VĂN VIỆT
Nằm ở độ cao từ 1.000m- 1.500m, vùng đất
các huyện, thành phía Bắc Lâm Đồng rất “thuận” về khí hậu, thổ nhưỡng để sản
xuất các giống cà phê chè đặc sản có hương vị thơm ngon khác biệt, giá trị kinh
tế cao. Tuy nhiên, vì nhiều nguyên nhân khác nhau, lợi thế này đến nay vẫn chưa
được phát huy tương xứng.
Cà phê chè ( còn gọi là cà phê Arabica) có nguồn gốc
từ vùng Nam Mỹ, di thực vào vùng đất Lâm Đồng từ những năm 30 của thế kỷ 20. Trải
qua những thời kỳ thăng trầm, Lâm Đồng nói riêng và cả nước nói chung hiện đang
giữ lại 2 giống cà phê chè là cà phê catimor và cà phê moka để sản xuất, nhưng
với quy mô và điều kiện canh tác còn gặp nhiều hạn chế. Theo Viện khoa học Kỹ
thuật Nông Lâm nghiệp Tây Nguyên, giai đoạn từ năm 1997 – năm 2000, từ nguồn
vốn hỗ trợ của Quỹ AFD của Pháp, do quy hoạch những vùng sinh thái không phù
hợp; hoặc phù hợp nhưng quy trình tác động kỹ thuật, quản lý dịch hại tổng hợp
còn bất cập; trong khi phần lớn giống cây cà phê cũ thoái hóa… khiến cho Dự án
phát triển 40.000 ha cà phê chè của Việt Nam đã không thành công như kế hoạch
đề ra. Đến thời điểm cuối tháng 7/2014, cả nước đang trồng “cầm chừng” với diện
tích 30.000ha cà phê chè, trong đó chiếm 50% diện tích trồng ở các vùng đất
phía Bắc Lâm Đồng ( khoảng 15.000ha); 15.000ha diện tích cà phê chè còn lại
được trồng rải rác ở những địa hình đồi núi cao thuộc các tỉnh như: Sơn La
(6.000ha), Quảng Trị ( 5.000ha), Điện Biên ( 3.000ha) và Nghệ An (1.000ha)…
Kết quả khảo nghiệm của Viện Khoa học Kỹ thuật Nông
Lâm nghiệp Tây Nguyên cho biết, năng suất cà phê chè ở Việt Nam ( chủ yếu là
giống catimor) đang đạt ở mức “quá khiêm tốn” so với tiềm năng về đất đai, thời
tiết. Cụ thể, năng suất thu hoạch cà phê chè ( thu hạt nhân) chỉ mới đạt từ
0,68 tấn – 1,4 tấn/ha ở các tỉnh Thừa Thiên – Huế, Hòa Bình và Lâm Đồng; các
tỉnh đạt từ 1,6 tấn – 1,84 tấn/ha gồm Sơn La, Quảng Trị, Nghệ An và Đắc Lắk. Nguyên
nhân được phân tích là: Giống cà phê chè catimor ( chiếm trên 95% diện tích cà
phê chè Việt Nam) đang trồng và chăm sóc với mật độ khá dày, khả năng đề kháng
không cao đối với bệnh rỉ sắt và các bệnh “có tính chất hủy diệt khác”. Bên
cạnh đó, thói quen của nông dân thường thu hoạch quả xanh và chế biến khô ( ước
khoảng 30- 40% diện tích) đã ảnh hưởng đến sự ổn định của năng suất và chất
lượng chung trên từng vụ mùa. Thị trường tiêu thụ giống cà phê chè đặc sản ở Lâm
Đồng ( và cả nước) luôn cao gấp 2 lần trở lên so với giống cà phê vối, tính
theo tỷ giá USD vào thời điểm cuối tháng 7/2014, ước đạt khoảng 4USD/kg, thấp
hơn 25 lần so với cà phê đặc sản Blue Mountain của Jamaica .
Theo tiến sĩ Lê Ngọc Báu, Viện trưởng Viện Khoa học Kỹ
thuật Nông Lâm nghiệp Tây Nguyên, Lâm Đồng có rất nhiều yếu tố “thuận” để phát
triển và nâng cao chất lượng cà phê chè đặc sản, làm cơ sở từng bước “tiệm cận”
với giá trị cà phê đặc sản của thế giới. Bởi không chỉ với lợi thế về khí hậu
và thổ nhưỡng như đã nêu trên, Lâm Đồng mà còn là địa phương đi đầu cả nước về
ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, trong đó có nhiều kinh nghiệm về sản xuất
cà phê an toàn, bền vững theo tiêu chuẩn quốc tế; đã xây dựng thương hiệu “Cà
phê Arabica Langbian” và thương hiệu “Cà phê Di Linh” đang cùng khẳng định mình
trên thương trường trong và ngoài nước.
Nhằm tạo bước đột phá lợi nhuận về cà phê chè đặc sản
của mình, trước hết Lâm Đồng cần rà soát lại toàn bộ quy hoạch các vùng chuyên
canh để điều chỉnh, bổ sung thực sự phù hợp hơn. Kế tiếp cần thay đổi nguồn
giống cà phê chè đặc sản giống cũ sang trồng giống mới chất lượng cao như đã được
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận.
Như 2 giống cà phê chè mới
TN1, TN2 do các nhà khoa học trong nước lai tạo, qua khảo nghiệm đã chứng tỏ
khả năng kháng được bệnh rỉ sắt, tăng thêm năng suất từ 25- 32% so với các
giống cà phê chè truyền thống đang trồng. Và hơn nữa, Lâm Đồng cũng nên tổ chức,
vận hành lại các mô hình chuỗi giá trị cà phê chè đặc sản, tạo ra mối liên kết
ổn định và phát triển đi lên đồng bộ
giữa các khâu từ sản xuất, chế biến đến tiêu thụ, mở rộng thị trường xuất
khẩu./.
THÁNG 7/2014