Thứ Ba, 5 tháng 2, 2013

Người đàn ông “giam mình” với chiếc máy gieo hạt

VĂN VIỆT
Đầu năm 2012, khách hàng nhà nông hết sức ngạc nhiên khi biết được nhiều sản phẩm máy gieo hạt tự chế tạo của một người đàn ông “giam mình” ở thị trấn Liên Nghĩa, Đức Trọng, được bình chọn là sản phẩm “công  nghiệp nông thôn tiêu biểu” từ cấp huyện đến cấp tỉnh Lâm Đồng.

Phóng viên Báo Lâm Đồng đoạt giải thưởng toàn quốc viết về khoa học và công nghệ năm 2012 (25/01/13)

Ngày 17/1/2013, tại Bảo tàng Hồ Chí Minh, Hà Nội, Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức Lễ trao Giải thưởng báo chí về khoa học công nghệ năm 2012.

Sau một năm phát động, Ban Tổ chức đã nhận được 591 tác phẩm, nhóm tác phẩm của các tác giả và nhóm tác giả thuộc các báo, đài trung ương và địa phương trên cả nước thuộc 4 thể loại: báo in, báo điện tử, phát thanh và truyền hình, phản ánh về cơ chế chính sách khoa học và công nghệ, tôn vinh các nhà khoa học, việc sáng chế ứng dụng khoa học công nghệ vào cuộc sống…

Kết quả đã có 21 tác phẩm và nhóm tác phẩm được trao giải thưởng gồm: Thể loại truyền hình (1 Giải Nhất; 2 Giải Nhì; 2 Giải Ba; 2 Giải Khuyến khích); Thể loại Phát thanh (2 Giải Nhì; 2 Giải Ba); Thể loại Báo in (1 Giải Nhất; 1 Giải Nhì; 3 Giải Ba; 4 Giải Khuyến khích) và Thể loại Báo điện tử (1 Giải Khuyến khích). Nhà báo Võ Văn Việt, Phóng viên Báo Lâm Đồng đoạt giải Ba với tác phẩm “Người đàn ông “giam mình” với chiếc máy gieo hạt” đăng trên Báo Lâm Đồng (báo in), Số thứ Hai, ngày 06/2/2012, viết về ông Lê Thanh Trị ở số 495, Liên Nghĩa, Đức Trọng, đã sáng chế và sản xuất hàng loạt chiếc máy gieo hạt tự động trên vỉ xốp, đạt hiệu quả ứng dụng cao trên vườn ươm giống rau các loại ở Lâm Đồng.Nguồn: Báo Lâm Đồng

 Người đàn ông đó là Lê Thanh Trị ( sinh năm 1957), quê gốc xứ dừa Bến Tre, lên Lâm Đồng làm công việc quản lý trong một công ty chế biến rau quả tại huyện Đơn Dương từ giữa năm 2008. Từ ngả rẽ này, một năm sau đó, anh Trị bất ngờ nghỉ việc giữa chừng ở công ty này khiến nhiều đồng nghiệp ngỡ ngàng. Thì ra anh Trị về quyết định “giam mình” trong một căn nhà thuê ở số 495, Quốc lộ 20, Liên Nghĩa, Đức Trọng, Lâm Đồng, âm thầm thực hiện ý tưởng giúp nông dân tự động hóa vườn ươm. “Nhiều người lúc đó nói tôi thực hiện những ý tưởng mơ hồ về giúp nông dân tự động hóa vườn ươm. Nhưng thực tế việc chế tạo cơ khí là chuyên môn của tôi từ thời học trung học, đại học của Sài Gòn trước năm 1975… ”- Anh Trị kể lại.
Chuyên môn nghề cơ khí chế tạo của anh Trị dần dần được đánh thức khi làm công việc quản lý kinh doanh nông phẩm đã chứng kiến hàng loạt vườn ươm giống rau, quả của nông dân Đơn Dương, Lâm Đồng đều lao động bằng chân tay, quanh năm lấm lem bùn đất cực nhọc, hiệu quả và năng suất sản xuất cây giống vô cùng hạn chế. “Giam mình” trong 4 tháng đầu tiên rời việc công ty, anh Trị thiết kế và lắp ráp xong 01 chiếc máy gieo hạt chạy bằng hơi khí nén, có lập trình bằng những hệ thống mạch điện tử, cấu thành giá bán khoảng 30 triệu đồng. Anh Trị kiểm tra lại mọi thông số kỹ thuật ở nơi chế tạo đều đạt yêu cầu đặt ra, nhưng khi đưa vào vườn ươm hoạt động thì máy bỗng chứng tỏ nhiều khuyết điểm. Đó là những chiếc kim hút hạt giống gieo xuống được vài vỉ xốp thì bị “nghẽn” do bụi bám nhiều. Rồi những giá thể đất mùn ở vườn ươm đưa vào máy bị bết dính ở nhiều công đoạn vận hành, nên chiếc máy gieo hạt điện tử đầu tay này, tổng số tiền mua đồ nghề, thiết bị trên dưới 50 triệu đồng vay mượn bạn bè, người thân để chế tạo bỗng thành…như là một khối sắt vô dụng.
Không bỏ cuộc, anh Trị một mình một căn nhà thuê, một máy vi tính “3G” đã quên ngày quên đêm để bổ sung, thay thế hoàn chỉnh một chiếc máy gieo hạt thế hệ mới vào đầu tháng 4/2011. Máy nặng chưa tới 30 ký, có thể xếp gọn chở trên chiếc xe máy. Đưa máy ra vườn ươm hoạt động chạy thông suốt, đạt công suất gieo hạt tối đa đến 240 vỉ/giờ ( 01 vỉ xốp có trên 80 ô hạt giống). Với giá thành trên 40 triệu đồng/chiếc, anh Trị đã bán 10 chiếc máy gieo hạt thế hệ mới này cho nông dân các vùng Đơn Dương, Đức Trọng của Lâm Đồng và các vùng khác thuộc tỉnh Đồng Nai, Kon Tum trong vòng hơn một tháng. Vận may trong thời điểm này có một doanh nhân từ Malaysia đến Lâm Đồng tìm mua máy gieo ươm cây trồng, tìm gặp được anh Trị và đặt mua 4 chiếc máy gieo hạt thế hệ mới, giá mỗi máy 2.300USD. 
Chừng 2 tháng sau, giao hàng, nhận tiền xong, anh Trị được doanh nhân này mời sang Malaysia tìm hiểu thực tế trong 7 ngày để có những sáng chế mới giúp nông dân tự động hóa sản xuất vườn ươm. Về lại nước “giam mình” đến tháng 6/2011, anh Trị tiếp tục xuất bán sang Malaysia 5 chiếc máy ép giá thể vào vỉ nhựa, giá mỗi máy 2.200USD. Đây là một trong các chiếc máy “phụ trợ” cho chiếc máy gieo hạt hoạt động đạt công suất cao nhất, chất lượng tốt nhất. Ngoài ra còn nhiều chiếc máy “phụ trợ” khác mà anh Trị đã và đang sản xuất bán hàng chục chiếc theo nhu cầu tự động hóa vườn ươm của người nông dân trong, ngoài tỉnh Lâm Đồng và nông dân ở Malaysia như: Máy se viên hạt giống, máy rửa khay xốp tự động, máy sàn rung biến tầng, băng tải chuyền…với giá mỗi chiếc thấp nhất là 5 triệu đồng, cao nhất là 50 triệu đồng.
Những tháng cuối năm 2011, theo yêu cầu đặt hàng từ  Malaysia, anh Trị đã chế tạo thành công một chiếc máy gieo hạt với một dây chuyền khép kín, có lắp mạch điện tử tự động điều chỉnh công suất gieo ươm trên dưới 720 vỉ xốp/giờ. Chỉ 2 người vận hành,  từ những chiếc vỉ xốp trống không đưa vào máy, qua các công đoạn rửa sạch bằng hóa chất, đóng đất, chọc lỗ, gieo hạt se thành từng viên, tưới nước…thành những chiếc vỉ gieo ươm các loài giống rau quả hoàn chỉnh, xếp ngay ngắn thành từng chồng lớp lên nhau. 
Bạn hàng từ Malaysia đã đến nhà anh Trị chạy thử máy này 3 lần, đồng ý mua 25 chiếc với giá mỗi chiếc là 8.400USD. Cũng với giá này, 3 chủ vườn ươm ở huyện Đơn Dương, Lâm Đồng cũng đặt mua 3 chiếc. Hiện anh Trị đang “giam mình” cùng với hơn 10 công nhân của mình để hiệu chỉnh chuẩn xác nhất những chi tiết vận hành cuối cùng trước khi xuất xưởng chiếc máy đầu tiên sang Malaysia vào tháng 02/2012. 
“Chiếc máy gieo hạt hoàn chỉnh này thay thế cho 15 nhân công lao động, tiết kiệm chi phí hàng tháng cho chủ vườn ươm trên dưới 50 triệu đồng. Có thể xem đây là chiếc máy ưu việt nhất của tôi làm nhiệm vụ giúp nông dân tự động hóa vườn ươm hiện thời…”- Anh Trị trải lòng./.
Đức Trọng- Đà Lạt tháng 02/2012