Ghi chép VĂN VIỆT
Khi lập đông, thời tiết
hanh khô là Đà Lạt bắt đầu giai đoạn thu hoạch rau xanh với số lượng hàng ngày
tăng đều, tăng liên tục cho đến đầu mùa hạ năm sau. Trên đồng rau mang thương
hiệu “Xuân Hương Đà Lạt”, ông Chủ nhiệm đã qua nhiều năm tuổi lục tuần, vẫn
nhanh nhẹn mỗi tuần tổ chức thu hoạch, sơ chế cả chục tấn rau an toàn của mình
và của xã viên để chất lên xe lạnh chạy ra Bắc, vào Nam, xuống duyên hải miền
Trung rồi ngang qua các tỉnh Bắc Tây Nguyên để bán cho hệ thống siêu thị và các
chợ đầu mối ngoài trời. Đã mười năm đi bán rau mà điểm lại thấy như mới ngày
nào đây thôi, ông Chủ nhiệm một mình đến các siêu thị ở Sài Gòn tìm những người
không quen, không biết…
Ông Chủ nhiệm đó là Trần Đức Quang, Chủ
nhiệm HTX Xuân Hương, Đà Lạt, một đơn vị kinh tế tập thể của nông dân được vinh
dự đón Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đến thăm vào cuối năm 2012. Dành gần cả giờ
đồng hồ xuống trực tiếp vườn rau của ông Chủ nhiệm và của những xã viên tiêu biểu,
Tổng Bí thư đã rất phấn khởi trước hình thức hợp tác giúp nhau làm ăn, giúp
nhau sản xuất trồng rau nhà kính công nghệ cao, quanh năm tiêu thụ ổn định sản
phẩm trên 5 ha, đem lại đời sống khấm khá của hơn 20 hộ gia đình. “Tôi giới thiệu
hơn 10 giống rau công nghệ cao đang khẳng định lợi thế cạnh tranh của HTX Xuân
Hương, Tổng Bí thư mừng lắm rồi dặn dò chúng tôi hãy tiếp tục giữ vững và nâng
cao chất lượng sản phẩm, mở rộng diện tích thêm nhiều hơn nữa… ” –Ông Chủ nhiệm
kể.
Nhớ hồi cuối những năm chín mươi của
thế kỷ trước, ông Quang tham gia công tác ở Hội Nông dân phường 9, Đà Lạt đã chủ
động đưa ra ý tưởng để cấp ủy, chính quyền địa phương xây dựng thành mô hình tổ
hợp tác làm điểm phát triển sản xuất rau. Bấy giờ rau xanh Đà Lạt phần lớn những
giống trồng đã có từ nửa thế kỷ trước, rau trồng ngoài trời trong một thời gian
dài mới thu hoạch, hiệu quả thu lại rất thấp, đời sống nông dân khó tạo ra được
những bước thay đổi lớn, nên cần phải cấp thiết chọn giống và áp dụng công nghệ
canh tác mới để tạo ra những sản phẩm mới cho thị trường, từ đó nâng cao nhu cầu
của người tiêu dùng. Trao đổi ý tưởng này với người bạn học thời tú tài cũ,
đang là tiến sĩ nông nghiệp làm đại diện cho một doanh nghiệp thu mua rau xanh ở
Sài Gòn có chi nhánh tại Đà Lạt, rất may gặp đúng địa chỉ mà ông Quang cần tìm
để hợp tác. Bên bạn hứa giúp nguồn giống, giúp thiết kế xây dựng nhà lưới, hướng
dẫn kỹ thuật canh tác và tiêu thụ toàn bộ sản phẩm. Bên ông Quang có sẵn 4.500
mét vuông đất, mạnh dạn bán khá nhiều lượng vàng huy động được từ trong và
ngoài gia đình làm nguồn vốn đầu tư và huy động công lao động tại chỗ.
Bạn chỉ sao, ông Quang làm đúng như vậy
từ công đoạn phủ giăng nhà lưới chắn mưa che nắng đến các công đoạn xới đất, xuống
giống và tỉa lá, bón phân…trong suốt 45 ngày mới chính thức thu hoạch. Ông
Quang trở lại cảm giác sung sướng lúc đó: “ Nhìn từng trái ớt căng da, xanh thẩm;
từng búp lơ non mơn mởn, từng cọng lá xà lách chứa đầy nước tươi rói…vừa đưa
lên khỏi mặt đất, có ông bạn đứng bên đầu bờ chờ mua, mình mới thấy hướng mở
công nghệ mới đầy khả thi của nghề trồng rau Đà Lạt… ” Bán hết rau của mình rồi nông dân Quang “được
nước” đặt vấn đề với ông bạn tiến sĩ để hợp tác sản xuất, bao tiêu sản phẩm với
6 hộ gia đình người láng giềng trên diện tích 02 ha. Một tháng rưỡi sau thời
gian sản xuất rau trong nhà lưới như kiểu ông Quang, nhiều tấn rau xanh các loại
vừa thu hoạch khỏi đầu bờ là có xe của người “tiến sĩ bạn” đón đợi, chở về Sài
Gòn tiêu thụ trong ngày; ngày hôm sau giao tiền đủ cho người sản xuất, nhẩm
tính đưa ra ngay đáp số “lời cao hơn khá lớn so với trồng rau ngoài trời…”
Mô hình hợp tác sản xuất rau theo hướng
công nghệ cao của nông dân Trần Đức Quang đã mang lại hiệu quả từ thực tiễn, cấp
ủy đảng phường 9, Đà Lạt đưa vào Nghị quyết nâng lên quy mô từ tổ hợp tác thành
hợp tác xã trong năm 2003. Câu chuyện của ông Quang lại liền mạch: “ Lúc đó,
tôi vận động bà con láng giềng vào sản xuất hợp tác xã, tôi chắc chắn sẽ đi bán
hết rau cho xã viên. Nhưng mọi người đều lắc đầu ngài ngại rằng, vào xã viên
đâu còn giữ đất để sản xuất, đâu còn được quyết định giá bán rau của mình, đâu
còn được chọn giống cây để trồng…Xã viên chỉ biết làm theo kế hoạch tập trung của
hợp tác xã rồi tính điểm theo ngày công để chia hoa lợi…” Ông Quang cử để bà
con giải bày hết những băn khoăn rồi chậm rãi giải thích: “Bà con đang nói về mô
hình hợp tác xã thời bao cấp. Chứ luật mới bây giờ, xã viên hoàn toàn chủ động
từ sản xuất đến tiêu thụ, hợp tác xã đứng ra đại diện tư cách pháp nhân cho xã
viên để ký kết các hợp đồng liên kết liên minh với các đối tác làm ăn…”
Tháng 4/2003, đại hội xã viên Hợp tác
xã Xuân Hương, Đà Lạt chính thức triển khai, kết quả 21/21 đại diện hộ xã viên
đã bầu ông Trần Đức Quang làm Chủ nhiệm, “đứng mũi chịu sào” tổ chức chuyển
giao kỹ thuật sản xuất, tìm kiếm nơi bán rau nhà lưới trên diện tích 05 ha. Trong
khi ông bạn tiến sĩ nông nghiệp chỉ mới đủ khả năng bao tiêu trên 02ha, còn lại
03 ha, xã viên đặt hết niềm tin vào sự xoay xở của ông Chủ nhiệm. Quả đúng như
vậy. Vụ thu hoạch lứa rau nhà lưới đầu tiên, ông Chủ nhiệm Quang đã bán hết những
ký rau cuối cùng của xã viên đưa về một siêu thị lớn ở Sài Gòn. Thì ra xã viên
mới biết ông Chủ nhiệm đã lặng lẽ một mình xuống Sài Gòn làm quen chào hàng với
từng cán bộ phụ trách kinh doanh ở từng siêu thị. Hành trang đi bán rau gồm: giấy
phép kinh doanh của hợp tác xã, những tấm ảnh chụp hơn 10 sản phẩm rau của xã
viên, các hợp đồng tiêu thụ rau với ông bạn tiến sĩ nông nghiệp, cuối cùng là
tư chất mộc mạc, chân tình của người nông dân “gốc sú” Đà Lạt vốn có của ông Chủ
nhiệm…đã thuyết phục đối tác ở Sài Gòn bỏ thời gian hơn 10 ngày lên đồng rau của
hợp tác xã tham quan, tìm hiểu và ký kết tiêu thụ lâu dài.
Siêu thị này bán được rau của Hợp tác
xã Xuân Hương, Đà Lạt đã nhanh chóng loan tin đến siêu thị khác ở Sài Gòn theo
đó đặt hàng tăng lên mỗi ngày từ 2 – 3 tạ rau các loại. Những năm kế tiếp, cũng
với vốn hành trang có được như trên, ông Chủ nhiệm Quang lại lặn lội sang các tỉnh
Bắc Tây Nguyên, ký kết và triển khai được hợp đồng bán rau liên tục hàng tháng
trên dưới 10 tấn rau; rồi xuống các tỉnh duyên hải Trung Trung Bộ và Trung Nam
Bộ ký kết và duy trì khối lượng hợp đồng bán mỗi tháng từ 5- 10 tấn rau. Uy tín
của ông Chủ nhiệm là nói sao thì làm vậy, rau chất lượng bao nhiêu tương ứng với
giá bán bấy nhiêu, bên mua nhận hàng xong phải giao đủ tiền cho bên bán để đưa
về tận tay từng xã viên. Nhưng ông Chủ nhiệm cũng đã dứt khoát “nghỉ chơi” với
một đối tác ở Vũng Tàu khi “sự bất quả tam” nhận đủ hàng rau mà không thanh toán tiền đúng
hạn, sòng phẳng.
Năm mới 2013 là bước sang năm thứ 10,
xã viên Hợp tác xã Xuân Hương, Đà Lạt vẫn tín nhiệm “buộc” ông Trần Đức Quang
giữ chức Chủ nhiệm đi bán rau cho xã viên với mức lương mỗi tháng trên dưới 4
triệu đồng. Nhưng trò chuyện với tôi, ông Chủ nhiệm Quang vẫn luôn hào sảng: “
Hợp tác xã giàu hay nghèo không quan trọng. Quan trọng là xã viên hợp tác xã phải
giàu lên mỗi năm. Trong năm 2012, lợi nhuận của xã viên thu được trên 01 ha rau
là 550 triệu đồng. Con số này hợp tác xã chúng tôi sẽ phấn đấu tăng cao hơn nữa
trong năm 2013 bằng biện pháp sản xuất công nghệ mới hơn, mở rộng thị trường
bán rau nhiều hơn… ”
Đà Lạt đầu năm 2013