Thứ Năm, 13 tháng 3, 2014

Bình tích điện từ đồng nát

VĂN VIỆT
Ông Thái Sinh Hòa, chủ quán cơm ở góc đường Ba Tháng Hai –Nguyễn Văn Cừ - Lê Quý Đôn đã mày mò sáng chế hệ thống tích điện từ các mảnh đồng nát, kết quả hàng tháng đã giảm xuống rất thấp chi phí tiền điện thắp sáng của mình.    
Mất điện, mất khách

Từ người thợ sửa đồng hồ đến người thợ sửa máy giặt “kiêm” chủ Quán cơm Huỳnh Lan, số 154, đường Ba Tháng Hai, Đà Lạt, ông Thái Sinh Hòa ( sinh năm 1946 ) luôn cần mẫn trong công việc của mình, tạo sự hài lòng cho khách. Chừng hơn 5 năm trở về trước, quán cơm 40 m2 ( sức chứa 6 bàn nhỏ với 30 thực khách) của ông Hòa thường khi mất điện về đêm, nhất là những ngày mưa lạnh, khiến cho doanh thu giảm sút vì mất dần lượng khách quen.
Để chủ động nguồn ánh sáng cho quán cơm phục vụ về đêm, ông Hòa bỏ ra cả bạc triệu đi mua các bộ đèn sạc ở các cửa hàng đồ điện trong thành phố Đà Lạt, nhưng thời gian sử dụng thường đến hơn tiếng đồng là hết nguồn. Quán cơm là…nồi cơm cho cả gia đình nhiều người của mình, nên không thể “bó tay” trước tình trạng mất điện, mất khách nhiều lần trong tháng như vậy. Từ đó, ông Hòa nghĩ đến điều đầu tiên là chiếc bình ắc quy tích điện âm - dương một chiều.
Lần dò đến các vựa mua bán đồ đồng nát ở Đà Lạt, ông Hòa mua được về một lần mấy chiếc bình ắc quy xe hơi đã phế thải. Cặm cụi nghiên cứu, ông Hòa cũng đã “chế tạo” mới một chiếc bình ắc quy từ nhiều chiếc bình ắc quy cũ, tổng điện thế đo được 12vol. Mừng quá, ông Hòa mua về thêm một bộ đèn led dài khoảng 01m, gồm 20 bóng ( công suất 1w/giờ) đấu vào bình ắc quy, lập tức đèn phủ sáng cả một bàn ăn. Rồi ngay sau đó ông Hòa cố định dãy đèn led trên mặt kính phản quang thay cho chóa đèn phải mua, tạo cường độ ánh sáng càng tăng cao hơn.           
Tích điện, tăng thu nhập
Ông Hòa bắt đầu làm phép tính kinh tế từ chiếc bình ắc quy tự chế 12vol nói trên. Theo đó, chiếc bình có thể cấp điện trên 6 bộ đèn led ( mỗi bộ dài 01m, 20 bóng) liên tục trong vòng 5 giờ ban đêm, tổng điện năng tiêu thụ là 6w/giờ. Trong khi quán cơm đang sử dụng 3 bóng đèn tuýp ( loại dài 0,6m), mỗi bóng tiêu thụ điện năng lên đến 20w/giờ. Hiệu quả số điện năng thắp sáng được tiết kiệm hơn 10 lần ( từ 60w xuống còn 6w).
Tuy nhiên việc sử dụng bình ắc quy tự chế 12vol phải đưa ra tiệm sạc điện hàng ngày là vẫn còn gặp nhiều bất tiện. Lại trằn trọc nhiều đêm tự phác thảo thiết kế, ông Hòa tiếp tục chế tạo thành công cuộn biến áp “chuyển dịch” từ nguồn điện lưới xoay chiều sang bình ắc quy thành điện một chiều. Cứ ban ngày sạc bình dự phòng cho ban đêm cúp điện sẽ bật sáng đèn led trong quán cơm.
Nhưng sáng chế siêu tiết kiệm điện của ông Hòa đâu thể dừng lại ở đó. Ông Hòa lại đến các vựa đồng nát ở Đà Lạt mua các đồ điện phế thải về chế tạo thêm một chiếc rờ le tự động. Chiếc rờ le này sau khi hoàn chỉnh các mạch dẫn, ông Hòa bổ sung vào “dây chuyền” tự động sạc điện và tự động thay đổi nguồn điện thắp sáng đèn led. Cụ thể, những ngày và đêm bình thường, hệ thống đèn led vẫn được thắp sáng từ nguồn điện lưới xoay chiều, nếu bất ngờ bị cúp điện xoay chiều thì chiếc rờ le làm chức năng tự động chuyển sang thắp sáng từ chiếc bình ắc quy nguồn điện một chiều.
Hỏi về số tiền đầu tư cho sáng chế nêu trên, chủ quán cơm Thái Sinh Hòa cho biết: Hiện 1 bộ đèn led 20 bóng chỉ với giá 60.000 đồng; còn tất cả đồ điện để sáng chế hệ thống tích điện đều mua từ đồ đồng nát, vị chi hết thảy chỉ vài chục ngàn đồng.
Kỹ sư vật lý của Sở Khoa học và Công nghệ Lâm Đồng, anh Lê Văn Công đánh giá sáng chế bình cấp điện một chiều từ đồng nát của ông chủ quán cơm Thái Sinh Hòa là sáng chế siêu tiết kiệm điện và hết sức hữu ích vì giá rẻ. Đặc biệt ở những vùng sâu, vùng xa của Lâm Đồng, việc cấp điện lưới đến nơi còn khó khăn thì chiếc bình ắc quy và những bộ đèn led lắp ráp theo “dây chuyền” của ông Hòa lại càng thích hợp và vô cùng cần thiết./. THÁNG 3/2014