Thứ Tư, 28 tháng 2, 2018

Giải pháp cho thời kỳ phát triển mới cà phê


VĂN VIỆT
Nhằm tiếp tục tăng năng suất, ổn định các mối liên kết gắn với chế biến và tiêu thụ, ngành cà phê Lâm Đồng xác định các giải pháp đồng bộ, phù hợp và hiệu quả trong xu hướng phát triển mới cà phê trong nước và thế giới

Năng suất cà phê Việt Nam cao gấp 3 lần thế giới
Theo tiến sĩ Nguyễn Đỗ Anh Tuấn (Viện Chính sách và chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn), hiện nay diện tích cà phê cả nước đạt gần 605.000ha, tăng gần 30 lần so với 30 năm về trước. Và với năng suất bình quân gần 2,5 tấn/ha, cà phê Việt Nam cao hơn gấp 3 lần so với năng suất cà phê thế giới. Thị trường xuất khẩu cà phê Việt Nam đang mở rộng đến 80 quốc gia, chiếm trên 18% thị phần cà phê thế giới. Cụ thể, ngành công nghiệp chế biến cà phê xuất khẩu, cà phê hòa tan phối trộn với hơn 10 nhà máy quy mô lớn trong nước, đạt tổng công suất gần 115.000 tấn/năm; cà phê bột đạt khoảng 50.000 tấn/năm; cà phê nhân hơn 1 triệu tấn/năm. Ngành cà phê Việt Nam đã giải quyết việc làm và thu nhập chính cho hơn 560.000 hộ nông dân, góp phần xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế xã hội trên các vùng chuyên canh cà phê cả nước nói chung, vùng Tây Nguyên và Đông Nam Bộ nói riêng.
“Tuy nhiên ngành cà phê Việt Nam hiện vẫn phát triển chưa tương xứng với tiềm năng. Phần lớn xuất khẩu ở dạng cà phê nhân, giá trị gia tăng còn đạt thấp. Những thách thức đang đối diện như: quy hoạch và quản lý quy hoạch còn nhiều bất cập, diện tích cà phê già cỗi tăng nhanh, cơ cấu giống chưa hợp lý, một số địa phương vẫn tiếp tục phát triển cà phê theo chiều rộng, tăng nhanh diện tích, giảm cây che bóng, lạm dụng phân bón, nước tưới, thuốc bảo vệ thực vật…để tăng năng suất, nhưng thiếu quan tâm đến chất lượng sản phẩm thu hoạch…Hơn 560.000 hộ nông dân sản xuất cà phê chủ yếu quy mô nhỏ, thiếu thông tin thị trường, thiếu liên kết với các nhà máy chế biến xuất khẩu, hiệu quả kinh tế chưa cao…  ”, tiến sĩ Nguyễn Đỗ Anh Tuấn phân tích
Theo đó, tiến sĩ Nguyễn Đỗ Anh Tuấn nhấn mạnh một trong những giải pháp phát triển mới cho ngành cà phê Việt Nam là đẩy mạnh liên kết ngang và liên kết dọc. Như liên kết ngang giữa hộ nông dân với hộ nông dân, tích tụ ruộng đất để mở rộng sản xuất. Và liên kết dọc giữa doanh nghiệp với nông dân xây dựng và không ngừng nâng cấp chuỗi giá trị sản phẩm. Hai mô hình liên kết này sẽ hình thành nên mối liên kết “4 nhà”, trong đó doanh nghiệp, hợp tác xã đóng vai trò hạt nhân định hướng sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm cà phê.     
Đồng bộ 4 nhóm giải pháp đột phá ngành cà phê Lâm Đồng
Trong quá trình chỉ đạo điều hành từ thực tiễn, tiến sĩ Phạm S, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng đã đúc kết 4 nhóm giải pháp triển khai đồng bộ, tạo bước đột phá mới cho ngành cà phê Lâm Đồng.
Trước hết, theo tiến sĩ Phạm S, đó là Lâm Đồng thực hiện quyết liệt chương trình tái canh cà phê trên địa bàn với chỉ tiêu đến năm 2020 hoàn thành khoảng 30% trên tổng diện tích, gồm hơn 47.000ha cà phê vối và gần 3.500ha cà phê chè. Kết quả chính thức triển khai từ tháng 5/2013 đến gần cuối năm 2017, Lâm Đồng đã tái canh gần 45.100ha cà phê, đạt 196% kế hoạch giai đoạn 2013- 2015 và gần 70% kế hoạch giai đoạn 2016- 2020. 
“Điều đáng ghi nhận tác động của chương trình tái canh cà phê đã tạo bước đột phá phát triển bền vững, chất lượng sản phẩm đạt chứng nhận tăng cao, nhiều hộ sản xuất cà phê đã cải thiện thu nhập và chất lượng cuộc sống, góp phần nguồn lực của mình xây dựng đạt tiêu chí 72 xã và 1 huyện nông thôn mới thuộc tỉnh Lâm Đồng...”, tiến sĩ Phạm S nhấn mạnh.
Cũng theo tiến sĩ Phạm S, nhóm giải pháp tiếp theo mà Lâm Đồng đã triển khai khá thành công đối với vùng chuyên canh cà phê với gần 75.500ha cà phê hoàn thiện quy trình sản xuất đạt các tiêu chuẩn chất lượng UTZ CERTIFIED; 4C; Rainforest Aliance; C.A.F.E Practice. Còn lại 2 nhóm giải pháp đầu tư khoa học công nghệ trọng tâm và mở rộng hợp tác quốc tế toàn diện. Theo đó, Lâm Đồng đã xây dựng các chỉ dẫn địa lý cà phê Di Linh, cà phê chè Cầu Đất, cà phê chè Lang biang, đặc biệt cà phê Arabica là 1 trong 4 sản phẩm đặc trưng của thương hiệu “Đà Lạt kết tinh kỳ diệu từ đất lành”. Đồng thời, Lâm Đồng đã hợp tác với Tổ chức Sàng kiến thương mại bền vững từ năm 2015 đến nay triển khai các hợp phần về nghiên cứu hệ thống nông- lâm kết hợp trên vườn cà phê, từ đó xây dựng 40 vườn mẫu nhân rộng trên vùng Tây Nguyên. Bên cạnh đó, Lâm Đồng đã triển khai gần 130 tỷ đồng dự án phát triển nông nghiệp bền vững, trong đó thực hiện hiệu quả gần 90 mô hình tái canh và sản xuất cà phê bền vững trên địa bàn.
Tiếp tục phát huy hiệu quả 4 nhóm giải pháp đồng bộ nêu trên, thời kỳ mới đến năm 2020, Lâm Đồng ổn định diện tích cà phê khoảng 150.000ha, chiếm 18- 20% diện tích cà phê chè. Năng suất cà phê nhân bình quân đến giai đoạn này khoảng 3,5 tấn/ha./.
THÁNG 02/2018