VĂN VIỆT
5 tháng đầu năm 2019, Ban Quản lý Rừng phòng hộ Tà Nung đã
triển khai 4 đợt giải tỏa, thu hồi hơn 22.500m2 đất lâm nghiệp bị lấn
chiếm trái phép để trồng cà phê và hoa màu.
Trước đó cả năm 2018, Ban Quản lý Rừng phòng hộ Tà Nung đã được
đánh giá “hoàn thành tốt nhiệm vụ” trong lâm phần quản lý của mình, bởi số vụ
và khối lượng vi phạm pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng giảm lần lượt so với
năm 2017 là 63% và 94%.
Được giao quản lý, bảo vệ và phát triển trên tổng diện tích
hơn 7.380 ha rừng, phân bổ 12 tiểu khu thuộc địa bàn thành phố Đà Lạt và huyện
Lạc Dương, đến nay, Ban Quản lý Rừng phòng hộ Tà Nung đã phối hợp với lực lượng
kiểm lâm, ban lâm nghiệp phường, xã thường xuyên tuần tra, phát hiện và ngăn chặn
kịp thời tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp trái phép, kết quả đã
không để xảy điểm nóng với hệ lụy khó lường.
Đáng kể trong nhiệm vụ trồng rừng thay thế ở Ban Quản lý Rừng
phòng hộ Tà Nung trong năm 2018 đạt gần 46,5ha và năm 2019 đã hoàn thành hồ sơ
thiết kế hơn 21ha. Đồng thời trong 2 năm này, Ban Quản lý Rừng phòng hộ Tà Nung
lập hồ sơ giao khoán quản lý bảo vệ rừng lần lượt gần 4.017ha (134 hộ dân, 3 tập thể) và hơn 3.900ha (140 hộ
dân, 3 tập thể).
Tuy nhiên, đồng hành với nhiều kết quả như vậy, Ban Quản lý Rừng
phòng hộ Tà Nung đã và đang đối diện với không ít vướng mắc, khó khăn. Đó là phần
lớn đối tượng lấn chiếm đất lâm nghiệp trái phép là các hộ dân thiếu đất sản xuất,
nên việc áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả sau xử phạt hành chính chưa được
triệt để. Trong khi đó, chính quyền địa phương vẫn thường lúng túng trong phối
hợp kiểm tra, xử lý vi phạm, còn chậm cưỡng chế thu hồi các diện tích đất lâm
nghiệp đã lấn chiếm, thậm chí để tái lấn chiếm sau khi giải tỏa.
Để sớm tháo gỡ và khắc phục những khó khăn, vướng mắc nêu
trên, thiết nghĩ chính quyền địa phương nằm trong lâm phần Ban Quản lý Rừng
phòng hộ Tà Nung cần tăng cường hơn nữa công tác phối hợp tuyên truyền, nâng
cao ý thức quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trong cộng đồng dân cư; bên cạnh
đó phải cấp thiết triển khai nhiều phương án hỗ trợ phát triển sản xuất, bảo đảm
cho hộ nghèo, cận nghèo ổn định sinh kế, từ đó góp phần giảm thiểu và đi đến chấm
dứt tình trạng vào rừng lấn chiếm đất để lập vườn thu hoa lợi trái phép như đã
xảy ra…
THÁNG 5/2019