VĂN VIỆT
Qua
bàn tay kỹ thuật “thuần dưỡng” khác biệt, nghệ nhân hoa Phạm Tiến ( Làng hoa
Xuân Thành, Đà Lạt) đã nâng vị thế hoa cẩm tú cầu, một loài hoa trang trí đường
phố trở thành loài hoa sản xuất kinh doanh. Những chuyến hàng hoa Đà Lạt đến 3
miền Bắc, Trung, Nam trong nước đã và đang “chen vai thích cách” bởi các sắc
màu cẩm tú cầu ở đồng nhà.
Ra phố tìm giống hoa
Từ lâu, ông Phạm Tiến, nghệ nhân hoa ở Làng hoa Xuân
Thành, Đà Lạt đã được nhiều người biết đến là người có tay nghề lâu năm về trồng
các loại hoa lay ơn, hoa hạt ngọc ngoài trời và các loài hoa nhà kính như bi
bi, sa lem, cúc...Nhưng với tinh thần không ngừng vượt khó, tìm tòi các loài
hoa giống mới để tạo sự phong phú trên đồng hoa, ông Tiến đã tiến hành nhiều thời
gian trồng hoa thử nghiệm cá nhân, trong đó đã công bố kết quả bước đầu sản xuất
đại trà giống hoa cẩm tú cầu đường phố.
Ông Tiến chia sẻ: “ Tôi là nông dân sản xuất hoa nên
khi ra phố thường tập trung chú ý nhiều nhất đến hoa. Một lần trông thấy hoa cẩm
tú cầu trồng dưới tán thông ở sân vườn với màu sắc đậm nét hơn nhiều so với cẩm
tú cầu trồng giữa nắng mưa bên đường phố, tôi đã suy nghĩ rất nhiều. Rồi một lần
khác, nhiều bạn hàng đặt vấn đề mua hoa cẩm tú cầu với số lượng “hàng sỉ”, buộc
tôi cũng phải tính toán rất nhiều trước khi nhận lời… ”
Cân đối diện tích khu vườn sản xuất của mình ở Làng
hoa Xuân Thành, ông Tiến bố trí 2.000m2 đất trồng rau chuyển sang trồng hoa cẩm
tú cầu với nguồn giống gồm những “mắt hom” xin và mua ( giá tượng trưng) từ các
hộ gia đình trồng tiểu công viên cây cảnh hoặc từ các vườn ươm cây xanh ở Đà Lạt.
Đây là diện tích đất nằm dưới chân một ngọn đồi, có thể chắn bớt nguồn gió và
điều hòa nguồn nắng râm mát cho cẩm tú cầu ra hoa được đẹp hơn.
Đó là thời điểm thu hoạch những lứa rau cuối cùng của
mùa xuân năm 2011, trên 2.000m2 đất, ông Tiến cày sâu lại cho sạch cỏ, sạch những
mầm bệnh trước khi dồn đắp lên từng vồng luống đất để xuống hom giống cẩm tú cầu.
Quy cách trồng cẩm tú cầu với hom cách hom từ 20- 25cm; hàng cách hàng từ 30 –
40 cm; mỗi luống trồng 2 hàng chạy dọc song song với nhau.
Đổi màu cẩm tú cầu
Đặc tính của hoa cẩm tú cầu thường đổi màu hoa hàng
ngày, hàng tuần, có thể từ màu trắng xanh chuyển sang màu xanh ngọc hoặc từ màu
trắng sữa chuyển dần sang màu xanh lam rồi hồng hồng, tim tím…khá bắt mắt. Phát
huy nghề hoa đã tích lũy bề dày kinh nghiệm, nghệ nhân Phạm Tiến đã hoàn chỉnh
dần quy trình tưới nước, bón phân, phòng trừ tổng hợp khá thích hợp với từng dự
báo khí hậu, thời tiết cho ngày hôm sau. Nhờ vậy, trong vườn hoa 2.000m2, ông
Tiến đã “quy hoạch” mỗi màu hoa với mỗi số lượng thu hoạch tương ứng ở mỗi khu
vực khác nhau, từng bước đáp ứng và “gợi mở” thị hiếu sử dụng của người mua
hoa.
Sau 1 năm trồng lứa cẩm tú cầu thử nghiệm cho hoa tương
đối đạt yêu cầu từ kích thước đến màu sắc của hoa, ông Tiến mở rộng diện tích
trồng liên canh lên thành 3.000m2. Tiếp theo đến giữa năm 2013, ông Tiến “liên
canh” thêm 3.000m2, nâng tổng số diện tích trồng hoa cẩm tú cầu hiện tại đến
6.000m2 tọa lạc giữa Làng hoa Xuân Thành, Đà Lạt rộng lớn.
Trong vòng hơn 3 tháng qua, nghệ nhân Phạm Tiến
chính thức đưa hoa cẩm tú cầu ra thị trường cạnh tranh. Không ngoài dự đoán khả
quan từ trước, trên 3.000m2 bước vào thời kỳ kinh doanh hàng ngày, ông Tiến thu
hoạch trên dưới 100 cành hoa cẩm tú cầu nhiều màu sắc, giá bán sỉ trên dưới
5.000 đồng/cành. Tính toán trừ hết chi phí 2.500 đồng/cành cho vốn đầu tư, công
lao động, khấu hao máy móc… thì ông Tiến thu lãi ổn định trên 30 triệu đồng/1.000m2/năm.
Trong khi tính quân bình trồng rau trong nhiều năm qua, ông Tiến không thể có
được khoản lãi như trồng hoa cẩm tú cầu trên diện tích này.
Còn hơn 1 năm nữa, nghệ nhân Phạm Tiến mới thu hoạch
hoa cẩm tú cầu cắt cành thêm diện tích 3.000m2, lúc đó sản lượng sẽ tăng gấp
đôi bây giờ. Đây là một tín hiệu khả quan về chuyển đổi đa dạng giống hoa không
chỉ nói riêng với nghệ nhân Phạm Tiến ở riêng Làng hoa Xuân Thành, mà còn nói
chung với những người trồng hoa kinh doanh ngoài trời ở những làng hoa khác của
Đà Lạt./.
THÁNG 3/2014