Thứ Ba, 10 tháng 2, 2015

Nông dân không chỉ tích cực thi đua sản xuất giỏi

VĂN VIỆT
Không chỉ tích cực thi đua sản xuất giỏi, nông dân Lâm Đồng đã và đang đồng thuận tham gia xây dựng nông thôn mới bằng những việc làm thiết thực của mình.

GIÚP NHAU LÀM GIÀU
Đầu năm 2014, đến xã Lộc Thanh ( Bảo Lộc) hỏi ai cũng đều biết ông Vũ Văn Pháp là người “đa năng” với “3 trong 1” là Chủ tịch Hội Nông dân xã, chủ hộ gia đình nông dân sản xuất giỏi và nhà sáng chế máy sấy cà phê không đảo trộn. Hàng năm thực hiện lồng ghép 3 vai trò này, ông Pháp đã góp phần giúp nông dân địa phương nâng cao thu nhập trên từng diện tích đất sản xuất. Điển hình như ông Pháp đã điều hành tổ chức Hội Nông dân cơ sở làm chiếc cầu nối chuyển giao khoa học kỹ thuật mới trong sản xuất, chăn nuôi trên địa bàn; trực tiếp chia sẻ kinh nghiệm ươm giống cà phê ghép năng suất cao để cùng đồng hành với nông dân thực hành cải tạo tái canh; tiếp nhận khối lượng lớn cà phê của nông dân đưa vào lò sấy khô trong nhà đạt yêu cầu chất lượng, khắc phục tình trạng thiếu diện tích sân phơi đúng tiêu chuẩn, đúng quy định…
Theo Hội Nông dân tỉnh Lâm Đồng, những mô hình tốt, những cách làm hay như của ông Vũ Văn Pháp đã khích lệ rất lớn tinh thần người nông dân hưởng ứng phong trào thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, giúp nhau làm giàu chính đáng và hướng đến đạt mục tiêu giảm nghèo nahnh và giảm nghèo bền vững. Tương tự ở huyện Đạ Tẻh đã ghi nhận 2 tấm gương tiêu biểu làm giàu cho mình và tạo điều kiện cho người láng giềng vượt nghèo trong vài năm gần đây. Thứ nhất, hộ gia đình ông Trần Thanh Phong ( Khu phố 9, thị trấn Đạ Tẻh) được tổ chức Hội Nông dân các cấp tiếp cận nguồn vốn vay, nên đã bứt phá vươn lên mở rộng sản xuất kinh doanh và đầu tư chăn nuôi theo quy mô trang trại kỹ thuật mới, kết quả đạt lợi nhuận đến hơn 300 triệu đồng/năm. Đồng cảm với những hộ nghèo như mình từng trải qua những năm trước đó, hộ gia đình ông Phong đã cho vay 22 hộ gia đình nông dân ở địa phương với số vốn 160 triệu đồng không tính lãi suất và bán trả chậm 50 con heo giống. Thứ hai, hộ ông Vũ Đức Huệ ( thôn Xuân Thành, xã Đạ Pal) mạnh dạn chuyển đổi cây trồng mới, thực hiện phương châm lấy ngắn nuôi dài kết hợp với chăn nuôi tập trung, đã thu về lợi nhuận cho gia đình hơn 200 triệu đồng/năm. Từ kinh nghiệm này, ông Huệ đã nhân rộng cho 8 hộ gia đình trong thôn áp dụng khá hiệu quả trên đường thoát nghèo…. 
PHÁT HUY VAI TRÒ CHỦ THỂ
Thống kê cho biết trong hơn 3 năm vừa qua, nông dân Lâm Đồng đã tự nguyện hiến hàng chục hecta đất sản xuất, đất ở cùng 123 tỷ đồng tiền mặt và hàng trăm ngàn ngày công lao động để nâng cấp, xây mới các công trình cơ sở hạ tầng nông thôn mới. Đó là những tấm gương như: hộ ông Nguyễn Xuân Nghị (xã Đạ Oai, huyện Đạ Huoai) không chỉ hiến 2.000 mét vuông đất, mà còn “tài trợ” 100 xe đất, bố trí 3 xe múc đất không tính tiền công để tu bổ hệ thống thủy lợi, phục vụ tưới tiêu cho cây trồng ở địa phương; hộ  ông Kon Sơ Ha Krang ( xã Đạ Tông, Đam Rông) hiến 2.000 mét vuông đất và toàn bộ cây trồng trên đất để mở rộng đường giao thông…
Ở xã Ka Đô, huyện Đơn Dương, hộ ông Trịnh Văn Tùng vừa tiên phong đóng góp khoảng 150 triệu đồng, vừa tham gia cùng các tổ chức đoàn thể huy động 250 triệu đồng đóng góp từ nông dân địa phương, xây dựng các công trình ở thôn như hội trường, đường giao thông, kênh mương nội đồng…
Ở xã Gung Ré, huyện Di Linh, ông Đỗ Trọng Dinh vận động người dân trong xã đóng góp 1,04 tỷ đồng (trong đó có hộ gia đình ông ) và hiến 6.400 mét vuông đất để làm mới 13 cung đường dài 5.470m, đồng thời đào đắp một hồ nước dự trữ chống hạn cho cây trồng. Ở xã Lộc An, huyện Bảo Lâm, hộ ông Lê Xuân Mai tham gia vận động người dân đóng góp kinh phí khoảng 3 tỷ đồng đầu tư nâng cấp cùng lúc nhiều công trình dân sinh gồm: rải đá trên nền đường giao thông, đấu nối đường điện thắp sáng và sản xuất, đặc biệt hỗ trợ hộ nghèo xây mới căn nhà ở kiên cố …
Phong trào tự nguyện đóng góp công sức, tiền của xây dựng nông thôn mới đạt những kết quả đáng kể nêu trên, đã thể hiện bước chuyển biến mới từ nhận thức đến hành động trong việc phát huy vai trò chủ thể của người nông dân Lâm Đồng./.

THÁNG 02/2015