VĂN
VIỆT
Đi qua những “cánh đồng nội xanh rì,
ôm bóng Tháp Chàm”, tôi về bên dòng sông Gò Bồi thuộc xã Phước Hòa, huyện Tuy
Phước, Bình Định dâng hương thi nhân Xuân Diệu, cảm nhận Xuân Mậu Tuất 2018 “ đang tới, nghĩa
là xuân đang qua”.
Đó
là một căn nhà mái ngói đang dần phủ lên những rêu phong thời gian, bố trí 3
gian phòng thiết kế các khung cửa hình bán nguyệt bên dưới. Trong đó phòng dâng
hương từ ngoài vào bên phía tay trái đặt tượng chân dung bán thân và treo bảng khắc
chữ tóm tắt tiểu sử nhà thơ Xuân Diệu; bên phía tay phải gắn trang trọng trên bức
tường “Chứng nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật cho nhà thơ
Xuân Diệu” do Chủ tịch Nước Lê Đức Anh ký vào ngày 10/9/1996. Bên cạnh đó là Bảng
xếp hạng “Di tích lịch sử cấp tỉnh: Nhà lưu niệm Nhà thơ Xuân Diệu, xã Phước
Hòa, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định” do Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Nguyễn
Văn Thiện ký ngày 20/7/2010. Ngoài ra trong gian phòng này, người tham quan được
chiêm nghiệm bài thơ “Chấp nhận” 20 câu của Xuân Diệu, trong đó 2 câu kết khá ấn
tượng: “ Trong hơi thở chót dâng trời đất. Cũng vẫn si tình đến ngất ngư”.
Đặc
biệt trong tổng diện tích 520m2 khuôn viên nhà lưu niệm, góc sân bên
phải đi vào vẫn còn cây mận phủ tán xanh tốt gắn đầy kỷ niệm với tuổi thơ nhà
thơ Xuân Diệu; bên trái là cây bông sứ do nhà thơ Huy Cận trồng thuở xưa, vào dịpđón
Xuân Mậu Tuất 2018 hoa nở trắng đều trên đọt cành, hương thơm dìu dịu phảng phất
bên bờ sông Gò Bồi.
Dòng
sông Gò Bồi là một nhánh hợp lưu của dòng sông Kôn miền đất võ trời văn Bình Định
hội tụ trước cửa biển đầm Thị Nại trù phú sản vật thiên nhiên. Tận dụng lợi thế
biển bạc, từ xưa người dân Gò Bồi đã truyền nhau kinh nghiệm nghề chế biến các
loại nước mắm đặc sản nổi tiếng trong nước. Nhà thơ Xuân Diệu được sinh thành
bên dòng sông vạn Gò Bồi bởi thân mẫu là “cô làm nước mắm”; thân phụ là ông đồ xứ
Nghệ: “ Cha Đàng Ngoài, mẹ ở Đàng Trong. Hai phía đèo Ngang một mối tơ hồng. ”
Ơn
nghĩa trời biển sinh thành được nhà thơ Xuân Diệu bày tỏ từ sâu thẳm cõi lòng mình:
“ Đội ơn Thầy, Đội ơn Má sinh con. Cám ơn Thầy vượt đèo Ngang bất kể. Cám ơn Má
biết yêu người xứ Nghệ. Nên máu con chung hòa cả hai miền.”
Để
đến hôm nay và mãi mãi về sau, mỗi khi về du xuân bên dòng sông Gò Bồi yên ả
trước cửa biển Quy Nhơn, Bình Định, tôi và muôn người càng cảm thấu nhiều hơn
tình yêu mãnh liệt của tuổi trẻ nhà thơ Xuân Diệu trước mùa xuân căng đầy nhựa
sống của đất trời: “ Xuân đang tới, nghĩa là xuân đang qua. Xuân còn non, nghĩa
là xuân sẽ già…”/.
THÁNG 02/2018