Thứ Hai, 2 tháng 2, 2015

Lâm Đồng sẽ trở thành “thủ phủ mắc ca” Tây Nguyên

VĂN VIỆT
Nhiều địa bàn ở Lâm Đồng như Đơn Dương, Lâm Hà, Di Linh, Bảo Lộc… đang thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư trong và ngoài nước đến tìm hiểu hợp tác với nông dân mở rộng vùng nguyên liệu mắc ca, một sản phẩm được mệnh danh là “hoàng hậu quả khô” trên thế giới. Cơ hội mới này có thể nâng vị thế của Lâm Đồng sớm trở thành “thủ phủ mắc ca” cho cả vùng Tây Nguyên.

Ông Nguyễn Trúc Bồng Sơn, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Lâm Đồng cho biết, năm 2006, Trung tâm đã đưa về nhiều chủng loại giống mắc ca khác nhau để trồng thí điểm trên tổng diện tích 93ha thuộc các vùng sinh thái có độ khác nhau từ Bảo Lộc đến Di Linh, Lâm Hà và Đơn Dương. Trồng mắc ca theo hình thức chủ yếu xen canh trên các vườn cà phê đang thời kỳ kinh doanh, mật độ trồng từ 138 -166 cây/ha. Sau 5 năm tập trung chăm sóc theo các quy trình kỹ thuật từng bước bổ sung, hoàn chỉnh phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của cao nguyên Lâm Đồng, kết quả tỷ lệ cây mắc ca ra hoa, đậu trái đạt khoảng 80%, năng suất thu bói đầu tiên gần 1,5kg hạt nhân/cây. Tiếp tục thâm canh chiều sâu, đến năm tuổi thứ 8, thứ 9, mắc ca Lâm Đồng đạt thu hoạch từ 7- 10kg hạt/cây.
Từ năm 2008 đến nay, hiệu quả từ những vườn mắc ca “tiên phong” của Trung tâm Khuyến nông Lâm Đồng phát triển tốt, đã tạo tiền đề cho nhiều tổ chức doanh nghiệp và hộ gia đình tích cực mở rộng diện tích. Trong đó có một hộ gia đình ở huyện Đơn Dương đã trồng 300 cây mắc ca sống chung với những hàng cây chuối La Ba trên diện tích 8.000m², vụ thu bói vào năm 2013 với 40% số cây đơm hoa kết trái với “tổng sản lượng” khoảng 30kg hạt nhân. Năm kế tiếp sau đó, trên 8.000m² mắc ca vào vụ thu chính của người nông dân này ước thu lãi khoảng 400 triệu đồng. Theo khảo sát của Viện Khoa học kỹ thuật nông lâm nghiệp Tây Nguyên, trên địa bàn Lâm Đồng hiện đang phát triển khoảng 15 giống mắc ca các loại, trong đó đặc biệt với các giống A38, H2, OC đang mang về năng suất và chất lượng hạt khô thành phẩm ngày càng cao. Dự báo vào năm tuổi thứ 12 trở đi ( thời kỳ cao điểm sản xuất kinh doanh), khả năng cây mắc ca Lâm Đồng sẽ thu đạt từ 12- 15kg hạt khô/cây, tương đương với năng suất chuyên canh ở các vùng nguyên sản ở nước Úc.     
“Cây mắc ca là cây lâm nghiệp đa tác dụng, qua nhiều năm tiến hành trồng khảo nghiệm mô hình điểm rồi rút kinh nghiệm nhân rộng đại trà, chúng tôi thấy rằng có thể trồng cùng lúc nhiều loại giống trên các vùng sinh thái khác nhau của Lâm Đồng mà vẫn ổn định năng suất và chất lượng hạt nhân thu hoạch ngang bằng với trồng trên các vùng sinh thái khác của thế giới…”- Giám đốc Nguyễn Trúc Bồng Sơn nói. Và theo đó, ông Sơn đã đúc kết những điều kiện “thiên thời, địa lợi” tốt nhất để chăm sóc cây mắc ca ở các vùng Đơn Dương, Lâm Hà, Di Linh, Bảo Lộc...Đó là phải áp dụng những chế độ canh tác thích ứng để cây ra hoa tránh các thời điểm trời mưa hoặc sương mù nhiều, nhất là thời gian cần “canh chừng” lúc cây phân hóa mầm hoa trong thời tiết mùa khô, về ban đêm nhiệt độ thay đổi từ 15- 18 độ C; không nên trồng mắc ca ở địa hình đón gió quá nhiều…
Theo quy hoạch sản xuất nông nghiệp đã được phê duyệt đến năm 2020, Lâm Đồng sẽ trở thành “thủ phủ mắc ca” Tây Nguyên với tổng diện tích phát triển khoảng 22.000 ha, trong đó gồm 20.000 ha trồng xen canh với cây cà phê và 2.000 ha trồng thuần. Quy hoạch này giúp nông dân chuyển đổi hình thức sản xuất mắc ca từ quy mô nhỏ lẻ, phân tán, sang quy mô tập trung diện tích đồng trà, đồng vụ lớn hơn. Đồng thời, nông dân sẽ được chuyển giao toàn bộ quy trình kỹ thuật trồng cây mắc ca thống nhất chung trên tất cả các vùng sinh thái được chọn ở Lâm Đồng, nhằm phát huy mọi lợi thế so sánh về tiềm năng đất đai, môi trường, tạo ra thương hiệu sản phẩm có sức cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế.
Dự báo năm 2020, nhu cầu sử dụng hạt khô mắc ca trên thế giới lên đến 220.000 tấn. Trong khi tổng sản lượng hiện tại chỉ mới đạt 120.000 tấn. Trên thế giới chỉ có vài khu vực ở các nước Mỹ, Trung Quốc, Úc…và vùng Tây Nguyên ở Việt Nam trồng mắc ca đạt chất lượng cao. Là tỉnh có tiềm năng xây dựng vùng nguyên liệu mắc ca dẫn đầu cả vùng Tây Nguyên, Lâm Đồng hy vọng sẽ tạo thêm một bước đột phá mới trong lộ trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp của mình./.

THÁNG 01/2015