha diện tích rau VietGAP ở xã N’Thol Hạ, huyện Đức Trọng vừa nêu. Trong đó riêng Giám đốc Hội sản xuất với tư cách nông hộ thành viên khoảng 3ha. Hình thức tổ chức triển khai sản xuất theo mô hình kinh tế tập thể ở đây luôn nối tiếp luân canh theo thời vụ. Hàng năm sau khi khai thác, thiết lập hợp đồng đầu ra, Hợp tác xã Hội Toàn tổ chức cuộc họp toàn thể nông hộ liên kết để bàn bạc thông qua kế hoạch sản xuất phù hợp. Cụ thể tập thể nông hộ liên kết cùng thống nhất phân công nhau sản xuất theo từng thời vụ tương ứng với từng lứa rau, đảm bảo sản lượng mặt hàng theo hợp đồng. Hàng ngày nông hộ bắt buộc phải ghi nhật ký về liều lượng tưới nước, bón phân, làm sạch cỏ…; hàng tuần chịu sự kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ bởi nhân viên kỹ thuật của Hợp tác xã và của đối tác tiêu thụ bám sát trên đồng rau. Toàn bộ sản lượng rau thu hoạch tập trung về đầu mối Hợp tác Hội Toàn để sơ chế, phân loại và vận chuyển đến nơi tiêu thụ trong ngày. Bên cạnh thị trường tiêu thụ ở hệ thống siêu thị trong nước, thương rau sạch Hội Toàn, Đức Trọng còn cung cấp cho các chợ nông sản đầu mối trong và ngoài tỉnh Lâm Đồng. 
“Vào Hợp tác xã sản xuất rau an toàn Hội Toàn kiểu mới của chúng tôi với mục đích xuyên suốt là tập trung điều hành chung một pháp nhân kinh tế tập thể để nông hộ được ứng trước nguồn vốn mua giống rau chất lượng, hỗ trợ kỹ thuật, phân công sản xuất theo hợp đồng, tiêu thụ dài hạn sản phẩm thu hoạch, đồng thởi thụ hưởng toàn bộ lợi nhuận canh tác trên diện tích đất thuộc quyền sử dụng của riêng mình. Mọi nông hộ đều được cơ hội tự nguyện thỏa thuận tham gia sản xuất liên kết theo mô hình hợp tác xã kiểu mới của chúng tôi…”, Giám đốc Trương Văn Hội chia sẻ.
Quân bình trong 2 năm thành lập, Hợp tác Sản xuất rau an toàn Hội Toàn tiêu thụ sản phẩm rau các loại của 15 nông hộ thành viên mỗi ngày từ 500 kg đến 1.000kg. Hạch toán trung bình trên mỗi hecta sản xuất mỗi năm 3 lứa rau luân canh ngoài trời ở Hợp  tác xã Sản xuất rau an toàn Hội Toàn, Đức Trọng đạt lợi nhuận khoảng 400 triệu đồng. 
Con số lợi nhuận này vượt lên gấp nhiều lần so với canh tác cà phê già cỗi trước đó trên cùng diện tích. Bởi vậy, thương hiệu rau sạch Hội Toàn, Đức Trọng đang tạo ra một nền tảng xuất phát khá thuận lợi để mở rộng quy mô sản xuất liên kết gắn với thị trường cạnh tranh, nâng cao hơn nữa nguồn thu nhập cho nông hộ ở vùng phụ cận này của Đà Lạt. /.
THÁNG 5/2019