Thứ Tư, 29 tháng 5, 2019

Rau hợp đồng với cơ chế giá linh hoạt ở Hiệp An


VĂN VIỆT
Triển khai hình thức sản xuất rau VietGAP theo hợp đồng với chế giá linh hoạt, HTX Nông nghiệp An Phú ở xã Hiệp An, Đức Trọng đã phát huy quyền tự chủ lựa chọn của nông hộ trong và ngoài thành viên, qua đó nâng cao năng lực cạnh tranh bao tiêu nâng cao giá trị nông sản trên địa bàn.

Liên kết sản xuất, tiêu thụ theo hợp đồng 7.000 tấn rau/năm
Cuối tháng 5/2019, phóng viên đến HTX Nông nghiệp An Phú ở xã Hiệp An, Đức Trọng khi đang khởi động dự án mở rộng liên kết sản xuất, sơ chế và tiêu thụ các loại theo hợp đồng trên địa bàn 3 huyện Đức Trọng, Đơn Dương và Lâm Hà. Dự án được UBND tỉnh Lâm Đồng phê duyệt triển khai giai đoạn đến cuối năm 2020 với tổng kinh phí hơn 8,3 tỷ đồng. Trong đó ngân sách nhà nước hỗ trợ 3 tỷ đồng, vốn đối ứng của HTX và hộ dân liên kết 5,3 tỷ đồng. Cụ thể ngân sách nhà nước tỉnh Lâm Đồng hỗ trợ HTX từ 30% đến 100% kinh phí thực hiện các nội dung xây dựng phương án, kế hoạch sản xuất kinh doanh, phát triển hợp đồng; xây dựng nhà xưởng, mua sắm máy rửa rau, đóng gói tự động, bảo quản sản phẩm; đào tạo tập huấn về sản xuất liên kết đối với nông hộ và nhân viên HTX; chuyển giao khoa học kỹ thuật sản xuất theo quy trình VietGAP…
“Mục tiêu dự án của HTX nông nghiệp An Phú đến cuối năm 2019 liên kết 29 nông hộ sản xuất trên 25ha rau các loại, đạt tổng sản lượng 3.500 tấn rau tiêu thụ theo hợp đồng. Kết quả này đến cuối năm 2020 tiếp tục tăng lên 60 nông hộ sản xuất 40ha, thu hoạch 7.000 tấn rau, đạt 100% sản phẩm được đóng gói, dán nhãn và tem truy xuất nguồn gốc trước khi cung ứng ra thị trường…”, ông Lê Văn Ba, Giám đốc HTX nông nghiệp An Phú cho biết thêm. 
Mở rộng diện tích rau hợp đồng “giá trước” và “rau”
Thực tế đến nay, HTX nông nghiệp An Phú đã liên kết với khoảng 30 nông hộ trong và ngoài thành viên HTX ổn định sản xuất theo chuỗi giá trị sản phẩm với hơn 17ha các loại rau VietGAP ở huyện Đức Trọng và các địa bàn lân cận. Hình thức liên kết ở đây với cơ chế giá linh hoạt ấn định từ đầu năm sản xuất hoặc theo mức giá cao nhất của thị trường từng thời điểm. Chẳng hạn bước vào đầu năm kế hoạch 2019, HTX nông nghiệp An Phú ký hợp đồng với các đối tác tiêu thụ với khoảng 300 tấn rau/tháng để phân bố kế hoạch sản xuất đến từng nông hộ liên kết. Trong đó ưu tiên cho nông hộ thành viên HTX đăng ký trước, tiếp theo triển khai đến nông hộ sản xuất cá thể bên ngoài HTX. Sau đó HTX tổ chức đàm phán ký hợp đồng trực tiếp sản xuất và bao tiêu sản phẩm phù hợp vối điều kiện, năng lực sản xuất từng nông hộ. Điển hình như hợp đồng giữa HTX nông nghiệp An Phú do Giám đốc Lê Văn Ba (bên A) ký với nông hộ Lê Quốc Huy (bên B) ở xã Hiệp An, Đức Trọng đã thể hiện:  Bên B cam kết bán nông sản cho bên A theo quy cách và số lượng đã thỏa thuận, thời hạn thanh toán mỗi tháng 2 lần vào ngày 5 và ngày 20. Giá bao tiêu ổn định cả năm 2019 với 29.000 đồng/kg ớt chuông baby, 16.000 đồng/kg cà chua beef, 6.000 đồng/kg bí ngòi xanh mùa mưa và 8.000 đồng/kg bí ngòi xanh mùa khô…Hoặc hình thức bao tiêu sản phẩm theo hợp đồng giữa HTX Nông nghiệp với các nông hộ theo cơ chế giá thị trường cao hơn mức giá bình quân chung “lập đỉnh” đến 30%, nhưng bắt buộc phải đảm bảo sản lượng theo thời gian quy định, đồng thời chất lượng sản phẩm phải đạt theo tiêu chuẩn VietGAP. Từ kết quả sản xuất liên kết trong 5 tháng đầu năm 2019 với các hình thức bao tiêu sản phẩm theo giá linh hoạt như vậy, HTX Nông nghiệp An Phú ước tính lợi nhuận của nông hộ liên kết trong và ngoài thành viên từ 100- 120 triệu đồng/1.000m2 nhà kính/8 tháng…
Đặc biệt đối với toàn bộ diện tích đất sản xuất của nông hộ liên kết ở HTX Nông nghiệp An Phú, Đức Trọng đến nay đều thực hành theo quy trình VietGAP dưới sự hướng dẫn, chuyển giao trực tiếp của một chuyên gia nông nghiệp đến từ Israel. Chuyên gia làm việc và hưởng lương tại HTX Nông nghiệp An Phú, Đức Trọng trong thời gian một năm, sau đó trở về nước Israel vẫn giữ kết nối thường xuyên qua internet để tư vấn miễn phí về những kỹ thuật sản xuất mới theo xu hướng chuỗi giá trị nông sản toàn cầu, tiếp tục nâng cao giá trị gia tăng. 
“ Để phát triển hơn nữa sản xuất rau liên kết theo nhu cầu thị trường cạnh tranh, HTX nông nghiệp An Phú luôn chú trọng đến giải pháp chuyển giao khoa học kỹ thuật mới gắn với cơ chế giá đầu ra linh hoạt, hướng đến mục tiêu đạt tỷ lệ ngày càng cao sản lượng rau thu hoạch theo hợp đồng,  lợi nhuận ổn định trên từng đơn vị diện tích đất của nông hộ trong và ngoài thành viên HTX ở các vùng nông nghiệp phụ cận Đà Lạt…”, Giám đốc Lê Văn Ba chia sẻ. /.
THÁNG 5/2019