Thứ Bảy, 10 tháng 2, 2018

“Lòng như thầm hỏi, tôi đang nhớ ai…”


VĂN VIỆT
Tôi ra Hà Nội lần này vào thời điểm giáp Xuân Mậu Tuất năm 2018, gói trọn vào lòng cái rét cuối đông và cả chiếc “khăn em bay hiu hiu gió lạnh”. Trong mênh mang những hàng phố ngàn năm, tôi như nghe tiếng thời gian vọng về  và chợt “như thầm hỏi, tôi đang nhớ ai ” với chiều đông ấy…

Bây giờ từ Đà Lạt nơi tôi công tác ra Hà Nội theo đường hàng không chỉ trên dưới 100 phút, nhưng khi trở lại nơi ngàn năm văn hiến cảm giác như chờ đợi lâu lắm một chuyến đường xa. Máy bay đáp xuống phi trường quốc tế Nội Bài khi phố Hà Nội đã lên đèn. Chiếc ô tô sang trọng đón sẵn ở cửa ra phi trường, bước xuống một thanh niên đến xách hành lý và tươi cười đưa tôi đi về hướng trung tâm Hà Nội. “ Dạ mấy năm nay, bạn bè cùng trang lứa chúng em thành lập công ty vận chuyển hành khách từ sân bay Nội Bài về các khu phố trung tâm Hà Nội và ngược lại theo giá thỏa thuận trước khi máy bay cất cánh. Nhưng đến nơi, khách cũng có thể thay đổi lời hẹn để gọi những chiếc ô tô khác phù hợp với mình. Công ty chúng em không được phép để tài xế chèo kéo, chen lấn tranh giành khách mà lựa chọn phương thức cạnh tranh bằng cung cách phục vụ ân cần, uy tín, chất lượng của mình…”, tài xế trẻ của một công ty vận chuyển hành khách trẻ này tâm sự.
Khi ngồi bên trong khung cửa kính, đưa mắt ra bên ngoài vẫn những hàng ô tô dịch vụ nối tiếp nhau vận chuyển hành khách thẳng lối ngay hàng như lúc tôi vừa bước ra khỏi cửa nhà ga sân bay quốc tế Nội Bài. Cuối năm những chuyến bay như hối hả cất cánh và hạ cánh đến và đi từ Nội Bài với các vùng miền trong nước và thế giới, cho thấy sự chuyển mình không ngừng của nền kinh tế cả nước nói chung, của thủ đô Hà Nội nói riêng. “ Sắp đến cây cầu Nhật Tân rồi. Đèn điện thủ đô bắt đầu bật sáng. Anh có thể dùng điện thoại chụp qua cửa kính xe, thu vào hình cây cầu Nhật Tân lung linh ánh điện với 5 nhịp dây văng tượng trưng cho 5 cửa ô và 5 cánh đào Nhật Tân, Hà Nội… ”, nam tài xế trẻ thuyết minh như một hướng dẫn viên du lịch.
Cây cầu Nhật Tân khánh thành và đưa vào sử dụng từ mùa đông 3 năm trước, nối đôi bờ sông Hồng vào ra trung tâm thủ đô Hà Nội. Ven dòng sông Hồng trầm tích hơn 7 năm đã qua, tôi được dịp thong thả bước chân của mình chiêm ngưỡng con đường gốm sứ được ghi vào kỷ lục bức tranh dài nhất thế giới- khoảng 3.850m. Thật cảm kích khi sáng hôm sau gặp Người Hà Nội cho biết, con đường gốm sứ Hà Nội vẫn được giữ gìn gần như nguyên vẹn từ ấy đến giờ.
Giáp Tết nên thời gian gấp gáp, tôi tranh thủ được người bạn Hà Nội dẫn đi ngoạn cảnh buổi sáng Hồ Gươm rét ngọt, nắng vàng ươm như mật. Bạn tôi gọi đó là cảnh giao mùa, những tán bằng lăng trút lá khẳng khiu, những gốc cây gạo sần sùi trong lớp sương giăng mặt hồ, những chiếc lá đỏ với những khoảnh khắc còn lại trên cành…báo hiệu mùa đông đang qua những ngày cuối cùng năm cũ, bàn giao năm mới cho mùa xuân đâm chồi nẩy lộc. “Quanh Hồ Gươm bốn mùa cây lá, mây nước xoay vần những sắc màu đặc trưng, khiến ai đến và xa Hà Nội không thể không mang theo nỗi nhớ riêng- chung của mình. Mấy năm nay, mình thường giành khoảng thời gian nhất định để thu vào ống kính những bức ảnh về Hồ Gươm biến đổi theo thời tiết xuân, hạ, thu, đông trong năm, sau đó kịp đăng trên mạng xã hội mong giúp bạn bè gần xa luôn được cảm nhận Hà Nội vẫn như đang ở bên mình dẫu không gian có cách biệt bao nhiêu… ”, người bạn Hà Nội của tôi chia sẻ. Theo đó, bạn tôi dẫn chứng những cội cây bằng lăng bên Hồ Gươm thu vào góc ảnh khi hè về tím đỏ những chùm hoa, thu đến là chuyển màu vàng óng, đông về cây trút lá ngủ say, dồn hết sinh lực khai hoa nở nhụy trong suốt mùa xuân. Với mặt nước Hồ Gươm quanh năm chan hòa in soi bóng cây, tỏa mát hơi nước, giăng sương mờ ảo, gợn sóng xanh biếc…tạo thành từng bức tranh sinh động bốn mùa, in sâu vào ký ức mọi người đến và đi từ Hà Nội.
Còn khoảng một giờ trước khi ra phi trường Nội Bài làm thủ tục bay về Đà Lạt, tôi trở lại Văn Miếu Quốc Tử Giám tìm kiếm những dấu chân lưu niệm của mình đã nhiều lần đến đây. Đó là những dấu chân nối tiếp những dấu chân ngưỡng vọng bên từng tấm bia đặt trên lưng thần kim quy, trên đó khắc tên vinh danh những người đỗ Tiến sĩ trong gần 300năm (từ năm 1484 đến năm 1780) của các triều đại phong kiến Việt Nam hiện vẫn bảo tồn bền vững với thời gian, được UNESCO công nhận là Di sản tư liệu thế giới. Theo một tài liệu thống kê khoảng hơn 1.300 dòng tên Tiến sĩ đã tạc vào 82 phiến đá Văn Miếu Quốc Tử Giám nêu bật “Hiền tài là nguyên khí của quốc gia. Nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh mà hưng thịnh…”
Trong khoản thời gian hiếm hoi ngày giáp Tết Mậu Tuất 2018, tôi phân bổ vừa đủ khép kín một vòng quanh hơn 80 tấm bia Tiến sĩ ở Văn Miếu Quốc Tử Giám, hình dung những vết dấu chân vẫn còn đâu đó. Như buổi sáng hôm trước dạo quanh Hồ Gươm cùng với người bạn Hà Nội rồi chia tay giữa ngày cuối đông “khăn em bay hiu hiu gió lạnh”, ra về miên man dưới những hàng cây xà cừ cả trăm năm tuổi chạy dọc theo những con đường phố thân quen Kim Mã, Đường Láng, Giảng Võ…, bỗng dưng trong sâu thẳm “lòng như thầm hỏi, tôi đang nhớ ai…” như lời của nhạc sĩ tài hoa Trịnh Công Sơn ghi lại tâm trạng của mọi người, thiết nghĩ không chỉ giành riệng để “Nhớ mùa thu Hà Nội”…
THÁNG 02/2018