Thứ Tư, 8 tháng 5, 2019

Ngày càng nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể


VĂN VIÊT
Sau 15 năm phát triển kinh tế tập thể theo Nghị quyết 13 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Lâm Đồng đã đạt những thành tựu quan trọng, tạo nền tảng bứt phá cho giai đoạn mới phát triển hiệu quả cao hơn nữa cả bề rộng lẫn bề sâu, đóng góp tích cực vào tỷ trọng tăng trưởng chung của nền kinh tế địa phương.

Tăng 200 HTX nông nghiệp với hơn 2.000 thành viên
Thống kê đến nay toàn tỉnh Lâm Đồng có 315 hợp tác xã (HTX) đang hoạt động, trong đó chiếm nhiều nhất trên lĩnh vực nông nghiệp (225 HTX), kế tiếp gồm HTX hoạt động các lĩnh vực tín dụng nhân dân, công thương, còn lại HTX dịch vụ du lịch, giao thông vận tải, xây dựng…với tổng số thành viên hơn 63.600 người…So với 15 năm trước, toàn tỉnh Lâm Đồng tăng gần 215 HTX và gần 11.500 thành viên. Đặc biệt trên lĩnh vực nông nghiệp tăng gần 200 HTX và hơn 2.000 thành viên. Hoạt động rõ nét của HTX nông nghiệp ở Lâm Đồng chủ yếu cung ứng giống cây trồng, vật nuôi, phân bón, thức ăn gia súc, hướng dẫn kỹ thuật…Tính riêng 15 HTX nông nghiệp trong năm vừa qua đã bán trả chậm cho nông hộ thành viên khoảng 4.000 tấn phân bón các loại. Với hoạt động đầu ra, toàn tỉnh Lâm Đồng có gần 70 HTX tiêu thụ rau, củ, quả các loại hơn 60.000 tấn mỗi năm. Các HTX tổ chức tốt việc bao tiêu sản phẩm rau, củ, quả cho thành viên. Bên cạnh đó, các HTX còn tổ chức dịch vụ tư vấn, tìm kiếm các doanh nghiệp, thương nhân ký hợp đồng thỏa thuận bao tiêu nông sản trực tiếp với nông hộ thành viên.
Nếu như trước năm 2012, không có HTX nào ở Lâm Đồng tiêu thụ cà phê cho thành viên thì đến đầu năm 2013 khi thành lập và đi vào hoạt động, HTX cà phê Lâm viên ở Di Linh đã triển khai thu mua sản phẩm cà phê trên địa bàn 6 xã lân cận với 125 hộ thành viên, tổng doanh thu khoảng 3 tỷ đồng- tương đương 330 tấn cà phê/vụ.  Hoặc các huyện phía Nam của Lâm Đồng như: Cát Tiên, Đạ Tẻh, Đạ Huoai khi Luật Hợp tác xã năm 2012 có hiệu lực, số HTX thành lập tăng nhanh và đi vào hoạt động tích cực trong lĩnh vực sản xuất, cung cấp lúa giống như HTX Trung Thành liên kết với Công ty lúa giống Miền Trung, HTX Tân Hưng Phát cung ứng lúa giống cho Công ty giống cây trồng Đông Nam, HTX Quyết Tâm với thương hiệu Nếp quít Đạ Tẻh liên kết các doanh nghiệp tiêu thụ gạo nếp và gạo cao sản cho 90 thành viên với diện tích 500 ha…
Đáng kể trong năm vừa qua, hoạt động tín dụng trong toàn tỉnh Lâm Đồng có 12 HTX cho 600 nông hộ vay khoảng 25 tỷ đồng chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi, góp phần hạn chế nạn cho vay lãi cao bên ngoài. Tiêu biểu như HTX nông nghiệp Hiệp Phát cho 100 hộ vay 5 tỷ đồng; HTX nông nghiệp Đông Di Linh cho 47 lượt hộ vay 1,3 tỷ đồng, HTX  nông nghiệp Tân Sơn cho 72 hộ vay 03 tỷ đồng …
HTX là nhân tố quan trọng trong phát triển kinh tế- xã hội
“Đa phần các HTX nông nghiệp ở Lâm Đồng hoạt động tốt trong công tác tuyên truyền, tập huấn, tổ chức hội thảo đầu bờ về chăm sóc, áp dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất và chăn nuôi cho thành viên. Nhiều mô hình hợp tác xã chăn nuôi heo, cá nước ngọt, bò thịt… theo tiêu chuẩn VietGAP mang lại hiệu quả cao. Đặc biệt nhiều mô hình HTX nông nghiệp được thành lập mới hoạt động đa dạng như du lịch canh nông, trồng rau, hoa các loại, tổ chức sản xuất, đóng gói và tiêu thụ sản phẩm, dịch vụ đầu vào và đầu ra trong sản xuất, liên kết theo chuỗi giá trị sản phẩm, đăng ký thương hiệu ..”, đánh giá của Tỉnh ủy Lâm Đồng cho biết thêm.
Cũng theo đánh giá của Tỉnh ủy Lâm Đồng, qua 15 năm phát triển kinh tế tập thể tại tỉnh Lâm Đồng đã có sự phát triển vượt bậc. Đó là thay đổi nhận thức về kinh tế tập thể từ cấp ủy, cơ quan, đoàn thể và trong nhân dân; thay đổi về tổ chức bộ máy quản lý, phương thức lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, cơ quan từ tỉnh xuống huyện, thành phố, thị trấn, xã, phường. Số lượng và chất lượng HTX ngày càng phát triển mạnh hơn. Quy mô kinh tế tập thể ngày càng lớn, hoạt động trong nhiều ngành nghề và lĩnh vực khác nhau, hình thành các Liên hiệp HTX. Phương thức hoạt động, sản xuất kinh doanh phù hợp với xu thế hội nhập quốc tế, trong đó liên kết tạo thành chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm trở thành một phương thức tất yếu; ứng dụng tin học, công nghệ cao, điều khiển học hiện đại, đổi mới sáng tạo; doanh thu và lợi nhuận ngày càng lớn, hỗ trợ hàng chục nghìn hộ nông dân tham gia chuỗi giá trị làm ăn hiệu quả; nâng cao trình độ quản lý kinh tế tập thể; đóng góp vào sự phát triển GRDP và ngân sách địa phương, giải quyết nhiều việc làm cho người dân.
Mục tiêu đến năm 2025, toàn tỉnh Lâm Đồng phát triển thành 500 HTX và 04 Liên hiệp HTX. Trong đó nâng tỷ lệ HTX khá giỏi lên trên 60%, không còn mô hình HTX tồn tại hình thức. Phấn đấu 70% cán bộ quản lý HTX được bồi dưỡng kiến thức về HTX. 
Để đạt mục tiêu này, Lâm Đồng xác định các giải pháp trọng tâm phối hợp triển khai gồm: tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ nâng cao hiệu quả hoạt động của kinh tế tập thể, xây dựng và nhân rộng mô hình Hợp tác xã kiểu mới; rà soát, đánh giá nhu cầu đất xây dựng trụ sở, kho bãi, cơ sở chế biến, liên kết sản xuất, mở rộng thị trường; đẩy mạnh ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học, kỹ thuật mới vào sản xuất, bảo quản và chế biến nông sản; xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu hàng hóa; kịp thời phát hiện, biểu dương, khen thưởng, nhân rộng các mô hình hợp tác xã, tổ hợp tác hoạt động có hiệu quả; khẳng định kinh tế tập thể, hợp tác xã là nhân tố quan trọng, góp phần phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương./.
THÁNG 5/2019