VĂN VIỆT
Theo Viện Bảo vệ thực vật ( Viện Khoa
học nông nghiệp Việt Nam), vùng chuyên canh các giống hồng ăn trái của Đà Lạt
và các vùng phụ cận có thể ghép cải tạo với 2 giống hồng mới của Nhật Bản đạt
năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế cao, tên là Fuyu và Jiro.
Khảo sát của Viện Bảo vệ thực vật cho biết, hồng ăn trái là cây trồng truyền thống
ở vùng trung du, miền núi phía Bắc và vùng Tây Nguyên, trong đó có Đà Lạt và
các vùng phụ cận. Đến nay, những giống hồng trồng phổ biến trên những “vùng
sinh thái” đặc biệt này gồm nhóm hồng giấm, hồng ngâm thuộc chủng loại hồng
chát. Đây là những giống hồng đều có thể
thu hoạch khi vỏ trái còn “căng” và “chắc”, nên dễ bảo quản giữ tươi, không bị
dập nứt trên đường vận chuyển từ khu vực sản xuất vùng sâu, vùng xa đến tiêu
thụ ở khu vực đô thị của từng địa phương. Tuy nhiên, do phần lớn giống cây đã
“xưa cũ”, cộng với kỹ thuật chăm sóc không còn thích hợp, dẫn đến năng suất và
chất lượng các giống hồng trong nước ngày càng sút giảm, giá trị kinh tế thấp
kém. Bên cạnh đó, nông dân một số địa phương vẫn sử dụng phương pháp dú chín trái
hồng sau thu hoạch theo kinh nghiệm “thủ công”, đã góp phần làm “biến chất”
hương vị thêm phần chát đắng hoặc gây trái chín ép, khó tìm “đầu ra”.
Để khắc phục thực trạng trên, bắt đầu từ năm 2008,
Viện Bảo vệ thực vật đã chủ trì Dự án “ Nâng cao năng suất và chất lượng hồng
ngọt ở Việt Nam ”, đưa giống hồng ngọt Fuyu và Jiro từ Nhật Bản về ghép cải tạo
thực nghiệm với các giống hồng địa phương khu vực trung du, miền núi phía Bắc.
Đến nay, Viện đã hoàn chỉnh quy trình từ ghép cải tạo đến chăm sóc và thu
hoạch, đạt những kết quả khá khả quan. Theo đó, trên các vùng đất có độ cao từ
950- 1.000m thuộc các tỉnh Lào Cai, Sơn La và độ cao từ 150- 350m thuộc các
tỉnh Bắc Giang, Hòa Bình, hồng ngọt Fuyu và Jiro ghép cải tạo với các giống
hồng bản địa, canh tác sau 2 năm đã “kết trái”, “gặt hái” từ đầu tháng 8 đến
giữa tháng 9 trong năm. Trong đó trọng lượng mỗi trái hồng giống Fuyu đạt từ 110
– 178gam; giống Jiro đạt từ 130- 220gam. Trong một vụ mùa hồng Fuyu và Jiro, các
đối tượng gây hại gồm sâu ăn lá, sâu gặm vỏ, rệp sáp…phát sinh từ đầu tháng 3
đến đầu tháng 5 đều đã được Viện áp dụng các biện pháp khoa học phòng trừ hiệu
quả.
Đáng quan tâm là hồng ngọt Fuyu, Jiro ghép cải tạo đều
tăng năng suất vượt trội từ năm thứ 3 trở đi. Cụ thể năng suất trên mỗi ha Jiro
“đến tuổi” năm thứ 2, thứ 3 và thứ 4 ở vùng sinh thái Bắc Hà – Lào Cai (950m)
đạt lần lượt hơn 1,1 tấn, gần 6,1 tấn và 11 tấn; ở vùng Mộc Châu – Sơn La (
1.000m) là 1,6 tấn, 7,6 tấn và hơn 12 tấn. Tương tự trên mỗi ha Fuyu ở độ cao
950m ( Bắc Hà- Lào Cai) “thu bói” sau 2 năm trồng, chăm sóc mới thu hơn 0,6
tấn, đến năm thứ 3, thứ 4 tăng lên 5,3 tấn và hơn 10,3 tấn; ở độ cao 1.000m (
Mộc Châu – Sơn La) thu từ hơn 1,3 tấn vụ mùa đầu tiên, tăng lên 7 tấn và gần
12,4 tấn trong 2 vụ kế tiếp.
Liên hệ với riêng Đà Lạt và các vùng phụ cận, diện
tích hồng ăn trái ( giống địa phương) trồng tập trung có năm lên đến 2.500 ha (
khoảng 1.000 ha trồng ở Đà Lạt và 1.500ha trồng ở Đơn Dương), mùa vụ thu hoạch
từ tháng 7 đến tháng 10 hàng năm, đạt tổng sản lượng ước khoảng 4.500 – 5.000
tấn, sau đó tiêu thụ bằng hình thức bán tươi là chủ yếu, chỉ chiếm phần nhỏ chế
biến sấy khô ở quy mô thủ công, dẫn đến chất lượng sản phẩm chưa đáp ứng yêu
cầu của thị trường xuất khẩu. Trong khi đó, Viện Bảo vệ thực vật cũng đã khẳng
định rằng, nếu “đối chứng” với điều kiện về khí hậu, thổ nhưỡng cũng như trình
độ canh tác thì vùng cao nguyên Đà Lạt cùng các vùng phụ cận hoàn toàn thích
hợp để ghép cải tạo giống hồng Fuyu và Jiro nhập về từ Nhật Bản với gốc hồng
bản địa như đã thực hành thành công ở các tỉnh trung du, miền núi phía Bắc như
đã nói ở trên.
Hiện hồng Fuyu và Jiro mang xuất xứ Việt Nam bắt đầu thâm nhập thị trường xuất khẩu sang
Hồng Kông, Singapore
với mức giá nhiều triển vọng –từ 3,6 – 4,5USD/kg. Bởi vậy, đây là một vấn đề
gợi mở khá thiết thực nhưng không kém phần bức bách đối với công tác khuyến
nông, thay thế giống hồng mới cho Đà Lạt nói riêng, Lâm Đồng nói chung./.
THÁNG 7/2014