Thứ Sáu, 6 tháng 2, 2015

Vùng nông nghiệp công nghệ cao ở Lâm Đồng

VĂN VIỆT
Kết thúc 2 ngày thăm và làm việc tại Lâm Đồng, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Cao Đức Phát ghi nhận: “Lâm Đồng đang đi những bước đi đầu tiên về công nghiệp hóa trong nông nghiệp… ”

TĂNG TRƯỞNG CAO GẤP ĐÔI CẢ NƯỚC
UBND tỉnh Lâm Đồng báo cáo lĩnh vực nông nghiệp đạt tốc độ tăng trưởng 8% trong năm 2014 vừa qua, Bộ trưởng Cao Đức Phát đã phấn khởi: “ So với ngành nông nghiệp cả nước, ngành nông nghiệp Lâm Đồng đã tăng trưởng gấp đôi !”. Ngày hôm trước, tham quan các mô hình nông nghiệp công nghệ cao và các công trình hạ tầng nông thôn mới ở huyện Đơn Dương, Bộ trưởng Cao Đức Phát nói: “Nhìn đường sá, nhà cửa khang trang, cây trồng tươi tốt, cảnh quan môi trường sạch đẹp, tôi cảm nhận được đời sống nông dân đã và đang được cải thiện nhanh chóng mỗi ngày…” Quả thực điều này đã thể hiện khá sinh động qua số liệu từ UBND xã Quảng Lập, một xã nông thôn mới tiêu biểu của huyện Đơn Dương. Đó là trong vòng 3 năm, xã này đã vận động nông dân chuyển đổi 115ha ruộng lúa 1 vụ giá trị thấp sang trồng các rau, củ, quả năng suất, chất lượng cao; hoặc đã đầu tư hàng loạt dây chuyền công nghệ tưới nước, bón phân tự động, giảm chi phí nhân công, tiết kiệm vật tư đầu vào, tăng giá trị nông sản lên gấp nhiều lần; chuyển đổi 285 con bò vàng sang nuôi con bò sữa; xây mới chợ trung tâm xã, giải quyết ổn định việc kinh doanh, dịch vụ cho 216 tiểu thương địa phương…
 Và nhìn rộng ra toàn huyện Đơn Dương đã đạt giá trị sản xuất trung bình trong năm 2014 là 150 triệu đồng/ha/năm, cao hơn 20 triệu đồng so mức bình quân chung của toàn tỉnh Lâm Đồng; đặc biệt có nhiều hộ gia đình trồng rau, hoa nhà kính công nghệ cao đạt thu nhập từ 500 triệu đồng đến hơn 1 tỷ đồng/ha. Đến đây, đại diện lãnh đạo của Cục Trồng trọt đã phân tích: “Đơn Dương, Lâm Đồng có khá nhiều ưu đãi về đất đai, khí hậu, nên giá trị thu nhập trồng rau, hoa trên 1 ha đã vượt hơn gấp 7  lần so với trồng lúa ở một số khu vực đồng bằng sông Cửu Long…”
CÔNG NHẬN VÙNG NÔNG NGHIỆP CÔNG NGHỆ CAO
Được “xếp hạng” là tỉnh dẫn đầu trong cả nước về phát triển nông nghiệp công nghệ cao, Lâm Đồng đúc kết kinh nghiệm nhờ phát huy vai trò chủ thể của người nông dân trong kinh tế hộ gia đình. Hiện tại, Lâm Đồng chưa đặt ra vấn đề dồn điền đổi thửa, tích tụ ruộng đất, bởi hiệu quả của việc sản xuất nông nghiệp công nghệ cao vẫn chủ yếu dựa vào trình độ sản xuất chứ chưa phụ thuộc lớn vào quy mô diện tích. Và như vậy, thực tiễn xây dựng mô hình điểm sản xuất nông nghiệp công nghệ cao ở Lâm Đồng đã cho thấy hiệu quả thiết thực với phương châm: “Hãy để cho người nông dân suy nghĩ trên mảnh đất của họ ! ” Cụ thể trong năm 2014, bằng các nguồn vốn hỗ trợ khác nhau, Lâm Đồng đã chọn quy mô hộ gia đình để triển khai 20 mô hình trồng trọt. Sau khi hoàn chỉnh quy trình “sản xuất mẫu”, ngành nông nghiệp Lâm Đồng đã tổ chức gần 480 lớp tập huấn, hội thảo chuyển giao khoa học kỹ thuật cho 4.100 lượt người nông dân tham dự. Với 15% diện tích sản xuất rau, hoa, cây đặc sản, chè, cà phê, lúa cao sản theo hướng ứng dụng công nghệ cao ( gần 39.240ha), nông dân Lâm Đồng đã tăng lợi nhuận với tỷ lệ trên 30% so với doanh thu. Tính chung đến nay, toàn tỉnh Lâm Đồng có 112 xã triển khai đề án phát triển sản xuất, trong đó xác định từng loại cây trồng có lợi thế cạnh tranh về ứng dụng công nghệ cao để tiếp tục nhân rộng mô hình trên từng hộ gia đình.
Lâm Đồng quy hoạch diện tích trồng rau an toàn đến năm 2020 là 13.900ha, chiếm 93% diện tích rau toàn tỉnh. Thông qua hoạt động khuyến nông và triển khai các Dự án Cạnh tranh nông nghiệp, QSEAP cùng các Dự án về khoa học công nghệ khác, phần lớn hộ nông dân ở các vùng quy hoạch này được tập huấn nâng cao nhận thức, trình độ áp dụng công nghệ vào sản xuất. Ghi nhận điều này, Bộ trưởng Cao Đức Phát cho biết sẽ đề xuất mở rộng các tiêu chí công nhận việc áp dụng khoa học kỹ thuật sản xuất nông nghiệp công nghệ cao đối với kinh tế hộ gia đình và đối với từng vùng sản xuất, từ đó tạo điều kiện để 2 “đối tượng” này được thụ hưởng các chính sách hỗ trợ đầu tư phát triển của nhà nước./.
THÁNG 01/2015