Thứ Năm, 5 tháng 4, 2018

Xem rồng nơi hạ giới


Ghi chép VĂN VIỆT
Trở lại Hạ Long sau 20 năm ùa về môt khoảng trời kỷ ức miên man, dịu vợi. Đây Bãi Cháy, Hòn Gai, Vân Đồn, tất cả đã tạo dựng lên mình một diện mạo mới văn mình, hiện đại. Mở tầm mắt ra vịnh Hạ Long, Bái Tử Long, từng dãy núi, cụm núi, hòn núi bồng bềnh, nhấp nhô trên kỳ quan biển cả, kết nối hình dáng rồng thiêng khổng lồ chở che, bao bọc một dải đất vùng mỏ thân thương đất Việt...

20 năm trước đồng nghiệp bố trí cho tôi nghỉ ngơi ở một khách sạn hạng sang ở lưng chừng con dốc thuộc khu vực biển Bãi Cháy của đô thị Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh. Đêm dạo gót dọc theo eo biển Bãi Cháy còn hoang sơ, nghe tiếng sóng êm êm lăn dài bờ cát. Sáng ra đón chiếc phà qua bên kia eo biến Hòn Gai hơn 30 phút cập bến dạo phố, ngắm dáng rồng uốn lượn tuyệt tác của di sản thiên nhiên thế giới. Trưa du thuyền vòng quanh qua Hòn Chó Đá, Hòn Lư hương, Hòn Trống Mái, ghé Động Thiên Cung, Hang Đầu Gấu nghe thông điệp hàng trăm triệu năm kiến trúc hội họa, tạo hình theo từng giọt nhũ đá. Trưa lên bờ thưởng thức hải sản mới đưa từ biển lên tươi roi rói. Nào con ngán hấp hành phi thơm phức, con ốc lụa luộc nước dừa trắng ngọt, con mực nan, mực ống xào, nấu canh chua chua, ngon làm sao là ngon...."20 năm trước, lưu thông qua lại Bãi Cháy và Hòn Gai bằng 2 chiếc phà hoạt động ngày đêm. Mỗi chuyển hàng trăm người cùng phương tiện giao thông các loại. ..", đồng nghiệp tôi nhớ lại. Tôi bồi hồi: "Thời đó thẻ nhà báo được xếp hàng ưu tiên qua phà miễn phí. Ở Hạ Long mấy ngày, sáng nào mình cũng dậy sớm đi bộ bên bờ biển Bãi Cháy, bước lên những hòn đá cuội bằng ngón tay như ấn huyệt dưới gan bàn chân không biết mỏi. Rồi lên “sân” phà hòa mình giữa làn nước trong xanh như ngọc, phong cảnh bốn bề hình dáng rồng ngự trị hạ giới, qua Hòn Gai và trở lại Bãi Cháy ngắm bình mình và ngắm cả hoàng hôn đi về trên biển biếc, nghe lại những câu chuyện huyền diệu của thiên nhiên, trong đó thấp thoáng gợi mở thông điệp khát vọng hóa rồng của đất Việt hàng ngàn năm lịch sử dựng xây..."
Truyền thuyết rồng bay xuống nơi hạ giới Quảng Ninh được Ngọc Hoàng cho phép ở lại lấy thân hóa đá núi làm bức tường thành vững chãi giúp dân chúng đất Việt giữ yên bờ cõi và tôn tạo non sông gấm vóc trường tồn- được cô hướng dẫn viên du lịch truyền thụ lại với giọng nói vùng than chân chất và thanh lịch, dịu dàng. Hai mươi năm trước, cô hướng dẫn viên du lịch vừa kể mới chỉ là cô bé thiếu niên. Giờ ôn lại truyền thuyết rồng hạ giới, tôi nhớ cô hướng dẫn viên du lịch 20 năm trước không biết đã chuyển sang làm việc khác hay vẫn tiếp tục làm người “sứ giả” du lịch cho khách bốn phương, an nhiên không màng đến tuổi tác đã nhiều. Dẫu hoàn cảnh làm sao, công việc thay đổi như thế nào thì cuộc sống vẫn là một dòng chảy không ngừng nghỉ, “chuyên chở” tuổi xuân trôi đi theo vòng xoay năm tháng, đi đến ở quãng đời nào cũng vẫn vô cùng mến thương, trân trọng. Như mấy buổi chiều lưu lại Hạ Long sau 20 năm, mỗi chuyển du thuyền từ biển về bờ, ngả lưng trong khách sạn hạng sao bên bờ Hòn Gai, tôi lại thao thiết nhớ về con dốc Bãi Cháy ấy, con dốc đã cũ mòn đi vì sự biến đổi đô thị hoá, thiết kế mới không gian một thành phố xinh đẹp, hài hòa bên tuyệt phẩm đất trời sắp đặt từng ngọn núi, dãy núi đá vĩnh cửu nổi trên biển Hạ Long bao la hình rồng....
 Nằm vắt ngang trước đô thị tăng tốc phát triển, kỳ quan rồng Hạ Long án ngữ thành phên dậu nối dài vùng biển từ thành phố Hạ Long qua vùng biển Cẩm Phả để sau đó "neo” lại nơi huyện lỵ Vân Đồn. Một nữ cán bộ hành chính của cơ quan nhà nước tỉnh Quảng Ninh đưa tôi về ngoạn cảnh biển Vân Đồn quê chị, cách trung tâm thành phố Hạ Long ước chừng 50 cây số. Chị kể, hai mươi năm trước, nếu tôi đến đây đã được đi qua bến phà thứ hai của Vịnh Hạ Long để ngắm cụm đảo thuộc phần thân sau cùng của rồng hạ giới. Bến phà nay đã trở thành hoài niệm, nhường chỗ cho một chiếc cầu khang trang, hai làn xe qua lại êm êm như trải lụa. Qua Cẩm Phả và đến Vân Đồn bằng cây cầu vượt biển, từng dãy nhà lầu với xe hơi, trung tâm thương mại, văn hoá thể thao, khách sạn, nhà hàng san sát “tựa vai nhau” bên bờ biển ngọc, hàng ngày mở cửa ra mặt đường buôn bán đa dạng mặt hàng sầm uất, thịnh vượng. Điểm dừng chân của tôi hôm đó được dâng hương lễ Phật trên chùa Giác Tâm. Chùa toạ lạc trên đồi cao, bao quanh những hàng cây xanh rợp mát, đặc biệt có hàng hoa tường vi hồng đỏ và tim tím, mở lòng mình một góc nhỏ bâng khuâng. Bên sân chùa, thư thả tâm hồn nhìn xuống Vịnh Bái Tử Long thu về ngập đầy trong mắt quang cảnh rồng thiêng tuyệt trần với non nước, mây ngàn mênh mông, thăm thẳm. " Đã có dự án thông qua việc phát triển huyện Vân Đồn trở thành một đặc khu kinh tế biển của tỉnh Quảng Ninh. Khi triển khai dự án chắc chắn thu hút ngày càng nhiều nhà đầu tư có khả năng tài chính dồi dào để khai thác hiệu quả hơn nữa dịch vụ du lịch biển đảo Bãi Tử Long nói riêng, kinh tế biển huyện Vân Đồn nói chung", chị bạn người gốc Vân Đồn chia sẻ. 
Tôi biết Quảng Ninh năm 2017 vừa rồi vươn lên vị trí "quán quân'" chỉ số cạnh tranh thu hút đầu tư cả nước. Tiềm năng ưu đãi của tuyệt tác thiên nhiên di sản vịnh " rồng hạ giới" được  thế giới công nhận 2 lần với một cơ chế thông thoáng, khuyến khích gọi mời và sự đồng thuận của người dân Quảng Ninh làm nên xứng danh tôn vinh "vương miện" xây dựng và cạnh tranh kinh tế hàng đầu cả nước như vậy. Điều này trong tôi càng thêm ấn tượng với hiện thực cất cánh nơi rồng hạ giới 20 năm trở lại. Sẽ là thiếu sót nếu tôi không ghi lại đây chút công sức và thể hiện tình yêu quê hương thiết thực đóng góp của người đón đưa tôi xem rồng hạ giới đất Quảng Ninh 20 năm ấy- dẫu bây giờ có người "tuổi xuân đã già" gặp lại không đầy đủ do nhiều điều kiện công việc khác nhau hoặc có người đã đi về “nơi xa lắm” mà tôi chỉ được nói một lần cám ơn nhưng chưa một lần tái ngộ.
Lần này chia tay Quảng Ninh một đêm đầu tháng tư năm 2018 trước cửa quán đường nhựa phố Hạ Long thênh thang, tôi cùng mấy người bạn đồng nghiệp hình dung lại nơi đây 20 năm trước mới là một bờ biển Hòn Gai ở dạng tiềm năng thiên nhiên đang còn “say ngủ”, nay quy hoạch và triển khai xây dựng thành một dãy phố to đẹp hơn, nhìn qua khá dễ dàng nhận thấy đang trên đà thịnh vượng đi lên. Đồng nghiệp tôi cho biết, cách chỗ chúng tôi đang ngồi chỉ khoảng 60km là quần đảo Cô Tô thuộc huyện Vân Đồn mang hình dáng một phần thân rồng hạ giới giữa vùng biển Quảng Ninh theo truyền thuyết lưu lại từ ngày xửa ngày xưa. Do lịch trình đã kết thúc, tôi chưa thể đến vùng đảo Cô Tô chiêm ngưỡng “siêu phẩm” núi đá vôi thiên nhiên mang một phần dáng hình rồng hạ giới Quảng Ninh, nên đành hẹn mấy người bạn đồng nghiệp những ngày trở lại - ngày mà tôi mong muốn sẽ không quá dài như 20 năm đã qua khi quỹ thời gian đời mình đang đi qua quá nửa…
Quảng Ninh đầu tháng 4/2018