VĂN
VIỆT
Đi mười lăm cây số từ trung tâm Bắc Kinh
theo hướng Bắc, chúng tôi thỏa sức chiêm ngưỡng Cung điện mùa hè với không gian
mở của nữ vương quyền Từ Hy Thái Hậu. Cung điện rộng hơn 290 ha, được Từ Hy chi kinh phí 5 triệu lạng bạc xây dựng từ
cuối thế kỷ thứ mười chín, để lại ngày nay là một trong những khu du lịch khám
phá lịch sử một triều đại phong kiến nhiều biến cố của Trung Hoa.
Chúng
tôi lần theo bậc thềm đá ven hồ Côn Minh để tận hưởng không khí đất trời thanh thoát
của một ngày mưa nhẹ. “Hồ nhân tạo đấy. Rộng đến hơn 200 ha.”- Người hướng dẫn
viên du lịch Trung Hoa nói. Mưa nhẹ tan lẫn vào làn sương bay mỏng manh trên
gương hồ, tao nên một bức tranh như chốn tiên bồng hư hư thực thực.
Xa xa mặt
nước là ốc đảo Nam Hồ nhô lên như tấm lưng trần của trang thanh niên lực lưỡng,
săn chắc, bất chấp những mùa mưa nắng hay lạnh giá trong năm. Nam Hồ nối liền
với bờ hồ Côn Minh phía đông là cây cầu đá mười bảy nhịp, dài 150 mét, thiết kế
thành hình một nửa vầng trăng gieo xuống mặt hồ. Người hướng dẫn viên ở đây
cũng cho biết cảnh đón du khách tản bộ trên cầu vào đảo là hai hàng sư tử bằng
đá với 500 con, mỗi con khắc lên một nét sống động, uy nghiêm, do những nghệ nhân
tinh xảo của triều đại vương quyền Từ Hy chế tác để lại đến bây giờ. Neo lại
bên cầu là chiếc thuyền đá quý giành riêng cho Từ Hy ngoạn cảnh, thưởng trà.
Chuyện
kể lại rằng Từ Hy mới hai mươi bảy tuổi đã bị góa chồng nên bà có rất nhiều
tình nhân mà vẫn giữ được sự quyến rũ của một người đàn bà khi đã đến tuổi lục
tuần. Một trong những bí quyết kéo dài sắc thanh xuân của Từ Hy là đã uống đều
đặn biệt dược chế biến từ ngọc trai nuôi dưới hồ Côn Minh. Và bà cũng dùng chất
ngọc trai để giữ cho làn da của mình được mịn màng lâu hơn.
Từ
Hy Thái Hậu qua đời ở tuổi bảy mươi tư sau năm mươi tám năm vào cung vua và trở
thành người đàn bà nắm trọn vương quyền của nhà Thanh. Truyện sử đã sơ lược : Từ
Hy vốn là một cô gái quê đất Mãn Châu, tên là Tiểu Lan, mồ côi cha từ nhỏ, theo
mẹ lên Bắc Kinh sinh cơ lập nghiệp. Sống trên đất kinh kỳ ngày ngày đập vào mắt
hình ảnh vua quan vi hành đến đâu, con dân cúi đầu quỳ gối chào thưa răm rắp
đến đó, đã dần âm ỉ rồi bùng phát lên tham vọng vương quyền của Tiểu Lan.
Đến
khi vừa tuổi mười sáu trăng tròn, Tiểu Lan đã lần tìm ra đường dây hối lộ một
vị quan thái giám hầu cận nhà vua để được vào cung cấm thành. Một ngày được tin
vua Hàm Phong ( vua nhà Thanh thứ bảy) ngao du trong một khu hoa viên, Tiểu Lan
đến trước đón lỏng và dìu dặt cất tiếng hát. Tiếng hát như mật ngọt làm say đắm
nhà vua dừng chân lại.
Sau đó Tiểu Lan được nhà vua sủng ái ban cho thành Lan
Quí Nhân và sau chín tháng mười ngày đã hạ sinh một hoàng tử. Hoàng tử lên sáu
tuổi thì vua Hàm Phong qua đời nên được kế ngôi lấy hiệu là Đồng Trị. Từ đây
mỗi khi nhiếp chính, Lan Quí Nhân ngồi sau bức rèm ban lệnh thay cho vua con
Đồng Trị và lên ngôi là Thái Hậu Từ Hy. Thể hiện vương quyền của mình ở Cung
điện mùa hè, Từ Hy đã sai xây dựng mới các công trình kiến trúc phối cảnh với vườn
cây lá, hoa cỏ trên khu đồi Vạn Thọ, dài một ngàn mét, cao sáu mươi mét nhìn
xuống hồ Côn Minh.
Thả
bước từ dưới chân hồ Côn Minh nhìn lên núi Vạn Thọ là các dãy lầu son nằm ẩn
hiện dưới chân tượng Phật Hương Các cao gần 70m. Tượng do Từ Hy xây thờ, đã
trầm mặc trước những biến động khôn lường của thế sự. Đó là một Ngọc Lan Đường,
nơi giam lỏng vua Quang Tự ( cháu của Từ Hy) vì cả gan đưa ra chiếu chỉ 100
ngày cải cách làm ảnh hưởng đến quyền hành của Từ Hy Thái Hậu. Đó là một Nhà
Thọ Đường dùng cho các kép đào nổi tiếng biểu diễn những vở tuồng cổ cho Từ Hy
giải trí. Đó là Trường Lan Lang kéo dài gần 730 mét, trên đó khắc họa khoảng
14.000 bức tranh về những câu chuyện nhiều sắc thái của các thời Đông Chu Liệt
Quốc, Tam Quốc Diễn Nghĩa, Thủy Hử…Và đó là Đài Vân Điện, nơi Từ Hy vãn cảnh hồ
Côn Minh, trong đó có giành một gian phòng cùng với quan lại cận thần bàn
chuyện quốc sự.
Từ
Hy Thái Hậu băng hà năm 74 tuổi, sau khi đã đưa được Phổ Nghi lên làm vua cuối
cùng của chế độ phong kiến Trung Hoa. Cung điện mùa hè không chỉ phản ánh một
phần đời quyền uy của Từ Hy Thái Hậu mà ở đó còn là một chốn tiên cảnh ở mặt
đất do chính bàn tay và khối óc của con người kiến thiết, ngày nay là một quần
thể hoa viên rộng lớn bậc nhất của quốc gia Trung Hoa . Cung điện còn
có tên Di Hòa Viên ( khu vườn nuôi dưỡng sự ôn hòa) nên từ lâu đã là nơi lựa
chọn đặc biệt đối với khách du lịch từ khắp phương trời về đây thư thái cùng
cảnh sắc đất trời. Đà
Lạt- Trung Hoa tháng 11/2010/.