Thứ Sáu, 7 tháng 3, 2014

Mênh mông đồng sâm Núi Bà

 Ghi chép: VĂN VIỆT
Kỳ I: Trồng rau gặp sâm
Cập nhật lúc 13:59, Thứ Ba, 29/01/2013 (GMT+7)
Khi Lâm Đồng chính thức thông qua kế hoạch hỗ trợ về khoa học và công nghệ năm 2013, nhiều người mới ngỡ ngàng trước dự án “Hoàn thiện quy trình bảo quản, chế biến đẳng sâm sau thu hoạch” của Công ty TNHH Cao Lâm, Đà Lạt. Hoá ra dưới chân Núi Bà của huyện Lạc Dương trong vòng bốn năm qua, công ty này đã xây dựng một cánh đồng sâm rộng lớn đến cả trăm ngàn mét vuông xanh tốt mỗi ngày

Một ngày giáp tết Quý Tỵ, tôi tìm đến đường Trần Khánh Dư, Đà Lạt để nghe chuyện kể về thượng đẳng nhân sâm Núi Bà ở Lạc Dương. Anh Nguyễn Phú Tuấn, “phu quân” của Giám đốc Công ty TNHH Cao Lâm, Đà Lạt mời tôi “nâng chén” sâm mật ong Núi Bà rồi mở lời tâm sự: “Năm 2009, vợ chồng tôi vào khu vực xã Đạ Chais, Lạc Dương triển khai dự án xây dựng nông trại trồng rau xanh trên 30 ha thì gặp một tiến sĩ khoa học thuộc Viện Dược liệu phía Nam đang nghiên cứu về đặc tính sinh thái của cây nhân sâm tự nhiên trong rừng rậm Bidoup - Núi Bà. Qua thăm hỏi công việc nông trại, nhà khoa học dược liệu này mách bảo tôi hãy cùng ông làm bước đột phá chuyển đổi sâm rừng thành sâm đồng. Biết mình chắc được “ơn quý nhân” cho “nhân duyên” gặp được thượng đẳng nhân sâm mà trong lòng cứ hết mừng rồi lại lo…”.

Anh Tuấn kể lại niềm mừng vui gặp được “quý nhân” tận tình chỉ bảo cho mình trồng loài đẳng sâm quý hiếm của trái đất, nhưng đồng hành đó là nỗi lo ngại mình sẽ làm sao để tiếp cận, thực hành trồng sâm một cách nhanh chóng mà đầy đủ, chuẩn xác và có hiệu quả theo kỹ thuật của người bạn tiến sĩ đã cởi lòng cho biết sau bao nhiêu năm trời nghiên cứu, thực nghiệm. Rồi trong một ngày bàn bạc giờ giấc, địa điểm chính thức “động thổ” xuống cây giống sâm đầu tiên để trồng, anh Tuấn nêu thắc mắc của mình (cũng có thể hiểu sát hơn là lời băn khoăn) với ông bạn tiến sĩ: “Thượng đẳng nhân sâm ở rừng Bidoup - Núi Bà là loài nhân sâm gì vậy? Nó có khác gì với sâm Ngọc Linh ở tỉnh Kon Tum và nhân sâm của Hàn Quốc?”. Vị tiến sĩ biết trước câu hỏi của người bạn mình cũng là những khao khát chung của người Lâm Đồng muốn biết, muốn bảo tồn, nhân rộng nguồn gen thượng đẳng nhân sâm Bidoup - Núi Bà thành cây thực phẩm chức năng đặc hữu, mang lợi thế so sánh của rừng núi bản địa Nam Tây Nguyên và cho hay bằng câu nói ngắn gọn: “Đây là một loài sâm hoang dại mà thiên nhiên ban tặng cho rừng núi Lâm Đồng. Mình còn hợp tác lâu dài để chuyển giao phương pháp canh tác thuần hoá từ cây sâm hoang dã thành cây sâm nông nghiệp mà…”.


Những ngày với ngày nối tiếp qua mau, anh Tuấn xuôi Nam ngược Bắc tìm gặp thêm nhiều nhà khoa học dược liệu để kể về cây thượng đẳng nhân sâm ở vùng rừng Bidoup -  Núi Bà, Lạc Dương; để được lĩnh hội  rồi “ngấm dần” với từng thông số khoa học của nhân sâm Bidoup - Núi Bà, Lạc Dương gồm: tên khoa học là Campanumoea javanica Blume, thuộc họ Hoa chuông (Campanulaceae), tên thường gọi là thượng đẳng nhân sâm, phòng đẳng sâm, đẳng sâm. Sâm sinh trưởng hoang dại và cho củ dưới tán rừng quốc gia bạt ngàn Bidoup - Núi Bà, qua kiểm nghiệm, phân tích của cơ quan nghiên cứu khoa học về dược liệu trung ương cho thấy hàm lượng saponin trong củ sâm ở rừng này đã đạt 6,37%. Trong khi chỉ tiêu hoá lý quy định hàm lượng saponin từ 3% đã “chuẩn” rồi. Vậy saponin có nghĩa là gì? Trước mắt, anh Tuấn hiểu được đại khái rằng saponin là hoạt chất chính tạo nên công dụng của nhân sâm. Mà trong các tài liệu trên thế giới và trong nước thì công dụng của nhân sâm được tôn vinh như một “vị thuốc tiên” của con người. Rằng dùng sâm sẽ tăng sức khoẻ, chống mệt mỏi cơ thể, giúp cho người suy nhược được ăn ngon hơn. Sâm tăng hồng cầu, đại bổ khí huyết, giảm cholesterol, làm đẹp da. Sâm tăng khả năng miễn dịch, chống lão hoá, ngừa ung thư. Sâm bổ thận, trị đau lưng…

Với thượng đẳng nhân sâm của rừng Bidoup - Núi Bà, Lâm Đồng còn được các cơ quan khoa học trong nước ghi nhận là một loại thực phẩm chức năng bổ dưỡng, có thể chế biến được nhiều món ăn ngon, cao cấp như: Canh sâm tươi hầm với các loại thịt heo, bò, gà với nhiều củ, quả, rau xanh; sâm tươi xay chung với các loài cây trái khác để thành sinh tố; sâm tươi cắt lát mỏng ngâm với mật ong; sâm tươi nguyên củ ngâm với rượu một tháng sau thì bắt đầu sử dụng được… Nghe, đọc, tiếp thu, trang bị, nâng cao những hiểu biết của mình về dược tính của loài rau thuốc sâm Núi Bà, Lâm Đồng, anh Tuấn hướng suy nghĩ của mình về khách hàng trong nước: “… Sâm Hàn Quốc đang bán ở khắp siêu thị và khắp các khu chợ lớn trong nước với giá bán đến năm, mười triệu đồng đối với bình rượu vài lít ngâm với đôi, ba củ sâm tươi. Mỗi ký củ sâm đóng gói giá bán hàng chục triệu đồng thực sự quá khó khăn và là nỗi ước ao đối với người có trong mức thu nhập trung bình khá trở xuống ở Việt Nam. Vậy sao Lâm Đồng có đẳng sâm Bidoup - Núi Bà với công dụng tương đương như nhân sâm Hàn Quốc mà vẫn còn quá xa lạ với cư dân nước Việt?”.

Trăn trở của ông bạn “Tuấn trồng trọt” rồi cũng được ông bạn tiến sĩ dược “giải toả”: “Đẳng sâm tự nhiên trong rừng Bidoup - Núi Bà đã được cơ quan khoa học ở ngành dược liệu trung ương nhân giống thành công từ phòng thí nghiệm. Khi đưa chồi mầm ra vườn ươm trong nông trại của Tuấn cũng nằm trong vùng sinh thái của Bidoup- Núi Bà nên có cơ sở để lạc quan sẽ sớm thành công…”. Đến đây thì Tuấn tự vấn mình: “Khoa học đã chứng minh, mình đã xây dựng cho mình một khối kiến thức về dược liệu sâm, coi như là hai yếu tố cấu thành nguồn vốn chính cho mình để đầu tư phát triển cánh đồng đẳng sâm. Nếu cứ mãi phân vân, bàn ra hay còn e ngại thì sẽ trôi mất cơ hội “gặp duyên” với sâm có một không hai trên đời…”.

Một ngày chưa hết quý I năm 2009, Tuấn phá bỏ 1 sào rau xanh đang trồng dang dở để làm đất, lên luống, chính thức xuống giống trồng 1.000 cây giống đẳng sâm. Nhưng, sau khoảng 90 ngày dốc hết tâm huyết để chăm bón, theo dõi từng sợi rễ cây bám trên đất, từng vết đốm đổi màu trên mầm chồi, nụ lá, rốt cuộc “Tuấn trồng trọt” đã phải nhận “vị đắng đầu tay” khi 1.000 cây giống đẳng sâm “hạ thổ” chỉ còn sống được 50 cây…

Kỳ II: Đồng sâm chục tỷ

Một ngày cuối năm, tôi thong dong trên Tỉnh lộ 723 rời Đà Lạt 50 cây số để đặt chân vào giữa cánh đồng sâm mênh mông dưới chân núi rừng lá rộng Bidoup - Núi Bà, Lạc Dương. Trước cảnh đồi núi, suối nước hữu tình và tiện lợi, “Tuấn trồng trọt” cho biết đã tự huy động nguồn vốn đầu tư của mình hơn chục tỷ đồng mới xây dựng nên cánh đồng sâm “chục mẫu” này.

Đưa tôi vào sâu trong cánh đồng sâm chục tỷ, anh Nguyễn Phú Tuấn, “phu quân” của Giám đốc Công ty TNHH Cao Lâm, Đà Lạt kể lại cái giá đợt trồng đầu tiên và liên tục sau này mà công ty gia đình anh phải trả với tỷ lệ sâm xuống giống trồng rồi chết từ 80% giảm xuống đến 70% và đến nay vẫn ở tỷ lệ khá cao là 50-60%. Đối với “Tuấn trồng trọt”, tỷ lệ này dù đang giảm xuống “chầm chậm”, nhưng đó là “lộ trình” phát triển đi lên, là bước đi phản ánh đúng trình độ, kỹ thuật tự học qua các nhà khoa học, học qua các tài liệu nghiên cứu sưu tầm và học qua thực tế kinh nghiệm mỗi ngày trên đồng sâm của Tuấn.

Vậy sau 4 năm đưa sâm từ rừng xuống trồng trên đồng, sâm giống bị chết nhiều bởi nguyên nhân ở đâu? “Tuấn trồng trọt” giải đáp: 3 tháng trồng lần đầu, bỗng thấy hàng loạt luống sâm với cành, lá bị mềm nhũn rồi rã tan xuống đất. Nhổ cây sâm lên thấy từng sợi rễ đã “chết rục” từ lúc nào, Tuấn xin tư vấn các nhà khoa học dược liệu trong nước mới biết rằng do tưới tắm cho sâm quá thừa lượng nước, luống đất trồng đổ, đắp đất lên còn thấp, không thoát nước kịp làm cây bị úng. Lần thứ hai thấy xen kẽ từng luống sâm theo nhau úa vàng màu lá rồi chết cháy, Tuấn lại tra cứu các tài liệu y văn trên thế giới và đối chiếu với quy trình sản xuất, đã xác định do khâu làm đất chưa kỹ lưỡng, đất chưa đủ độ tơi xốp khi xuống giống, nên rễ kém phát triển, dinh dưỡng từ đất thường xuyên bị “nghẽn lưu thông”, không kịp lưu dẫn lên nuôi thân và lá cây. Rồi đến lứa sâm trồng gần đây nhất, mới được mấy tháng, mầm chồi đang thời điểm phát triển dài ra để bò leo trên luống đất, nhưng cứ sáng ra thấy từng mảng cây bị gãy rụng cành lá rơi đày đất. Tuấn lại hỏi các nhà khoa học dược, “hỏi” trên tài liệu và hỏi công nhân trực tiếp chăm sóc, “đáp án” được đưa ra là việc chiết mầm chồi sâm mới để trồng chưa đạt yêu cầu…

Kiên trì trồng và rút kinh nghiệm ngày hôm sau với ngày hôm trước, tháng sau với tháng trước, năm sau với năm trước, đầu năm 2013, “Tuấn trồng trọt” đã xây dựng hoàn thành một cánh đồng “bờ xôi ruộng mật” 10 ha Đẳng sâm dưới chân Rừng Quốc gia Bidoup - Núi Bà thuộc xã Đạ Chais, huyện Lạc Dương. Vừa trồng, chăm sóc, vừa chiết mầm chồi giống sâm mới ngay trong lúc thu hoạch củ, dưỡng nuôi trong vườn ươm đến 3 tháng sau mới đưa ra trồng xuống đồng, thay thế nhanh chóng những cây vừa chết, từ đó luôn giữ độ che phủ màu xanh kín dày 10 ha của đồng sâm quanh năm suốt tháng. Cuối năm 2011, Tuấn thu hoạch lứa củ sâm đầu tiên trên 1 sào đất đạt vài chục ký. Đưa sâm đồng xuống cơ quan dược liệu của trung ương ở phía nam kiểm nghiệm cho kết quả hàm lượng Saponin cũng đạt 6,37%, bằng hàm lượng của sâm tự nhiên trong rừng Bidoup - Núi Bà. Mừng quá vì sâm trồng đã đảm bảo chất lượng, Tuấn đưa vài chục ký sâm đầu tiên xuống một siêu thị tại Sài Gòn với giá “đầu vào” mỗi ký tươi từ 500 ngàn đồng đến 1,5 triệu đồng. Một tuần sau, siêu thị này gọi điện thoại lên báo Tuấn “đã hết hàng”!

Ngày 29/2/2012, Công ty TNHH Cao Lâm, Đà Lạt, do “phu nhân” của Tuấn làm giám đốc đã công bố sản phẩm củ sâm tươi do công ty sản xuất đảm bảo yêu cầu chất lượng. Đến ngày 19/3/2012, Sở Y tế Lâm Đồng cấp Giấy Chứng nhận trong thời hạn 3 năm, chứng nhận sản phẩm củ sâm tươi cho công ty của Tuấn “phù hợp với các quy định hiện hành về chất lượng, vệ sinh, an toàn thực phẩm và được phép lưu hành nếu thương nhân bảo đảm sản phẩm đạt chất lượng như đã công bố”. Và đến ngày 22/3/2012, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Lâm Đồng cấp tiếp Giấy Chứng nhận trong thời hạn 3 năm, chứng nhận củ sâm tươi cho công ty của Tuấn “đủ điều kiện vệ sinh, an toàn thực phẩm để sản xuất, kinh doanh”.

Có đủ giấy phép, đủ cơ sở pháp lý và đủ cơ sở khoa học để sản xuất và kinh doanh, Tuấn đã bước đầu mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm Đẳng sâm tươi tự trồng về các siêu thị thành phố Hồ Chí Minh với số lượng tăng dần mỗi năm: Năm 2011 bán 150 ký, năm 2012 bán 1 tấn và kế hoạch trong năm 2013 tiếp tục thu bán khoảng 1,5 tấn. Mới hai tuần trước, Tuấn đã thu hoạch lần lượt trên 1 sào đất với tổng cộng gần 1 tạ củ sâm tươi, đưa “lên bờ” sơ chế rồi xuôi về các siêu thị phía nam tiêu thụ với giá bán bằng cùng kỳ năm trước -  giá mỗi ký sâm tươi từ 500 ngàn đồng đến hơn 1,5 triệu đồng tuỳ theo loại. “Tính ra cứ 1 ha trồng Đẳng sâm đến năm thứ 4 thu hoạch, tổng số tiền đầu tư cũng phải trên dưới 1 tỷ đồng. Nhân với 10 ha đầu tư thành chục tỷ đồng. Nếu hạch toán hiệu quả kinh doanh thì đồng sâm trồng đến hết năm thứ 4 sẽ thu hoạch củ bán, lấy lại đủ vốn đầu tư ban đầu, đến năm thứ 5 trở đi, lợi nhuận bạc tỷ trên mỗi ha trồng Đẳng sâm Núi Bà không phải là chuyện khó. Mà điều tôi cảm thấy thành công nhất bây giờ là người dân Việt có mức thấp nhất trong mặt bằng chung đã bắt đầu có đủ tiền mua dùng sâm tươi của mình trồng trên đất Lâm Đồng, Việt Nam…” - Tuấn chia sẻ.

… Bây giờ mùa khô năm 2013 đang đến cùng đón Xuân Quý Tỵ, xung quanh tôi là mênh mông đồng sâm Núi Bà 10 ha của “Tuấn trồng trọt” vào mùa thay lá để dành trọn những dưỡng chất nuôi củ phát triển. Một công nhân chăm sóc đồng sâm chuẩn bị về quê miền Trung ăn tết, được ông chủ “Tuấn trồng trọt” bảo cứ vô tư đào năm, bảy ký sâm “cây nhà lá vườn” về biếu gia đình, người thân. Rồi Tuấn bảo anh công nhân này sau tết hãy cố gắng trở lại để cùng hướng dẫn cách chăm sóc, thu hoạch đồng sâm cho những lớp công nhân mới vào nghề vì đến cuối năm 2013, Tuấn tiếp tục huy động thêm chục tỷ đồng nữa để đầu tư cải tạo đất, xuống giống, mở rộng thêm cánh đồng sâm tươi mười mẫu nữa.

Hẹn trở lại đồng sâm Núi Bà vào mùa sau, về lại Đà Lạt, tôi điện hỏi nhanh và được Phó Giáo sư - tiến sĩ Trần Công Luận, Giám đốc Trung tâm Sâm và Dược liệu thành phố Hồ Chí Minh đánh giá: “Cây Thượng đẳng nhân sâm của công ty anh Tuấn đang trồng là một trong 40 loài cây nằm trong danh mục cây thuốc quý cần được bảo tồn và phát triển của Bộ Y tế. Việc mở rộng cánh đồng trồng sâm lớn nhất Việt Nam của anh Tuấn là việc góp phần phát huy tiềm năng, giá trị “rừng vàng” của tỉnh Lâm Đồng…”.

Ghi chép: VĂN VIỆT