Bút ký VĂN VIỆT
Một ngày cuối năm cũ, mở mạng zalo gặp
“anh Trị cơ khí” ở Liên Nghĩa, Đức Trọng đăng status của mình: “ Miền Bắc 15 độ
C. Rét mướt !”. Tôi chạm tay vào phím gọi. Sau tiếng alô, tôi nghe rõ tiếng
người chộn rộn hòa trong tiếng gió mùa Đông Bắc tràn về. “ Mình đang trình
diễn chiếc máy gieo hạt ngô tại xã Mộc Bắc, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam . Hàng
trăm nông dân đang tham quan, tìm hiểu, đặt ra nhiều câu hỏi cần mình tư vấn…”-
anh Trị nói.
“Nô nức” mùa gió đông
Hơn tuần sau, vừa trở về tới xưởng cơ khí ở Liên
Nghĩa, Đức Trọng, anh Trị lại cho thấy tác phong công nghiệp khi “thông báo
khẩn” cho tôi : “ 3 ngày nữa, mình phải bay xuống các vùng nông nghiệp công
nghệ cao ở Sài Gòn để đàm phán sản xuất các loại máy gieo hạt thế hệ mới… ” Tranh
thủ giờ không nghỉ trưa, anh hàn huyên những ngày mùa đông ở đồng ruộng xứ Bắc.
Chuyện bắt đầu qua các phương tiện truyền thông trong nước phản ánh nhiều giải
thưởng sáng chế tiêu biểu cấp địa phương, trung ương và cấp khu vực Đông Nam Á mà
anh Trị giành được trong nhiều năm trở lại đây đối với chiếc máy gieo hạt rau,
hoa công nghệ cao và nhiều loại máy công nghiệp nông thôn khác ở Lâm Đồng; đồng
thời đối chiếu với thực tế, năng lực chế tạo cơ khí hiện thời, vào hạ tuần
tháng 12/2014, Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam (Bộ Nông nghiệp và Phát triển
nông thôn) đã chính thức “đánh giấy mời” anh Trị ra tỉnh Hà Nam trình diễn công
nghệ gieo hạt ngô và làm bầu công nghiệp nhân Hội nghị “Đánh giá mô hình thâm
canh ngô Đông trên đất 2 lúa ở đồng bằng sông Hồng và Bắc Trung Bộ”. Trước đó
khoảng 3 tháng, anh đã tập trung nghiên cứu thiết kế bản vẽ mới và đưa vào sản
xuất hoàn thành chiếc máy này. “Dù chỉ thay thế chi tiết hút chân không gieo
hạt rau, hoa kích thước nhỏ hơn sang gieo hạt ngô kích thước lớn hơn, nhưng
phải điều chỉnh các bộ phận chức năng khác trong máy cho tương thích với nhau, đảm
bảo đồng bộ, nhịp nhàng khi đưa vào vận hành…”- anh Trị kể.
Suốt mấy ngày đêm vận chuyển chiếc máy gieo hạt ngô từ
Lâm Đồng đến Hà Nam, anh Trị đã bỗng chốc quên hết chặng đường xa khi tiếp đón
hàng trăm nông dân “nô nức” đến tận nơi nghe, thấy và tiếp xúc, đặt câu hỏi. “Thật
vô cùng tiện lợi. Chỉ 2 người đứng bên máy thao tác nhẹ nhàng, nhưng có thể đạt
công suất lao động hơn hai chục người ra đồng gieo hạt ngô ! ”- lời trầm trồ không
ngớt “thốt” ra từ số đông người xem. Anh “ Trị cơ khí” cũng với tư thế sẵn lòng
giải đáp những câu hỏi khám phá của người tham quan, dẫn chứng theo đó bằng các
số liệu của chiếc máy gieo hạt ngô như: công suất gieo 300 khay/giờ (80 ô
hạt/khay); rút ngắn thời gian từ 10- 15 ngày chăm sóc ngô ngoài đồng; tỷ lệ hạt
giống nẩy mầm gần như tuyệt đối, cây con phát triển đồng đều, đáp ứng đầy đủ
dinh dưỡng từ giá thể phối trộn sẵn; giữ đất an toàn sạch bệnh cho vụ lúa kế
tiếp; tăng năng suất thu hoạch từ 25- 30%...
Mở rộng ra với quy mô sản xuất đồng trà, đồng vụ khoảng
100ha vụ ngô đông ở đồng bằng sông Hồng và Bắc Trung Bộ, anh Trị giới thiệu
thêm mô hình 1 chiếc máy liên hợp “4 trong 1” (gồm máy xay giá thể, máy trộn
giá thể, máy vô bầu đất và máy gieo hạt) và 1 chiếc máy chuyên dụng trồng cây
ngô giống trực tiếp từ bầu đất ra đồng, giá từ 150- 200 triệu đồng/chiếc, bước
đầu đã thu hút hàng chục hộ nông dân Hà Nam thỏa thuận ghi nhớ để đặt hàng sản
xuất trong năm mới 2015.
Cơ giới “cất cánh”…
Những ngày “tác nghiệp” giữa không gian gió mùa đông
Bắc, anh Trị “lạc bước” vào những cánh đồng carrot ngút ngát cây xanh, thắm đỏ từng
luống củ bội thu. Lại thêm những dự định cơ giới hóa cho ruộng đồng “cất cánh”,
trước mắt sẽ đưa ra trình diễn tính năng của cỗ máy rửa carrot không gãy cuống
(để phân biệt carrot Đà Lạt với carrot Trung Quốc) mà anh Trị đã xuất xưởng sử
dụng khá hiệu quả ở Đà Lạt và các vùng phụ cận.
Khép lại năm 2014, anh Trị đã nối dài những “bước đi
cơ giới” khá ấn tượng của mình, tạo ra những “hiệu ứng” tích cực từ trên đồng
ruộng về nhà xưởng chế biến nông sản và đến cả trang trại chăn nuôi trong và
ngoài tỉnh Lâm Đồng. Điển hình ở Lâm Đồng, những sản phẩm cơ giới của anh Trị “trình
làng” gồm ở ngoài đồng đất với chiếc máy dập lỗ màng phủ ni lông trồng rau, hoa
công nghệ cao, ngăn côn trùng gây hại sinh sôi nẩy nở từ trong đất; máy cắt,
băm cỏ di động công suất lớn, vận chuyển về tận chuồng trại cho bò sữa ăn (
trước đó phải cắt cỏ voi bằng lưỡi liềm tay giữa đồng, sau đó chất lên máy cày,
xe máy chở về nhà băm từng bó qua chiếc máy cơ khí nhỏ, cuối cùng mới đổ vào
máng ăn cho bò sữa); ở trong nhà xưởng chế biến nông sản có máy chẻ sợi carrot,
sợi củ cải tự động với năng lực sản xuất gần như không hạn chế trong diện tích
chuyên canh thu hoạch của hộ gia đình mỗi ngày; máy ép nước chanh dây không còn
hạt để xuất khẩu ( ép nước hàng tấn nguyên liệu trái chanh dây mỗi ngày); ở
trong trang trại chăn nuôi có chiếc máy phối trộn các chất dinh dưỡng từ bắp,
mì, đậu nành, gạo, cám…ép nén lại thành cám viên thức ăn cho heo (một ngày máy
ép cũng lên đến cả tấn thành phẩm)…Ở các vùng đồng bằng trồng lúa ngoài tỉnh
Lâm Đồng, anh Trị còn cung ứng cho bà con chiếc máy gieo mạ trên khay
(650khay/giờ), giải phóng sức lao động khoảng 10 người/ngày…
Dù chưa thể thống kê tất cả mức lợi nhuận trên từng
“chiếc cơ giới” mang lại, nhưng đã có một vài chủ nhân “ghé tai” anh Trị : “năm
rồi xuất khẩu được mấy container nông sản chế biến, đạt lãi hơn 5 tỷ đồng” hoặc “ nhờ tăng năng suất, giảm giá thành nên
giá trị thu nhập trên diện tích đất nông nghiệp ước tăng 25- 30% trong năm 2014
”…
…Và bay xa hơn
Nhớ lại 6 năm trước, “giã từ” công việc quản lý với
mức lương kha khá ở một doanh nghiệp chế biến rau quả đứng chân tại huyện Đơn
Dương, Lâm Đồng, anh Trị ra thị trấn Liên Nghĩa, Đức Trọng thuê một căn nhà gỗ
nghiên cứu chế tạo máy gieo hạt tự động. Nguồn vốn duy nhất là một kiến thức
nền và một tinh thần say mê nghề cơ khí chế tạo máy móc từ hồi còn ngồi trên
giảng đường Đại học ở Sài Gòn, nay tự mình “đánh thức dậy”. Tay
trắng, anh chỉ đủ sức nhờ vả một số người thân giúp số vốn ban đầu khoảng hơn
50 triệu đồng. Rồi sau 2 năm hết nghiên cứu đến thực hành, phải qua thất bại ở
lần sáng chế đầu tay, anh Trị mới bước từng nấc thang một cho đến ngày này. “Chiếc
máy gieo hạt tự động sáng chế thành công từ 4 năm trước đã cho tôi hành trang
làm nghề cơ giới hóa trên đồng ruộng đến giờ… ”- anh Trị chia sẻ khiêm tốn.
Nhưng tôi và nhiều người quan tâm đến sự phát triển cơ giới nông nghiệp ở Lâm
Đồng nói riêng, cả nước nói chung đều biết anh Trị đã gặt hái những kết quả vô
cùng quan trọng chỉ trong một thời gian chưa quá 5 năm khởi nghiệp. Vinh hạnh
nhất đối với anh Trị là được Chủ tịch nước Trương Tấn Sang gặp mặt, biểu dương,
tặng Bằng khen tại thủ đô Hà Nội vào dịp đón xuân 2014.
Từ nghề cơ khí sáng chế đã cho anh Trị gặp nhiều đối tác
tìm đến thị trấn Liên Nghĩa, Đức Trọng của Lâm Đồng trực tiếp mời bay sang các nước
Malaysia, Thái Lan nghiên cứu, thiết kế sản xuất hàng chục sản phẩm máy móc,
thiết bị theo nhu cầu của mỗi vùng nông nghiệp. Năm mới Ất Mùi đến, anh Trị và
10 công nhân cơ khí cùng hăm hở bắt tay ngay vào sản xuất 16 sản phẩm công
nghiệp nông thôn tiêu biểu mới, áp dụng trên cả 3 khu vực sản xuất ở đồng bằng
Bắc Bộ, đồng bằng Nam Bộ và miền núi Nam Tây Nguyên. Một ngày như mọi ngày tiếp
nhận lời yêu cầu sản xuất của khách hàng làm nông, anh Trị ít khi giấu vui mừng
trước mục tiêu “được phục vụ” của mình. Vâng, tên đầy đủ của anh là Lê Thanh
Trị (sinh năm 1957), chủ nhân của thương hiệu “cơ khí nông nghiệp Thanh Trị”,
tọa lạc tại thị trấn Liên Nghĩa, huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng./.
XUÂN ẤT MÙI 2015